Chuyên môn nghiệp vụ là gì? Tìm hiểu chuyên môn nghiệp vụ giáo viên

Icon Author Trương Thanh Hằng

Ngày đăng: 2024-03-20 18:12:01

Chuyên môn nghiệp vụ là một trong những yêu cầu cơ bản đòi hỏi người lao động phải đáp ứng được trong quá trình làm việc. Bạn có thể tham khảo bài viết sau để hiểu rõ hơn về chuyên môn nghiệp vụ và tìm hiểu về chuyên môn nghiệp vụ của một giáo viên.

1. Chuyên môn nghiệp vụ là gì?

 Chuyên môn nghiệp vụ là gì?

1.1. Chuyên môn là gì?

Chuyên môn được định nghĩa là lĩnh vực kiến thức riêng của một ngành khoa học, kĩ thuật bất kì. Đi cùng với nó là khái niệm về công việc chuyên môn và trình độ chuyên môn.

Công việc chuyên môn là công việc yêu cầu người lao động có kỹ năng làm việc đặc thù và chuyên nghiệp đã được đào tạo thực hiện một công việc nhất định. Công việc chuyên môn phải được thực hiện bởi những lao động chuyên nghiệp, lành nghề (tức là đã trải qua quá trình đào tạo bài bản.

Trình độ chuyên môn có thể hiểu là năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng, thái độ vào công việc sao cho hiệu quả và nhất quán. Chúng ta thường bắt gặp cụm từ này ghi phải khai sơ yếu lí lịch tự thuật. Trong đó, trình độ chuyên môn là từ chỉ trình độ chuyên môn cao nhất được đào tạo tại thời điểm viết sơ yếu lí lịch.

Xem thêm: Việc làm nhân viên kinh doanh

1.2. Nghiệp vụ là gì?

Nghiệp vụ là những kĩ năng, phương pháp mà người lao động sử dụng để tiến hành công việc chuyên môn đã được đào tạo sao cho hoàn thành nhiệm vụ được giao ở mức tốt nhất.

Người lao động sẽ thể hiện trình độ chuyên môn, kĩ năng nhờ vào nghiệp vụ. Nghiệp vụ yêu cầu người lao động phải tuân thủ tuyệt đối và làm theo đúng quy định, quy trình đã đề ra. Người sử dụng lao động sẽ dùng nghiệp vụ như một thước đo để đánh giá lực lượng lao động mình đang có.

1.3. Chuyên môn nghiệp vụ được hiểu như thế nào?

Thông qua phân tích hai khái niệm chuyên môn và nghiệp vụ, ta có khái niệm chuyên môn nghiệp vụ như sau: Chuyên môn nghiệp vụ là toàn bộ khái niệm, quy trình, công cụ, phương tiện, kĩ thuật của một vị trí nhất định, dùng để phục vụ hoàn thành các yêu cầu đề ra cho công việc. Sự hiểu biết về chuyên môn nghiệp vụ của một người được thể hiện qua số năm kinh nghiệm trong nghề và được đánh gia qua 5 mức độ như sau:

- Mức thứ nhất: Chủ động tìm hiểu, ghi nhớ lý thuyết.

- Mức thứ hai: Có khả năng tổng hợp, hệ thống hóa lý thuyết và cập nhật thông tin mới.

- Mức thứ ba: Vận dụng một cách có định hướng các kiến thức lý thuyết có được sau khi tìm hiểu, ghi nhớ, tổng hợp, hệ thống hóa và cập nhật vào công việc.

- Mức độ bốn: Đánh giá được hiệu quả công việc của những người có cùng chuyên môn nghiệp vụ, phán đoán, phân tích được các tình huống bất ngờ.

- Mức độ năm: Có khả năng hướng dẫn, đào tạo, huấn luyện người mới, tìm ra được những phương pháp đem lại hiệu quả cao trong công việc và xử lý được mọi tình huống phát sinh.

2. Tìm hiểu về chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên

Tìm hiểu về chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên

2.1. Khái niệm chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên

Chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên là hệ thống yêu cầu về năng lực nghề nghiệp mà một giáo viên cần đạt được để có thể đáp ứng mục tiêu giáo dục ở các bậc trình độ đào tạo.

2.2. Tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên bao gồm những gì?

Tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên được đánh giá ở các khía cạnh như sau: phát triển, bồi dưỡng chuyên môn của bản thân; xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; tư vấn và hỗ trợ học sinh.

Ở mỗi khía cạnh, giáo viên sẽ được đánh giá theo ba mức độ là: mức đạt, mức khá và mức tốt, cụ thể như sau:

- Phát triển, đào tạo chuyên môn cho bản thân mỗi giáo viên:

+ Mức đạt: Đạt chuẩn trình độ đào tạo, hoàn thành 100% các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức theo duy định; tự lập kế hoạch về bồi dưỡng, phát triển chuyên môn nghiệp vụ.

+ Mức khá: Chủ động, tích cực nghiên cứu; cập nhật yêu cầu đổi mới kiến thức chuyên môn kịp thời; có khả năng vận dụng các hình thức, phương pháp và lựa chọn nội dung học tập một cách sáng tạo và thích hợp để nâng cao năng lực của bản thân.

+ Mức tốt: Có khả năng hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp phát triển chuyên môn và chia sẻ kiến thức của bản thân đến mọi người, đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành giáo dục – đào tạo.

- Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh:

+ Mức đạt: Xây dựng được kế hoạch dạy học và giáo dục

+ Cải thiện mức độ: Tích cực điều chỉnh kế hoạch dạy học và giáo dục dựa trên điều kiện thực tế của trường học và địa phương;

+ Mức tốt: Có khả năng, hướng dẫn và hỗ trợ đồng nghiệp xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục

- Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh:

+ Mức đạt: Áp dụng các phương pháp dạy học và giáo dục giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực

+ Mức khá: Cập nhật một cách chủ động và tích cực các phương pháp dạy học và giáo dục vừa phù hợp với điều kiện thực tế, vừa phục vụ nhu cầu đổi mới của ngành giáo dục – đào tạo.

+ Mức tốt: Có khả năng hướng dẫn đồng nghiệp vận dụng phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh.

- Kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh

+ Mức đạt: Biết cách sử dụng các phương pháp kiểm tra và đánh giá kết quả học tập và sự tiến bộ của học sinh

+ Mức khá: Chủ động cập nhật và biết vận dụng sáng tạo các phương pháp, hình thức, công cụ kiểm tra và đánh giá học sinh theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất.

+ Mức tốt: Có khả năng hướng dẫn đồng nghiệp thực hiện các phương pháp kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh bằng kinh nghiệm, kiến thức mình có.

- Tư vấn và hỗ trợ học sinh

+ Mức đạt: Hiểu biết về các đối tượng học sinh, nắm bắt được quy định về công tác tư vấn và hỗ trợ học sinh; có khả năng lồng ghép việc tư vấn và hỗ trợ vào hoạt động dạy học và giáo dục.

+ Mức khá: Triển khai có hiệu quả các biện pháp tư vấn và hỗ trợ học sinh sao cho hợp lý với từng đối tượng học sinh trong dạy học và giáo dục

+ Mức tốt: Biết cách hướng dẫn đồng nghiệp triển khai hoạt động tư vấn và hỗ trợ học sinh một cách hiệu quả dựa trên năng lực và kinh nghiệm của mình

Đơn xin việc làm

2.3. Làm sao để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên?

Để bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, bạn có thể tìm hiểu những phương pháp sau đây:

- Giúp giáo viên nhận thức đầy đủ và sâu sắc các vấn đề về phát triển, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho mình: Việc này giúp giáo viên nhận thức đúng đắn về năng lực của mình, tránh xảy ra tình trạng không muốn bị đánh giá thấp hơn đồng nghiệp hoặc tự đánh giá cao năng lực của mình dù thực tế không phải vậy. Giúp giáo viên nhận thức đầy đủ và sâu sắc các vấn đề về phát triển, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ là thúc đẩy họ tiếp tục phấn đấu, phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế của bản thân.

- Giúp giáo viên hiểu và chấp nhận mỗi cá nhân học sinh: Một giáo viên hiểu và chấp nhận mỗi cá nhân học sinh cũng sẽ làm được điều đó với chính bản thân mình. Chấp nhận và hiểu học sinh là yếu tố xây dựng một nền giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, tạo ra môi trường học tập với không khí thoải mái, thân thiện, giúp các em chủ động, tích cực, tự giác và có trách nhiệm với việc học của mình.

- Giúp giáo viên hiểu đúng và vận dụng các phương pháp giáo dục mới vào thực tế: Việc bồi dưỡng kiến thức về lý thuyết phải đi kèm với thực hành để giáo viên có thể hiểu đúng và vận dụng các phương pháp mới vào thực tế một cách hiệu quả, giải quyết được các tình huống phát sinh trong quá trình dạy và học.

- Khuyến khích giáo viên tự học và đổi mới phương pháp giảng dạy: Giáo viên cần được tham gia cộng tác với đồng nghiệp thông qua việc dự giờ, thiết kế giáo án cho những giờ học khác nhau. Ngoài ra, cần phải khuyến khích họ đổi mới phương pháp giảng dạy, điều chỉnh nội dung phù hợp với từng đối tượng học sinh.

- Đổi mới cách tổ chức giờ sinh hoạt chuyên môn: Giờ sinh hoạt chuyên môn ở nhà trường từ trước đến nay luôn thực hiện theo nề nếp và khuôn mẫu cứng nhắc, thiên về đánh giá, đối chiếu các giáo viên khác với một “giáo viên giỏi” dù trên thực tế năng lực, kinh nghiệm, xuất phát điểm của mỗi người là khác nhau và không thể đem ra so sánh như vậy được. Giờ sinh hoạt chuyên môn cần được thay đổi, đó phải là khoảng thời gian để các giáo viên chia sẻ chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm để cùng nhau học hỏi, phát triển chuyên môn nghiệp vụ của bản thân.

Bài viết trên đây đã mang đến thông tin về chuyên môn nghiệp vụ là gì đến với bạn đọc cùng các thông tin về chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên. Hy vọng thông qua bài viết trên đây, bạn sẽ hiểu hơn về giáo viên cùng những khó khăn mà họ gặp phải trong thực tế công việc.

Tham gia bình luận ngay!

captcha
Chưa có bình luận nào

Thông Báo

Thoát

Bạn có tin nhắn mới từ Đỗ Xuân Mạnh: