Tìm kiếm cơ hội phát triển mới, bắt đầu từ câu hỏi CFP là gì?

Icon Author Hương Chi

Ngày đăng: 2022-09-29 17:06:09

Để phát triển và tiến xa hơn trong ngành tư vấn tài chính, đặc biệt là tư vấn tài chính cá nhân, nhiều người đã chọn nâng cấp bản thân để sở hữu chứng chỉ quốc tế CFP. Vậy CFP là chứng chỉ gì? Lợi ích khi bạn sở hữu một chứng chỉ CFP là gì?

1. CFP là gì?

1.1. Khái niệm

CFP là cụm viết tắt của Certified Financial Planner, có nghĩa là Chứng chỉ chuyên gia hoạch định tài chính. Những người sở hữu chứng chỉ này sẽ giúp các cá nhân lập nên kế hoạch tài chính cho riêng mình trong tương lai. CFP không chỉ tập trung vào danh mục đầu tư, xa hơn nữa, họ sẽ giúp khách hàng của mình có được chiến lược tài chính dài hạn, tính toán đến các khoản tài chính tương lai như quỹ nghỉ hưu, quỹ bảo hiểm, mua sắm nhà cửa, đầu tư cho con cái…

CFP là gì?
CFP là gì?

Chứng chỉ chuyên gia hoạch định tài chính này liên quan đến các lĩnh vực như thuế, bảo hiểm, đầu tư tài sản, kế hoạch tài chính sau nghỉ hưu. Chứng chỉ này được chứng nhận bởi Hội đồng Tiêu chuẩn chứng nhận hoạch định tài chính (Certified Financial Planner Board of Standards - CFP Board) tại Mỹ. 

Đây là một tổ chức phi lợi nhuận quản lý cung cấp và chứng nhận cho chứng chỉ CFP trên toàn cầu. Chứng chỉ này được kiểm soát nghiêm ngặt có hiệu lực trong 2 năm với chi phí thi là 825 USD.

Hiện nay, trên thế giới có khoảng gần 89.000 thành viên được công nhận tại 86 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, chứng chỉ này vẫn còn khá mới và ít thành viên hơn so với chứng chỉ CFA. Tại Việt Nam cũng chưa có cộng đồng cho những người đạt chứng chỉ CFP

1.2. Điều kiện để đạt được chứng chỉ CFP

Có thể nói, điều kiện để đạt được chứng chỉ khá khắt khe và nghiêm ngặt. Để có thể sở hữu được chứng chỉ CFP danh giá trong giới tài chính này, bạn phải đảm bảo được 4 yêu cầu do tổ chức sáng lập -  CFP Board đặt ra.

1.2.1. Giáo dục chính quy

Điều kiện tiên quyết để bạn có thể tham gia kỳ thi đăng ký nhận chứng chỉ. Điều kiện này sẽ bao gồm 2 tiêu chí nhỏ.

Thứ nhất, bạn phải chứng minh đã hoàn thành chương trình cử nhân hoặc cao hơn từ trường đại học hoặc cao đẳng được công nhận bởi Bộ Giáo dục Hoa Kỳ. 

Điều kiện về giáo dục
Điều kiện về giáo dục

Thứ hai, bạn cần phải hoàn thành danh sách các môn học phục vụ cho việc làm bài kiểm tra CFP được quy định cụ thể bởi CFP Board. Bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về các môn học trong khóa học này nhưng chúng sẽ chủ yếu liên quan đến các chủ đề sau: Các quy định chung về tài chính, nguyên tắc hoạch định tài chính, bảo hiểm và quản lý rủi ro, kế hoạch thuế, kế hoạch đầu tư, kế hoạch bất động sản, kế hoạch nghỉ hưu.

Tuy nhiên với những người đã có chứng chỉ tài chính như CFA (chứng chỉ Phân tích đầu tư tài chính), CPA (chứng chỉ Kiểm toán viên công chứng), MBA ( Thạc sĩ quản trị kinh doanh) sẽ được miễn giảm tham gia các khóa học hoạch định tài chính của CFP.

1.2.2. Thực hiện bài kiểm tra CFP

Khác với chứng chỉ CFA, chứng chỉ CFP không chia theo level, do đó bạn chỉ cần tham gia 1 bài test duy nhất để có thể sở hữu chứng chỉ này. Bài đánh giá năng lực của CFP sẽ bao gồm 170 câu hỏi trắc nghiệm với hơn 100 chủ đề liên quan đến hoạch định tài chính. 

Các hỏi sẽ được kiểm soát trong vùng chuyên môn về tài chính mà bạn đã được học trong khóa đào tạo. Những mảng kiến thức này sẽ được phân bổ đầy đủ trong bài test với tỷ lệ khác nhau nhưng vẫn đảm bảo có thể đánh giá kiến thức của bản một cách toàn diện.

Thực hiện bài kiểm tra CFP
Thực hiện bài kiểm tra CFP 

Có 3 dạng câu hỏi chính được đưa ra trong bài kiểm tra:

- Câu hỏi độc lập: Mỗi câu hỏi này sẽ dài khoảng 2 - 3 câu với tùy chọn 4 đáp án để trả lời.

- Câu hỏi tình huống: Sẽ có một tình huống cụ thể được đưa ra, kèm theo với nó là 3 câu hỏi tập trung vào tình huống đó.

- Câu hỏi nghiên cứu: Khá giống với câu hỏi tình huống nhưng đề bài sẽ được mô tả dài hơn và đi kèm sẽ là 8 - 12 câu hỏi cho mỗi case.

Không chỉ có những kiến thức về các quy tắc cố định, CFP sẽ yêu cầu bạn phải có những kiến thức trong việc xây dựng mối quan hệ với khách hàng, ghi nhận thông tin liên quan và đưa ra những lời khuyên giúp cải thiện và duy trì thực hiện kế hoạch tài chính cho khách hàng.

Thời gian tối đa để hoàn thành bài test là 6 giờ và được chia làm 2 giai đoạn, 3 giờ cho 85 câu hỏi đầu tiên và 3 giờ cho 85 câu còn lại. Tuy nhiên trong mỗi giai đoạn 3 giờ đó, bạn có thể chọn nghỉ ngơi sau câu thứ 43 hoặc có thể làm liền mạch không nghỉ.

Bạn có thể theo dõi thông tin mới nhất về bài test này trên website chính thức của CFP Board, liên quan đến trọng số của từng chủ đề trong bài. Tuy toàn bộ là câu hỏi trắc nghiệm nhưng bài test này sẽ không hề dễ dàng để vượt qua. Tỷ lệ đỗ chứng chỉ hiện nay được quan sát là khoảng 62% đến 66%.

1.2.3. Kinh nghiệm làm việc 

Đối với điều kiện này, bạn phải minh chứng được mình đã có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực hoạch định tài chính trong khoảng thời gian ít nhất là 3 năm ở vị trí chuyên môn toàn thời gian, tương đương với khoảng 6.000 giờ làm việc hoặc 4.000 giờ trong ngành tương đương với 2 năm kinh nghiệm học việc.

Kinh nghiệm làm việc ở vị trí liên quan
Kinh nghiệm làm việc ở vị trí liên quan

Bạn cần phải chú ý rằng kinh nghiệm làm việc phải liên quan trực tiếp đến hoạch định tài chính cá nhân cho khách hàng. Đối với các hoạt động liên quan đến tài chính doanh nghiệp, đào tạo, quản lý thực hành, marketing, phát triển phần mềm hay hành chính nhân sự sẽ không được tính là các kinh nghiệm liên quan.

Thời gian kinh nghiệm được hoàn thiện phải nằm trong vòng từ 10 năm trước và/ hoặc 5 năm sau khi thực hiện bài kiểm tra. Các trường hợp cần thêm thời gian tích lũy kinh nghiệm sẽ được thông báo rõ hơn tại website chính thức của CFP.

1.2.4. Đạo đức nghề nghiệp

Đây là một tiêu chuẩn cần phải được thực hiện và chứng minh trước Hội đồng CFP. Bạn cần phải cam kết với CFP Board rằng mình sẽ hoạt động theo đúng tiêu chuẩn của người ủy thác, tất cả vì lợi ích tốt nhất của khách hàng, cư xử theo đúng chuẩn mực chung trong ngành tài chính và chuẩn mực riêng của người tư vấn tài chính.

Điều kiện về đạo đức
Điều kiện về đạo đức

Để chứng minh, bạn cần phải hoàn thành đơn xin chứng nhận chứng chỉ CFP có chứng nhận đạo đức, được kiểm tra lý lịch bởi thành viên Hội đồng và được nhận kết quả thông báo từ chính Hội đồng sau quá trình xét duyệt.

2. Công việc cho những người có chứng chỉ CFP

Nhiều người sẽ thắc mắc có được một chứng chỉ quốc tế CFP, bạn có thể làm những công việc gì?

2.1. Đưa ra lời khuyên tài chính

Đây là công việc của nhà hoạch định tài chính cá nhân cần phải thực hiện và thực hiện tốt. Trong những cuộc gặp gỡ với CFP, bạn sẽ được họ đưa ra các lời khuyên và hướng dẫn tạo lập kế hoạch tài chính cho bản thân trong dài hạn. Họ sẽ mô tả cho bạn các bước để tạo ra một kế hoạch đầu tư tài sản, tạo lập mục tiêu và ngân sách, đưa ra kịch bản tiến hành…

Tư vấn tài chính cá nhân
Tư vấn tài chính cá nhân

2.2. Tạo lập kế hoạch toàn diện

Mỗi kế hoạch tài chính lập ra đều được cấu thành từ nhiều yếu tố, mỗi yếu tố nếu không quản trị tốt có thể dẫn đến rủi ro khôn lường. Nhiệm vụ của CFP là vạch ra cho các bạn tất cả các yếu tố cấu thành, phân tích sự ảnh hưởng của từng yếu tố và đưa ra các phương án để kiểm soát các yếu tố đó. 

Kế hoạch này cần phải được đảm bảo với cơ sở các con số tài chính mà bạn đang sở hữu là chính xác. Sau khi cung cấp thông tin, các CFP sẽ tiến hành xử lý dữ liệu và bàn bạc với bạn để thống nhất và đưa ra chiến lược tài chính cho bạn. 

2.3. Người bạn đồng hành trong lĩnh vực tài chính cá nhân

Đồng hành xấy dựng chiến lược tài chính dài hạn
Đồng hành xây dựng chiến lược tài chính dài hạn

Do tính chất công việc của một CFP là làm việc cùng với khách hàng cá nhân, giúp họ hoạch định nên các chiến lược tài chính dài hạn nên các chuyên gia tư vấn này sẽ là người đồng hành cùng bạn trên cuộc hành trình phát triển tài chính cá nhân. Một khi có vấn đề liên quan đến tài chính cá nhân như bạn đang muốn dự tính đầu tư, bạn cần tư vấn về việc mua bảo hiểm, bạn cần lời khuyên cho kế hoạch tiết kiệm tiền, lời khuyên chính là hãy đến gặp các chuyên gia tư vấn tài chính, những thứ bạn muốn biết về tài chính cá nhân, họ đều có thể cùng bạn thảo luận.

Với chứng chỉ CFP, bạn có thể làm việc với các vị trí như nhà tư vấn tài chính, nhà tư vấn đầu tư, nhà quản trị rủi ro… Chứng chỉ này sẽ như một minh chứng đảm bảo rằng chuyên viên tư vấn cho bạn là một người có am hiểu và kinh nghiệm. Cùng với sự nỗ lực không ngừng, chứng chỉ CFP có thể đem đến cho bạn mức lương mà nhiều người đang mơ ước, theo Salary Expert, mức lương trung bình mà một người sở hữu chứng chỉ CFP tại Việt Nam có được là khoảng xấp xỉ 400 triệu VND.

Tham gia bình luận ngay!

captcha
Chưa có bình luận nào

Thông Báo

Thoát

Bạn có tin nhắn mới từ Đỗ Xuân Mạnh: