1. Công ty FDI là gì?
Trước tiên chúng ta cần hiểu rõ khái niệm về cụm từ FDI, FDI là viết tắt của Foreign Direct Investment có nghĩa là đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vì vậy những công ty FDI chắc chắn sẽ có liên quan đến vốn đầu tư từ nước ngoài.
Tại Việt Nam chưa có điều luật nào quy định cụ thể về định danh một công ty FDI tuy nhiên theo Luật đầu tư 2020 “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông”. Từ đó có thể khái quát khái niệm “Công ty FDI là công ty có vốn từ nhà đầu tư nước ngoài hoặc người nước ngoài làm cổ đông góp vốn vào hoạt động của công ty thành lập tại Việt Nam”.
Từ khái niệm chúng ta có thể phân loại công ty FDI được thành 2 loại:
- Công ty có 100% vốn từ nước ngoài: Công ty có 100% số vốn từ bên nước ngoài đầu tư, không có vốn của người Việt.
- Công ty liên doanh: Công ty do hai bên hoặc nhiều bên hợp tác thành lập tại Việt Nam dựa trên hợp đồng liên doanh, hoặc của chính phủ kí kết với chính phủ nước ngoài, hoặc công ty có vốn từ nước ngoài hợp tác với công ty tại Việt Nam hoặc do công ty liên doanh hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài qua hợp đồng liên doanh.
2. Vai trò và đặc điểm của công ty FDI
2.1. Vai trò của công ty FDI
Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế hiện nay, những công ty có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã mang lại những lợi ích không hề nhỏ cho nền kinh tế của đất nước. Đầu tư nước ngoài là một nguồn vốn được dịch chuyển từ nguồn vốn ngoại tệ sang Việt Nam góp phần làm tăng trưởng nền kinh tế và phát huy tối đa nguồn vốn sẵn có.
Thu hút đầu tư nước ngoài tạo cơ hội cho chúng ta được tiếp thu công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý kinh tế bởi những công ty từ những nước phát triển có nhiều kinh nghiệm, tư duy trình độ cao hơn, từ đó có thể học hỏi, phát huy khả năng lao động sáng tạo.
Không những vậy, nước thu hút đầu tư còn có cơ hội tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu thuận lợi đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường giao thương giữa các nước trên khu vực và trên thế giới. Việc thành lập các công ty FDI tại Việt Nam còn mang lại các cơ hội việc làm để đáp ứng mục đích tận dụng nguồn nhân lực với chi phí thấp hơn.
Người lao động Việt Nam có cơ hội làm việc trong môi trường chuyên môn cao được đào tạo kỹ năng và cải thiện mức sống. Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài cũng phải đóng thuế suất đã góp tỷ trọng không nhỏ trong việc tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
2.2. Đặc điểm của một công ty FDI
2.2.1. Đặc điểm về hình thức đầu tư
- Thành lập doanh nghiệp sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài
- Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần hoặc phần vốn góp từ công ty khác
- Công ty nước ngoài đầu tư thành lập chi nhánh tại Việt Nam
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng BBC (Business Cooperation Contract) - hợp đồng hợp tác kinh doanh
2.2.2. Đặc điểm về hình thức tổ chức
Hình thức tổ chức công ty FDI có thể thuộc 1 trong các hình thức sau:
- Công ty TNHH 1 thành viên
- Công ty TNHH 2 thành viên
- Công ty cổ phần
- Công ty hợp danh
3. Điều kiện để thành lập một công ty FDI
3.1. Có vốn chủ sở hữu từ nhà đầu tư nước ngoài
Từ khái niệm “Công ty FDI là gì” cho thấy điều kiện để một công ty được công nhận là công ty FDI phải đáp ứng 1 trong 2 yếu tố: Được thành lập có cá nhân, tổ chức người nước ngoài giữ vai trò cổ đông hoặc tham gia góp vốn. Tỷ lệ vốn góp không hạn chế.
3.2. Kinh doanh các ngành nghề không bị cấm theo quy định của pháp luật
Những ngành nghề bị cấm theo Điều 6 Luật đầu tư 2020 bao gồm:
- Kinh doanh các chất ma túy (theo phụ lục I đính kèm Luật này)
- Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật (phụ lục II)
- Kinh doanh mẫu vật các loài động, thực vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên (quy định trong Phụ lục I), các loài động, thực vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý hiếm Nhóm I có nguồn gốc tự nhiên (theo Phụ lục III)
- Kinh doanh mại dâm
- Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người hoặc mua bán sinh sản vô tính trên người
- Kinh doanh pháo nổ
- Kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Vì vậy để thành lập công ty FDI phải đảm bảo lĩnh vực kinh doanh không bao gồm những ngành nghề thuộc danh sách kể trên.
3.3. Có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đúng quy định
Bất kể thành lập công ty nào tại Việt Nam đều phải đáp ứng, tuân thủ các quy định dựa trên các điều khoản pháp luật của Việt Nam, vì vậy để thành lập một công ty FDI cũng phải đáp ứng yêu cầu: Nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư trước khi xin thành lập, thực hiện đầy đủ các thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (ngoại trừ trường hợp nằm trong quy định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của pháp luật).
Chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp sau khi được cấp chứng nhận để nộp lên Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại trụ sở chính của doanh nghiệp.
Sau khi hoàn thiện, công ty sẽ được coi là công ty FDI và được hưởng các ưu đãi của công ty FDI.
4. Công ty FDI có gì khác biệt so với công ty có đầu tư vốn khác?
Hiểu được “Công ty FDI là gì” có thể thấy công ty FDI hay công ty có hình thức vốn khác được thành lập tại lãnh thổ Việt Nam đều được xem là các công ty Việt Nam. Do đó các vấn đề về thuế hay các quy định pháp chế đều phải tuân thủ các quy định được ban hành theo pháp luật của Việt Nam. Tuy nhiên sẽ có một số quy định khác biệt so với công ty vốn đầu tư khác:
- Công ty có vốn đầu tư nước ngoài được quy định hoạt động theo giấy chứng nhận đầu tư vì vậy cần phải làm các thủ tục điều chỉnh chứng nhận đầu tư khi có sự thay đổi liên quan đến giấy chứng nhận đăng ký công ty.
- Phải có văn bản chấp thuận của Sở Kế hoạch và Đầu tư về góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại điều 26 Luật đầu tư 2020: Nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các trường hợp:
+ Tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài tăng
+ Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế nắm giữ từ trên 50% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế theo điều 23 (luật đầu tư 2020)
Ngoài khác biệt về các quy định liên quan đến pháp luật, công ty FDI có một số ưu điểm khác so với công ty đầu tư vốn khác như nguồn vốn đầu tư dài hạn ít biến động. Chủ đầu tư được quyền quyết định đối với công ty do sở hữu 100% vốn. Tuy nhiên cần lưu ý quản lý, sử dụng nhân công có hệ thống phù hợp, nếu không sẽ rất dễ phát sinh các bất đồng, các chính sách ưu đãi chưa thực sự linh hoạt.
Như vậy bài viết trên đã cung cấp những thông tin cần thiết về khái niệm, đặc điểm để bạn đọc có thể hiểu rõ và có thể trả lời cho câu hỏi Công ty FDI là gì? Hy vọng bạn đã có những thông tin hữu ích từ topcvai.com.
Tham gia bình luận ngay!