1. Định nghĩa về Câu trần thuật là gì?
Là loại câu quen thuộc, không chỉ ứng dụng trong đời thường mà câu trần thuật còn xuất hiện khá nhiều trong các thể loại văn học. Có thể nói, đây là mẫu câu có tính ứng dụng cao và thể hiện được nhiều ý nghĩa cũng như sắc thái biểu cảm khác nhau. Điều này đã giúp cho vẻ đẹp của tiếng việt được tăng lên rất nhiều cũng như trở nên đặc biệt hơn trong các loại ngôn ngữ trên thế giới hiện nay.
Vậy, câu trần thuật là gì?
Câu trần thuật là mẫu câu dùng để kể, xác nhận, miêu tả hay thông báo hoặc đưa ra một nhận định nào đó về trạng thái, tính chất của một sự vật, hiện tượng bất kỳ nào đó.
Về cơ bản, loại câu này sử dụng giọng điệu bình thường trong quá trình giao tiếp trò chuyện hoặc cũng có thể xen lẫn các từ ngữ mang tính biểu cảm. Tuy nhiên, mục đích cũng như ý nghĩa của câu trần thuật không có sự thay đổi với vai trò kể là chính. Chính vì thế mà câu trần thuật còn có thể được gọi là câu kể.
Ví dụ về câu trần thuật để các bạn hình dung rõ hơn về loại câu này như sau:
- Mọi người trong phòng đều chăm chỉ làm việc.
- Vào giờ cao điểm, đường phố đông nghịt người qua lại.
- “Nguyễn Trãi là khí phách của dân tộc, là tinh hoa của dân tộc. Sự nghiệp và tác phẩm của Nguyễn Trãi là một bài ca yêu nước và tự hào dân tộc. Nguyễn Trãi rất xứng đáng với lòng khâm phục và quý trọng của chúng ta. Ca ngợi người anh hùng dân tộc, chúng ta đã rửa mối “hận nghìn thu” của Nguyễn Trãi!” (Trích Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc - Phạm Văn Đồng).
Tham khảo: Tìm gia sư Văn lớp 8
2. Câu trần thuật đơn là gì?
Câu trần thuật đơn là câu trần thuật chỉ có một cụm chủ - vị và có chức năng dùng để kể, miêu tả hay giới thiệu về một sự vật, hiện tượng nào đó được nhắc đến.
Ví dụ về câu trần thuật đơn minh họa cho các bạn như sau:
- Trời nắng.
Ở đây, từ “trời” sẽ đóng vai trò làm chủ ngữ và “nắng” đóng vai trò là vị ngữ.
- Trên cành cây, những chú chim đang hót.
“Trên cành cây” đóng vai trò là trạng ngữ, “những chú chim” là chủ ngữ và “ đang hót” là vị ngữ.
Với câu trần thuật đơn, dựa trên hình thức cấu tạo sẽ được chia thành 2 loại, đó là: Câu trần thuật đơn có từ là và câu trần thuật đơn không có từ là.
2.1. Câu trần thuật đơn có từ là
Là câu trần thuật được tạo thành từ một cụm chủ ngữ - vị ngữ. Tuy nhiên, ở phần vị ngữ sẽ là sự kết hợp giữa từ “là” với một cụm từ bất kỳ nào đó. Có thể là cụm động từ, cụm danh từ hay cụm tính từ,...
Cơ bản thì câu trần thuật đơn có từ là cũng có mục đích sử dụng như câu trần thuật, dùng để kể hay miêu tả về một sự vật, hiện tượng. Tuy nhiên, trong loại câu này, đứng trước từ “là” có thể là các tình thái từ có ý nghĩa nhấn mạnh về sự khẳng định hay mang sắc thái phủ định.
Ví dụ về câu trần thuật đơn có từ là:
- Bố tôi là giáo viên.
- Tôi chắc chắn là anh ấy sai.
- Đây không phải là một bài hát buồn.
2.2. Câu trần thuật đơn không có từ là
Là loại câu trần thuật được tạo thành bởi một cụm chủ - vị. Điểm khác biệt chính là ở phần vị ngữ không có sự kết hợp với từ “là”. Với loại câu này, câu trần thuật đơn không có từ “là” sẽ có phần vị ngữ thường là động từ, tính từ, danh từ hay cụm các từ liên quan đảm nhận. Cùng với đó có thể là sự xuất hiện của các tình thái từ nhằm tăng khả năng biểu đạt cho câu nói.
Câu trần thuật đơn không có từ là cũng có mục đích sử dụng nhằm để kể, diễn đạt hay miêu tả về sự vật, hiện tượng được nhắc tới.
Ví dụ về câu trần thuật đơn không có từ là:
- Sau cơn mưa trời lại sáng.
- Tôi không phải là người bán hàng.
- Anh ấy đã không nắm tay tôi.
- Tôi tin chắc rằng họ đã lấy nó đi.
Ngoài ý nghĩa dùng để miêu tả hay kể lại thì câu trần thuật đơn không có từ là còn có ý nghĩa thể hiện sự tồn tại.
Ví dụ:
- Trên bàn có một lọ hoa.
- Trên tường có treo một chiếc đồng hồ.
- Ở dưới gốc cây, một người đang đứng đợi tôi.
Xem thêm: Tìm gia sư tiếng Việt
3. Câu trần thuật có hình thức và đặc điểm ra sao?
Việc hiểu rõ hình thức và đặc điểm câu trần thuật sẽ giúp các bạn có thể phân biệt được loại câu này với những loại câu khác trong tiếng Việt. Nói một cách khác thì đặc điểm và hình thức được xem là yếu tố nhận dạng, giúp bạn có thể nhận biết được đâu là câu trần thuật trong một đoạn văn hay các trường hợp sử dụng khác.
Về cơ bản thì câu trần thuật có đặc điểm, hình thức không quá nổi bật hay dấu ấn đặc sắc như câu nghi vấn với dấu hỏi chấm hay câu cảm thán với dấu chấm than. Thế nhưng, câu trần thuật lại là mẫu câu phổ biến và cơ bản nhất trong hệ thống các loại câu hiện nay.
Thông thường, với câu trần thuật, bắt đầu sẽ là chữ cái đầu tiên được viết hoa, kết thúc là dấu chấm. Vì thế, thông qua đặc điểm này các bạn hoàn toàn có thể nhận diện được câu trần thuật. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những trường hợp đặc biệt xảy ra. Không chỉ dấu chấm, dấu chấm than hay dấu chấm lửng cũng sẽ được sử dụng với câu trần thuật. Điều này nhằm nhấn mạnh cảm xúc được biểu thị thông qua câu nói, có thể là sự cảm thán hay sự suy ngẫm của người nói.
Ví dụ:
- Chị Yến mới mua chiếc váy mới.
- Chiếc váy thực sự rất đẹp!
- Tôi thực sự nhớ tôi của ngày xưa đó…
Đọc thêm: [Câu ghép] Định nghĩa, phân loại và cách đặt câu chính xác!
4. Cách đặt câu trần thuật
Có thể nhận thấy câu trần thuật không quá khó để đặt hay sử dụng. Tuy nhiên, bạn vẫn nên đặt câu sao cho có sự tương thích một cách tốt nhất để đảm bảo câu trần thuật của mình có một ý nghĩa nhất định và không bị nhầm lẫn với những mẫu câu khác.
Để có thể đặt câu trần thuật, các bạn có thể thực hiện theo các bước dưới đây:
- Bước 1: Thực hiện việc xác định mục đích đặt câu
Việc xác định mục đích có ý nghĩa rất quan trọng. Chỉ khi bạn biết mình đặt câu nhằm sử dụng cho việc biểu thị ý nghĩa gì thì bạn mới có thể lựa chọn được mẫu câu trần thuật phù hợp với mục đích đó.
- Bước 2: Thực hiện lựa chọn kiểu câu trần thuật cho mình.
- Bước 3: Xác định cụ thể về chủ ngữ và vị ngữ đóng vai trò chính trong câu.
- Bước 4: Thực hiện việc bổ sung thêm các phụ ngữ, bổ ngữ để câu được hoàn chỉnh về ý nghĩa cũng như hình thức và giọng điệu.
- Bước 5: Thực hiện việc viết lại câu và chỉnh sửa nếu như cần thiết.
Đây là các bước giúp các bạn có thể thực hiện việc đặt câu trần thuật một cách chính xác và đầy đủ hơn.
Cơ bản thì câu trần thuật có mục đích chính là miêu tả, kể lại hay thông báo, đưa ra nhận định về tính chất hay đặc điểm, trạng thái của sự vật, hiện tượng. Tuy nhiên, loại câu này cũng có chức năng để thể hiện, bộc lộ cảm xúc hay đề nghị một vấn đề. Do đó, trong quá trình đặt câu hay sử dụng câu trần thuật, các bạn cần xây dựng sao cho phù hợp với mục đích để tránh cho việc nhầm lẫn với những loại câu khác.
Ví dụ:
- Chiếc váy rất đẹp!
Là câu trần thuật thông báo về chiếc váy, đồng thời cũng thể hiện được tình cảm của người nói với chiếc váy được nhắc đến thông qua việc đánh giá nó “rất đẹp”.
- Ôi! Chiếc váy kia đẹp quá!
Là một câu cảm thán, có mục đích chính là bộc lộ cảm xúc của người nói về chiếc váy.
Trên đây chính là những thông tin chi tiết về câu trần thuật là gì. Mong rằng, qua những chia sẻ trên, các bạn đã hiểu được câu trần thuật là gì cũng như đặc điểm, hình thức và cách nhận diện mẫu câu này ra sao.
Tham gia bình luận ngay!