1. Đại hội đồng cổ đông
Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định có thẩm quyền cao nhất của công ty, gồm tất cả các cổ đông trong công ty có quyền biểu quyết.
Đại hội đồng cổ đông có hai dạng là Đại hội đồng thường niên (họp thường niên mỗi năm một lần, muộn nhất là trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính, theo đề xuất kiến nghị của Hội đồng quản trị, công ty có thể gia hạn thêm 02 tháng nghĩa là tổng 06 tháng là muộn nhất kể từ ngày kết thúc năm tài chính) và Đại hội đồng bất thường.
Đại hội đồng cổ đông thường niên thảo luận và thông qua các vấn đề sau đây: kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty; báo cáo tài chính hằng năm; báo cáo của Hội đồng quản trị về quản trị và kết quả hoạt động của Hội đồng quản trị và từng thành viên Hội đồng quản trị; báo cáo của Ban kiểm soát về kết quả kinh doanh của công ty, về kết quả hoạt động của Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; báo cáo tự đánh giá kết quả hoạt động của Ban kiểm soát và của từng Kiểm soát viên; mức cổ tức đối với mỗi cổ phần của từng loại và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền.
2. Hội đồng quản trị
Hội đồng quản trị có quyền: Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị; bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng trong công ty; quyết định giá bán cổ phiếu, trái phiếu của công ty; giám sát, chỉ đạo Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác trong điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; trình báo cáo quyết toán tài chính hằng năm lên Đại hội đồng cổ đông;…
Số lượng thành viên hội đồng quản trị có từ 03 đến 11 thành viên và nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị là không quá 05 năm, có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không bị hạn chế.
Xem thêm: Vị trí việc làm là gì và có những vị trí nào trong công việc
3. Chủ tịch Hội đồng quản trị
Chủ tịch hội đồng quản trị là người có quyền và nghĩa vụ sau:
- Lập chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng quản trị;
- Chuẩn bị hoặc tổ chức việc chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu phục vụ cuộc họp, triệu tập và chủ tọa cuộc họp Hội đồng quản trị;
- Tổ chức việc thông qua quyết định của Hội đồng quản trị;
- Giám sát quá trình tổ chức thực hiện các quyết định của Hội đồng quản trị;
- Chủ tọa họp Đại hội đồng cổ đông;
- Các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
4. Giám đốc
Tiêu chuẩn: Giám đốc phải đạt các tiêu chí về bằng cấp chuyên môn, được đào tạo bài bản, có kiến thức am hiểu lĩnh vực mà công ty đang hoạt động, có kinh nghiệm làm việc 5 năm với vị trí quản lý, thông thạo Ngoại ngữ Tiếng Anh và có khả năng đàm phán làm việc với đối tác nước ngoài, có tầm nhìn chiến lược cho công ty.
Nhiệm vụ: Giám đốc cần làm công tác Tổ chức – Nhân sự, công tác Tài chính – Kế toán, công tác kinh doanh và Thi đua Khen thưởng – Kỷ luật. Nhìn chung công việc của giám đốc khá quan trọng bởi giám đốc sẽ là người chịu trách nhiệm tạo lập đường lối kế hoạch ngắn hạn và lâu dài, đề ra chiến lược kinh doanh, tìm kiếm các đối tác nhà phân phối sản phẩm, nghiên cứu phương thức đầu tư ra thị trường để thu về lợi ích nhiều nhất, đích thân tham gia ký kết hợp đồng với khách hàng hoặc đối tác quan trọng.
Mức lương cứng thường thấy dành cho vị trí giám đốc sẽ dao động từ 20 đến 30 triệu đồng.
Tham khảo: Nắm bắt mẫu sơ đồ tổ chức công ty cổ phần mới nhất
5. Phó giám đốc
Tiêu chuẩn: Phó giám đốc cần tốt nghiệp Đại học các chuyên ngành đào tạo về quản trị kinh doanh, luật, xây dựng, kinh tế,… có kinh nghiệm 3 năm ở vị trí quản lý, biết cách tổ chức, sắp xếp công việc, có khả năng làm việc độc lập, có tinh thần trách nhiệm, , có kỹ năng văn phòng và Tiếng Anh tốt, có thể đi công tác trong và ngoài nước theo yêu cầu, trung thực nhiệt tình chịu khó học hỏi nâng cao nghiệp vụ.
Nhiệm vụ: Hỗ trợ giám đốc trong công tác kinh doanh điều hành doanh nghiệp, quản lý các hoạt động trong công ty, điều hành, quản lý các công việc và kế hoạch đã được phê duyệt từ giám đốc, đại diện công ty làm việc với các cơ quan nhà nước, soạn thảo sửa đổi bổ sung các văn bản quy định chế tài, trong một số trường hợp làm kiêm vị trí của giám đốc
6. Các phòng ban chức năng
6.1. Phòng tổ chức hành chính
Chức năng: Tham mưu với lãnh đạo về công tác tổ chức, cán bộ, bảo vệ chính trị trong nội bộ, chịu trách nhiệm công tác hành chính tổng hợp, văn thư lưu trữ, làm công tác thi đua khen thưởng kỷ luật, thực hiện công tác giám theo quy định chung.
Nhiệm vụ:
- Lập kế hoạch về công tác, là đầu cầu kết nối trao đổi thông tin, văn bản, giấy tờ giữa Ban giám đốc và các cơ quan, đối tác bên ngoài của công ty, hoặc giữa Ban giám đốc và các phòng ban, vị trí trong công ty.
- Nhận và lưu giữ bảo quản công văn tài liệu đến và đi theo các quy định của pháp luật về văn thư
- In ấn giấy khen, chứng nhận khen thưởng nhân viên trong công ty theo quy định
6.2. Phòng kế toán tài chính
Chức năng : Có kế hoạch chiến lược tài chính doanh nghiệp, làm công tác kế toán, kiểm tra và đánh giá hoạt động của doanh nghiệp hiệu quả hay không.
Nhiệm vụ: Nhắc tới kế toán là nhắc đến hạch toán chi phí và làm các nghiệp vụ chuyên môn về kinh tế phát sinh tại công ty, doanh nghiệp một cách kịp thời, đầy đủ để đảm bảo vận hành công ty. Phòng tài chính-kế toán có nhiệm vụ chịu trách nhiệm chính và phối hợp các phòng ban liên quan để có kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính định kỳ, quản lý công tác đầu tư tài chính, cho vay tại công ty, nghiên cứu cũng như đề xuất với Ban lãnh đạo về các biện pháp quản lý kinh doanh.
6.3. Phòng kinh doanh
Chức năng : làm chiến lược, kế hoạch, giám sát, kiểm tra, khai thác kênh phân phối, có nghiệp vụ bán hàng, chịu trách nhiệm quản lý sản phẩm và chất lượng sản phẩm, thống kê, tổng hợp.
Nhiệm vụ: làm công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh, định hướng phát triển trung và dài hạn cho công ty, tổng hợp, theo dõi, đăng ký và làm theo kế hoạch sản xuất kinh doanh mỗi năm của công ty; đàm phán thương lượng và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với hệ thống các kênh phân phối, giám sát và đánh giá năng lực thực sự của các nhà phân phối, đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hệ thống chất lượng, quản lý và khai thác các phản hồi của hệ thống kênh phân phối. cung ứng hàng hóa và theo dõi sản lượng bán, giá thành và hàng tồn đọng của kênh phân phối, triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích hệ thống kênh phân phối, phối hợp cùng các tổ chức định giá tài sản thế chấp, hoàn thành các thủ tục thế chấp theo quy luật, xây dựng các kế hoạch, phương án bán hàng theo từng tuần, từng tháng, thực hiện nghiệp vụ của công tác kinh doanh, bán hàng, quản lý đội ngũ bán hàng và giám sát công việc bán hàng, phối hợp quảng cáo tuyên truyền, xây dựng hình ảnh, thông tin về sản phẩm thông qua hoạt động tiêu thụ sản phẩm.
6.4. Phòng thị trường
Chức năng: làm khảo sát nghiên cứu thị trường, giám sát quản lý vùng thị trường, thực hiện công tác marketing, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại.
Nhiệm vụ chủ yếu: Công tác chủ yếu là nghiên cứu xu hướng người tiêu dùng, giá thành bán ra, sản phẩm ưa chuộng, phân phối, khách hàng tiềm năng, tâm lý và xu hướng thay đổi của người tiêu dùng, chính sách sau khuyến mãi, những sản phẩm tương tự cạnh tranh, các công ty đối thủ cạnh tranh, có thể dự báo khả năng tiêu thụ sản phẩm trong ngắn hạn và dài hạn, quản lý vùng thị trường, triển khai công tác xây dựng, phối hợp đánh giá năng lực nhà phân phối và các kênh phân phối, đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng của hệ thống kênh phân phối, xây dựng và tổ chức các hoạt động cho cửa hàng mẫu, các kênh về giới thiệu sản phẩm.
6.5. Phòng nhân sự
Chức năng: Tuyển dụng nhân sự, tìm kiếm những ứng cử viên cho công ty, đảm bảo nhân lực cho công ty để đáp ứng khối lượng công việc, đào tạo, hướng dẫn cho nhân viên mới tham gia vào công việc của công ty, dẫn dắt tới các phòng ban nhận nhiệm vụ.
Nhiệm vụ: Lập bảng báo cáo hàng tháng về tình hình biến động nhân sự, chịu trách nhiệm theo dõi, quản lý nhân sự, tổ chức tuyển dụng, bố trí lao động đảm bảo nhân lực cho sản xuất, sa thải nhân viên và đào tạo nhân viên mới, chịu trách nhiệm soạn thảo và lưu trữ các loại giấy tờ, hồ sơ, văn bản, hợp đồng của công ty và những thông tin có liên quan đến công ty, tiếp nhận và theo dõi các công văn, chỉ thị, quyết định,….; tổ chức, triển khai, thực hiện nội quy lao động của Công ty, theo dõi quản lý lao động, đề xuất khen thưởng. Thực hiện các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ đối với người lao động như lương, thưởng, trợ cấp, phúc lợi,….; phối hợp với phòng kế toán thực hiện về công tác thanh toán tiền lương, tiền thưởng và các mặt chế độ, chính sách cho người lao động, và đóng bảo hiểm xã hội thành phố theo đúng quy định của Nhà nước và của Công ty.
Đối với các sinh viên mới ra trường muốn hiểu về cơ cấu các vị trí trong công ty thì đây có lẽ là những thông tin hữu ích cho các bạn để có thể hiểu hơn về cách tổ chức trong một công ty. Bạn có thể vào trang web topcvai.com để biết thêm nhiều kiến thức khác về một công ty.
Tham gia bình luận ngay!