Nhân viên chăm sóc khách hàng hầu hết làm việc qua màn hình điện thoại, máy tính. Họ là người tiếp xúc với khách hàng còn nhiều hơn doanh nghiệp. Với công việc là thông báo, giải đáp những thắc mắc, khiếu nại của khách hàng trong quá trình cung cấp sản phẩm dịch vụ, thu tập dữ liệu khách hàng. Đây là công việc cần một người có kỹ năng giọng nói dễ nghe và kỹ năng xử lý tình huống tốt. Nhiều bạn rất thích công việc này vì không yêu cầu có quá nhiều kinh nghiệm, có thể làm việc thành thạo trong thời gian ngắn, có thể làm việc part time.
1. Chi tiết cách viết CV chăm sóc khách hàng.
Một bản CV chăm sóc khách hàng cần đảm bảo đầy đủ các yếu tố sau đây: thông tin giới thiệu, mục tiêu nghề nghiệp, trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc (người tham khảo), kỹ năng, giải thưởng, chứng chỉ, sở thích, giải thưởng và hoạt động tham gia.
- Về thông tin giới thiệu: tên, tuổi, số điện thoại, email, địa chỉ, mạng xã hội (có hoặc không). Thông tin cá nhân nên được chỉn chu, đầy đủ và chính xác nhất có thể.
Ví dụ:
Họ và tên: NGUYỄN VĂN A
Ngày tháng năm sinh: 02/10/1995
Số điện thoại: 0923436***
Email: ******@gmail.com
Địa chỉ: Số nhà 3, ngõ 349 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
- Về mục tiêu nghề nghiệp chăm sóc khách hàng: qua phần mục tiêu, bạn không những đưa ra những mục tiêu của bản thân mà còn gắn mục tiêu của bản thân với mục tiêu của doanh nghiệp, công ty bạn đang có ý định ứng tuyển; thể hiện bạn là ứng viên có chung chí hướng với công ty sẵn sàng bước lên chiếc thuyền đó. Trong đó phải có định hướng của bạn trong một số năm tới ở vị trí nào, kinh nghiệm muốn tiếp thu ra sao, học hỏi điều gì, và đóng góp những gì cho công ty.
Ví dụ:
Tôi muốn được học hỏi, trải nghiệm thêm về chăm sóc khách hàng ở nhiều mảng lĩnh vực khác nhau để trau dồi bản thân nhiều hơn nữa.
Trong khoảng 3 năm tới, tôi hy vọng sẽ phấn đấu để được thăng tiến tới vị trí trưởng phòng chăm sóc khách hàng.
Cuối cùng, tôi muốn dùng khả năng của mình chinh phục tất cả các khách hàng để mang lại lợi ích cho công ty.
- Về trình độ học vấn: hãy liệt kê bằng đại học, trung cấp, cao đẳng mà bản thân đang sở hữu một cách đúng sự thật kèm theo thời gian bạn dành ra để hoàn thiện chương trình học đó.
Ví dụ:
Năm 2008-2012: Cử nhân kinh tế- trường Đại học Kinh tế Quốc Dân- chuyên ngành Marketing.
Năm 2012-2016:...
- Về kinh nghiệm làm việc (người tham chiếu): Phần này tập trung nêu ra các vị trí bản thân bạn đã từng nắm giữ trong các công ty, nhiệm vụ của bạn trong công ty đó. Hãy viết đúng theo những gì bạn đã từng làm việc, bởi sau đó chúng ta sẽ có phần ghi thông tin của người kiểm chứng những thông tin đó của các công ty bạn đã từng làm việc. Thông tin của đối tượng bao gồm tên và phương thức liên hệ.
Lưu ý: Người tham chiếu nên là người cấp trên quản lý bạn, hoặc người trong ban nhân sự bạn thường xuyên nói chuyện giao tiếp để họ có những nhận xét, phán đoán và có thể chứng minh bạn đã từng làm việc trong công ty, những đóng góp của bạn cho công việc. Đồng thời, hãy nhấn mạnh những thông tin về công việc có liên quan tới công việc bạn sắp làm. Nếu bạn tự tin vào trình độ tiếng Anh của mình thì nên viết cv chăm sóc khách hàng tiếng Anh sẽ gây được sự chú ý với các nhà tuyển dụng.
Ví dụ:
+ Năm 2016-2018: nhân viên content marketing (admin) tại công ty X
Nhiệm vụ: Viết nội dung và đăng tải thông tin tới khách hàng
Trả lời tin nhắn và tư vấn để khách hàng có thể đặt sản phẩm của công ty
Hỏi về phản hồi của khách về sản phẩm
Giải quyết các khiếu nại liên quan đến sản phẩm và quá trình vận chuyển
+ Năm 2018- hiện tại:..
- Về kỹ năng: Theo bạn, một nhân viên chăm sóc khách hàng cần những kỹ năng gì?
Bạn hãy liệt kê các kỹ năng bạn cho là cần thiết và đánh giá mức độ thành thạo kỹ năng đó của bản thân.
Ví dụ:
Kỹ năng giao tiếp
Kỹ năng xử lý tình huống và giải quyết vấn đề
Kỹ năng tin học văn phòng
Biết lắng nghe, nhẫn nại
Thấu hiểu tâm lý khách hàng
- Về giải thưởng: Ở đây, bạn có thể nêu những thành tích của bản thân trong các cuộc thi, thành tích trong các hoạt động ở các công việc trước đó.
Ví dụ:
Top 5 của cuộc thi hùng biện tiếng Anh do Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh tại Hà Nội tổ chức.
Giải thưởng nhân viên xuất sắc nhất năm, vượt mức KPI 150% năm 2020 tại công ty X.
- Về chứng chỉ: các chứng chỉ bạn được công nhận trong quá trình học tập tại trường và các trung tâm về ngoại ngữ, tin học, các khóa học kỹ năng nghiệp vụ chuyên ngành.
Ví dụ:
Chứng chỉ tiếng anh TOEIC 700+ cho IIG cung cấp
Chứng chỉ tin học MOS 1850 do IIG cung cấp
Chứng chỉ CDMP do DMI cung cấp
- Sở thích: Một nhân viên chăm sóc khách hàng rất cần các đức tính của người tỉ mỉ, kiên nhẫn, biết lắng nghe và nói chuyện với mọi người. Vì thế, việc bạn có sở thích như đọc sách, giao lưu câu lạc bộ thể thao hoặc bất cứ câu lạc bộ nào đều có thể là điểm cộng lớn cho bản CV của bạn.
- Hoạt động tham gia: Các hoạt động đoàn đội tại trường học, các dự án đã từng tham gia gây được chuyển biến lớn cho doanh nghiệp bạn từng làm việc vào thời gian trước. Trong đó, không thể không kể đến vị trí của bạn trong hoạt động cũng như những nhiệm vụ mà bạn cần phải đảm nhiệm.
Ví dụ:
Năm 2017: Trưởng ban truyền thông câu lạc bộ MGC tại trường Đại học X
Năm 2019: dự án “Tắt đèn bật ý tưởng” tại công ty Y với vai trò một leader trong team; đảm nhiệm nhiệm vụ lên ý tưởng, lập kế hoạch, triển khai, đánh giá, kiểm soát trong suốt quá trình thực hiện dự án.
2. Những lưu ý về việc viết và sắp xếp các mục trong CV.
Cách viết cv chăm sóc khách hàng không chỉ nằm ở nội dung mà còn là bố cục của CV, các lỗi chính tả, dung lượng CV,...
- Lỗi chính tả: Lỗi chính tả chính là điều không thể xuất hiện trong bất kỳ một bản CV nào. Nhất là khi bạn nộp vào một công việc yêu cầu sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và chính xác như chăm sóc khách hàng lại càng không thể có. Hãy ghi nhớ điều này và kiểm tra đi kiểm tra lại thật kỹ CV của mình trước khi gửi đi bạn nhé.
Một mẹo nữa cho các bạn là sau khi kiểm tra không còn lỗi gì, bạn hãy xuất bản CV của mình sang file pdf để khi gửi cho các nhà tuyển dụng không bị gặp các trường hợp về lỗi phông, khi bản CV trong tay bạn thì đẹp rực rỡ nhưng khi về tới tay nhà tuyển dụng lại lộn xộn chữ nghĩa, không thể đọc được.
- Tính chính xác: Các nội dung bạn đề cập trong CV cần có tính chính xác cao, đúng sự thật về những gì bạn có, bạn trải nghiệm. Dù bạn có thêm nếm vào CV mình để nó đẹp hơn, trong quá trình thử việc mà bạn không làm được việc thì cũng chứng tỏ rằng CV của bạn cũng chỉ là “làm màu” mà thôi.
- Dung lượng: Dung lượng của một bản CV nên dừng lại ở một mặt giấy. Nếu nhiều hơn cũng tối đa là hai mặt. Các ý nên được chắt lọc một cách ngắn gọn. CV không để bạn bày tỏ cảm xúc, CV là thứ ngắn gọn nhất để nhà tuyển dụng có thể hiểu sơ qua về mình thôi. Còn chi tiết, bạn sẽ trình bày trong cuộc phỏng vấn.
- Sắp xếp: Thường thì CV sẽ được sắp xếp các ý theo cột dọc, một bên là những thông tin cá nhân (có diện tích nhỏ), diện tích lớn hơn là thông tin còn lại.
topcvai.com mong rằng qua bài viết này bạn đã biết cách viết CV một cách thành thạo nhất để tìm được vị trí chăm sóc khách hàng mà bạn đang nhắm tới. Chúc các bạn thành công.
Tham gia bình luận ngay!