1. Hồ sơ xin việc và các loại giấy tờ liên quan
Thông thường khi đi phỏng vấn bạn sẽ cần mang theo bộ hồ sơ xin việc mà trong đó có chứa các loại giấy tờ mà nhà tuyển dụng yêu cầu. Các loại giấy tờ thường được các nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên mang theo khi phỏng vấn có thể kể tên đến đó là:
- Sơ yếu lý lịch tự thuật có dấu chứng thực tiếng Anh hoặc tiếng Việt hoặc bằng các ngôn ngữ khác
- CV xin việc bằng tiếng Anh hoặc bằng tiếng Việt
- Sổ hộ khẩu bản sao và dấu công chứng
- Chứng minh thư bản sao và có dấu công chứng
- Giấy khai sinh bản sao và có dấu công chứng
- Giấy khám sức khỏe có dấu đỏ của đơn vị Y Tế từ cấp huyện trở lên
- Đơn xin việc
- Bằng tốt nghiệp và các loại chứng chỉ bản sao mà có dấu chứng thực
Bên cạnh đó, một số nhà tuyển dụng cũng sẽ yêu cầu ảnh 4x6 và các loại giấy tờ có liên quan đến quá trình phỏng vấn và thông tin chi tiết về các ứng viên. Tùy thuộc vào mỗi công ty mà sẽ có những yêu cầu khác nhau về giấy tờ cần mang theo trong quá trình tham gia phỏng vấn.
Khi bạn được email mời đi phỏng vấn thì hãy để ý và đọc kỹ những yêu cầu mà nhà tuyển dụng đưa ra đối với các ứng viên khi tham gia phỏng vấn xin việc các bạn nhé. Để tránh việc quên hoặc thiếu các loại giấy tờ trên thì bạn hãy chuẩn bị sẵn tất cả mọi thứ và bỏ vào trong cặp từ hôm trước, và kiểm tra lại thật kỹ xem đã đủ chưa? Để hôm sau khi đi phỏng vấn bạn không phải lo lắng, vội vàng mà quên đi mọi thứ, ảnh hưởng đến tâm lý trong quá trình phỏng vấn và kết quả phỏng vấn.
Các loại giấy tờ trên cũng quyết định một phần đến việc bạn có được nhận vào làm việc tại công ty hay không. Nhà tuyển dụng sẽ dựa vào các thông tin trong các loại giấy tờ trên để hiểu thêm về bạn và kiểm chứng thông tin giữa các loại giấy tờ trên và câu trả lời của bạn.
2. Tìm hiểu thật kỹ về công ty trước khi tham gia phỏng vấn
Để được làm việc trong tập đoàn Samsung bạn có biết các ứng viên phải trải qua 5 vòng phỏng vấn trực tiếp? Còn đối với các vị trí công việc tại ngân hàng như Techcombank thì cũng phải trải qua 3 vòng phỏng vấn,....Chính vì vậy các bạn nên nhớ rằng hãy đọc kỹ mọi thông tin về thể lệ cũng như các quy định mà nhà tuyển dụng đưa ra khi tham gia phỏng vấn để có sự chuẩn bị tốt hơn.
Nhà tuyển dụng cũng sẽ đưa ra cho bạn một câu hỏi rằng: Bạn đã biết gì về công ty chúng tôi chưa? Hay bạn đã tìm hiểu qua về công ty hay các sản phẩm/dịch vụ của công ty chúng tôi chưa? Bạn biết gì về vị trí công việc này? Nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn một số câu hỏi về công ty để kiểm tra xem bạn có thực sự nghiêm túc đối với công việc này hay không? Bạn có phải là một người cẩn thận và cẩn trọng trong công việc hay không? Vì vậy cho nên bạn hãy tìm hiểu thật kỹ các thông tin về công ty, quá trình hình thành và phát triển, các sản phẩm, dịch vụ của công ty và đặc biệt là vị trí công việc mà bạn đang muốn ứng tuyển trước khi tham gia phỏng vấn. Nhà tuyển dụng sẽ không thể tin tưởng một người mà ngay cả những thông tin cơ bản về công ty và vị trí công việc. Hãy thể hiện sự cẩn trọng của mình ngay cả trong những việc nhỏ nhất các bạn nhé.
Để đảm bảo quyền lợi cho chính mình bạn cũng nên làm rõ mọi thứ ngay từ đầu bằng cách tìm hiểu về mức lương và quyền lợi mà người lao động sẽ được hưởng khi làm việc tại vị trí công việc đó. Một công ty tốt sẽ là một công ty có đầy đủ các chế độ phúc lợi, chính sách về lương thưởng một cách rõ ràng. Nội dung này nhà tuyển dụng có thể sẽ giới thiệu chi tiết hơn cho bạn, hoặc bạn cũng có thể là người hỏi ngược lại nhà tuyển dụng.
Bạn cũng có thể đặt ra những câu hỏi cho nhà tuyển dụng về các vấn đề mà bạn còn chưa hiểu như về: Quy chế công ty, các quy định của công ty, thưởng phạt, các kỹ năng cần có đối với vị trí công việc và đặc biệt là KPI của vị trí công việc đó,...và những câu hỏi khác.
Cách bạn trả lời và đặt ra các câu hỏi về công ty, về vị trí công việc cho thấy bạn đang thật sự quan tâm và nghiêm túc đối với công việc này. Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng có hứng thú và muốn khai thác thêm thông tin về bạn để hiểu rõ hơn về bạn.
3. Chuẩn bị những câu hỏi phỏng vấn và câu trả lời tương xứng
Để có được mức điểm tối đa thì việc tự chuẩn bị nội dung phỏng vấn là một trong những điều vô cùng quan trọng. Thông thường trong một quá trình phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ kiểm tra về kiến thức, trình độ chuyên môn, các kỹ năng phục vụ công việc, các câu hỏi tình huống để thử khả năng phản xạ, xử lý và giải quyết vấn đề một cách khôn khéo hiệu quả nhất có thể. Bên cạnh đó cũng sẽ có một số câu hỏi về kinh nghiệm làm việc để kiểm tra kiến thức về kinh nghiệm làm việc của bạn đối với vị trí mà họ đang muốn tuyển dụng.
Đối với các câu hỏi về kiến thức chuyên môn: Hãy vận dụng các kiến thức mà bạn đã từng học, làm việc để có thể vận dụng vào công việc thực tế một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, để trả lời được các câu hỏi này bạn nên tìm hiểu kỹ trong tin tuyển dụng yêu cầu về kiến thức và trình độ chuyên môn đối với vị trí tương đương.
Đối với câu hỏi câu hỏi về kinh nghiệm làm việc và kỹ năng làm việc: Hãy lựa chọn một công việc có tính tương đồng mà bạn đã từng làm việc tại vị trí tương đương, liệt kê những đầu việc chính mà bạn đã từng làm, kỹ năng bạn đã từng sử dụng sao cho có sự liên quan và gắn kết đối với vị trí mà nhà tuyển dụng đang cần.
Nếu những công việc bạn đưa ra không có sự liên quan gì đến công việc mà nhà tuyển dụng đang cần thì cơ hội để bạn được vào vòng trong là rất khó. Hãy nghiên cứu lại tin tuyển dụng và tự xét xem bản thân bạn có điểm mạnh và điểm yếu nào? Mặt tốt thì bạn có thể khoe ra nhưng những thứ bạn chưa thực sự làm tốt thì bạn cũng có thể tự lập ra cho mình những kế hoạch cụ thể về việc định hướng và phát triển bản thân lên một tầm cao mới.
Câu hỏi tình huống nên trả lời như thế nào là hợp lý nhất? Những câu hỏi tình huống này cũng sẽ giúp bạn gỡ được điểm và có đóng góp không nhỏ về điểm số trong quá trình phỏng vấn của bạn.
Nếu bạn đã từng trải qua các cuộc phỏng vấn thì có thể việc trả lời các câu hỏi phỏng vấn đối với bạn là điều không quá khó khăn. Thế nhưng cũng không ít trường hợp có nhiều người khi tham gia phỏng vấn mà không nói được gì vì run sợ và không tự tin vào bản thân mình. Vậy đâu mới là giải pháp cho những người thiếu tự tin trong giao tiếp?
- Hãy chuẩn bị mọi thứ thật kỹ lưỡng để tạo một một tâm lý thật thoải mái trước buổi phỏng vấn
- Luyện tập trước gương những câu trả lời phỏng vấn mà bạn đã chuẩn bị trước đó
- Hỏi những người đã có kinh nghiệm phỏng vấn tại vị trí công việc mà bạn đang muốn ứng tuyển
- Hít thở sâu trước khi tham gia phỏng vấn và tuyệt đối không trả lời các câu hỏi phỏng vấn như kiểu đang học thuộc bài.
- Hãy tin rằng bạn có thể làm được và đừng coi người phỏng vấn bạn như là một người đang tra khảo, điều tra về bạn để có sự thoải mái hơn về tâm lý
- Chuẩn bị trang phục, phụ kiện, make up....chỉnh chu về ngoại hình bạn có thể tự tin hơn
Khi bạn đã sẵn sàng để đối mặt và có trong tay những thứ nền tảng, cần thiết để phỏng vấn rồi thì nghiễm nhiên bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn về bản thân, chủ động nắm bắt cơ hội và sẵn sàng cho việc xử lý các tình huống một cách khéo léo.
4. Trang phục - phụ kiện và make up khi đi phỏng vấn
Ngoại hình là một trong những yếu tố giúp bạn gây được thiện cảm đối với nhà tuyển dụng ngay từ những giây đầu tiên. Bởi thực tế ngoại hình và phong thái, cách mà bạn lựa chọn các loại trang phục, phụ kiện và các loại đồ dùng đi kèm, make up chính là những thứ mà nhà tuyển dụng nhìn thấy đầu tiên. Chính vì vậy, hãy chuẩn bị và chăm chút cho phần ngoại hình của mình phù hợp với buổi phỏng vấn các bạn nhé.
4.1. Trang phục phỏng vấn cho dân hành chính văn phòng
Sau đây là một số gợi ý về trang phục phỏng vấn đối với cả nam và nữ khi đi phỏng vấn tại các lĩnh vực khác nhau. Khi bạn đi phỏng vấn đối với các công việc hành chính văn phòng, trang phục phù hợp cho bạn đối với cả nam và nữ gợi ý cho bạn lần lượt là:
Đối với nữ: Quần vải dài, tối màu hoặc sáng màu, vừa vặn, không bó sát vào cơ thể. Kèm theo đó là áo sơ mi sáng màu, có cổ và đủ dày, lịch sự. Giay đế vuông từ 3 đến 5cm, hãy mang theo túi xách với size đủ để có thể đựng vừa túi hồ sơ và các đồ dùng có liên quan khác bạn nhé!
Đối với nam: Quần dài tối màu, không bó sát, sơ vin, áo sơ mi tối hoặc sáng màu, không họa tiết và hình. Bạn cũng có thể mang cặp xách tay và mang giày da phù hợp.
4.2. Trang phục phỏng vấn cho người làm công việc trong môi trường mở
Còn đối với công việc làm ngoài trời những hướng dẫn viên du lịch, thì bạn cũng có thể lựa chọn những bộ trang phục lịch sự và tôn trọng người phỏng vấn bạn, bạn cũng có thể mặc quần jean, áo phông, giày thể thao để đi phỏng vấn.
Đối với những công việc liên quan đến ngành thời trang thì việc mặc những trang phục có gout và thể hiện được cá tính của bạn sẽ được đánh giá cao.
Đối với những công ty không có yêu cầu khắt khe về trang phục khi đi làm, bạn có thể lựa chọn những bộ trang phục phù hợp, lịch sự, không quá lố lăng, lòe loẹt. Gợi ý cho bạn là dù bạn có làm việc trong môi trường nào thì việc chọn lựa trang phục khi đi phỏng vấn cần đáp ứng đủ các tiêu chí như sau:
- Lịch sự
- Đẹp và có gout thẩm mỹ
- Phù hợp với vị trí công việc, văn hóa và quy định của công ty
5. Để không bị trừ điểm trong các cuộc phỏng vấn
Bạn cần lưu ý một số điều như sau để không bị trừ điểm trong các cuộc phỏng vấn:
- Tắt chuông điện thoại và để ở chế độ im lặng trong suốt quá trình phỏng vấn
- Thái độ khiêm tốn và hành xử một cách có chừng mừng
- Không quên các loại tài liệu trong bộ hồ sơ xin việc
- Không mặc trang phục lố lăng, lòe loẹt và thể hiện cá tính quá nhiều
- Lắng nghe, thấu hiểu và xử lý các vấn đề một khéo léo
Đó chính là toàn bộ những thứ mà bạn cần chuẩn bị khi tham gia phỏng vấn. Khi đã có trong tay toàn bộ bí kíp phỏng vấn như trên thì bạn có thể tự tin để đi phỏng vấn rồi đấy. Hy vọng bài viết đi phỏng vấn cần chuẩn bị gì? Đã cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích nhất, hãy lựa chọn một công ty, một môi trường làm việc, tham gia ứng tuyển và phỏng vấn thành công các bạn nhé! Chúc các bạn nhận được kết quả phỏng vấn thật tốt.