Bật mí cách viết CV gia sư giúp bạn ghi điểm trong mắt phụ huynh

Icon Author Hoàng Yến

Ngày đăng: 2020-12-16 09:57:57

Hiện nay, nhu cầu tìm kiếm việc làm gia sư của các bạn sinh viên, giáo viên trẻ đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là trong bối cảnh ngành giáo dục có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, để có thể ứng tuyển thành công vào các trung tâm hay được các bậc phụ huynh lựa chọn thì điều đầu tiên các bạn cần có một mẫu CV xin việc ấn tượng. Vậy làm sao để viết CV gia sư hoàn hảo, giúp ứng viên “ghi điểm” và chinh phục được nhà tuyển dụng?

1. Hướng dẫn cách viết CV gia sư chuẩn chỉnh và thu hút

1.1. Cần thể hiện những thông tin gì trong CV gia sư?

Cũng tương tự như mẫu CV xin việc thông thường, CV gia cũng cần thể hiện được đầy đủ các nội dung, thông tin cần thiết để phụ huynh nắm bắt được chi tiết nhất về khả năng của bạn. Theo đó, bố cục của một mẫu CV xin việc gia sư sẽ cần thể hiện được các nội dung sau:

- Thông tin cá nhân của ứng viên (phần này chỉ tóm tắt ngắn gọn và chia thành từng gạch đầu dòng để cung cấp cho phụ huynh biết được danh tính của bạn).

- Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì? (phần này sẽ tập trung vào việc đưa ra định hướng trong tương lai của bạn như thế nào, có muốn là công việc giảng dạy hay gia sư lâu dài không?).

Tìm gia sư

- Kỹ năng chuyên môn của bạn bao gồm những gì? (nêu rõ về các kỹ năng liên quan đến việc làm gia sư như là nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng giảng dạy, giao tiếp,…).

Cần thể hiện những thông tin gì trong CV gia sư
Cần thể hiện những thông tin gì trong CV gia sư

- Kinh nghiệm làm việc (phần này các bạn cần thể hiện chi tiết về những công việc mình đã làm trước đó, có liên quan đến gia sư, giảng dạy hay không và cần nêu rõ các mốc thời gian làm việc để phụ huynh nhận biết).

- Thông tin về trình độ học vấn, bằng cấp (phần này đối với những giáo viên đã ra trường thì nên ghi rõ ràng, còn các bạn sinh viên thì chỉ cần nêu hiện tại đang đi học tại trường nào, chuyên ngành nào và kèm theo các thành tích nếu có).

- Một số thông tin liên quan khác như là sở thích cá nhân, người tham chiếu để mẫu CV gia sư được hoàn hảo hơn. Phần này các bạn lưu ý viết ngắn gọn nhất có thể.

Xem thêm: việc làm thêm tại nhà

1.2. Cách viết các mục trong CV gia sư

Sau khi bạn đã tìm hiểu về những thông tin không thể thiếu trong CV gia sư, phần tiếp theo bạn cần biết được cách viết CV cho gia sư ấn tượng.

1.2.1. Thông tin cá nhân đầy đủ

Thông tin cá nhân là phần không thể thiếu trong CV của bạn, bạn cần liệt kê đầy đủ các thông tin như: Họ tên, địa chỉ, số điện thoại, email, ngày sinh,... Các thông tin bạn cần điền đầy đủ, trung thực và chính xác. Thông qua mục này, các phụ huynh cũng sẽ nắm được các thông tin cá nhân của bạn và đảm bảo rằng bạn là người uy tín và nghiêm túc.

Họ tên bạn cần viết đầy đủ tên theo chứng minh nhân dân hoặc giấy khai sinh và không được viết tắt tên của bạn.

Đặc biệt, bạn cần ghi chính xác địa chỉ email và số điện thoại của mình, để các bậc phụ huynh dễ dàng liên hệ cho bạn. Nếu bạn viết sai địa chỉ email hoặc số điện thoại thì bạn sẽ để mất cơ hội đến với công việc này.

Ảnh đại diện trong CV gia sư cần nghiêm túc
Ảnh đại diện trong CV gia sư cần nghiêm túc

Trong mục thông tin cá nhân cũng bao gồm cả ảnh đại diện, bạn nên chọn những ảnh nghiêm túc và nghiêm chỉnh, để phụ huynh nhìn vào là thấy tin tưởng bạn. Bên cạnh đó, bạn cần lựa chọn các trang phục chỉn chu như sơ mi trắng, đầu tóc gọn gàng và chỉn chu nhé!

1.2.2. Mục tiêu nghề nghiệp không nên thiếu

Mục tiêu nghề nghiệp là những định hướng, dự kiến trong tương lai với khoảng thời gian ngắn hoặc dài, liên quan đến công việc gia sư của bạn. Mục này tuy nhỏ nhưng lại “có võ” đấy nhé, vì thông qua mục tiêu nghề nghiệp của bạn, nhà tuyển dụng phần nào đoán được tính cách và con người của bạn, do đó nên bạn cần trình bày trường thông tin này thật cẩn thận.

Nếu bạn ứng tuyển cho trung tâm gia sư, bạn có thể tìm hiểu về mục tiêu chung của công ty đó để có hướng viết cho phù hợp. Các mục tiêu này bạn chỉ nên nêu ngắn gọn, súc tích tránh “tràng giang đại hải” nhé!

Ví dụ như: “Tôi sẽ cố gắng áp dụng những kinh nghiệm giảng dạy môn tiếng Anh của mình để giúp học sinh đều nắm được các kiến thức cơ bản. Trong 2 năm tới, tôi sẽ trở thành một giáo viên giỏi xuất sắc, giúp học sinh ngày càng phát triển”.

Còn nếu bạn ứng tuyển cho một phụ huynh cụ thể nào đó thì sao? Bạn có thể nêu ra những mục tiêu của mình và thể hiện mình sẽ giảng dạy thật tốt, truyền đạt hết những kiến thức cho em học sinh đó.

Mục tiêu nghề nghiệp khẳng định bạn là người tiến thủ
Mục tiêu nghề nghiệp khẳng định bạn là người tiến thủ

1.2.3. Còn kỹ năng trình bày ra sao?

Dù bạn làm giáo viên hay gia sư thì cũng đều cần có những kỹ năng nhất định. Và hầu hết, gia sư đều là người giảng dạy cho các em nhỏ. Vì vậy, bên cạnh những kiến thức và trình độ chuyên môn, bạn không thể thiếu những kỹ năng giảng dạy giúp các “búp măng” có thể tiếp nhận được kiến thức tốt nhất.

Một số kỹ năng bạn có thể đưa vào trong CV của mình như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng truyền đạt, kỹ năng kiên nhẫn, kỹ năng sắp xếp, kỹ năng quản lý thời gian,...

1.2.4. Kinh nghiệm có thật sự quan trọng?

Mục kinh nghiệm nghề nghiệp trong CV dành cho gia sư là phần mà khá nhiều nhà tuyển dụng quan tâm đến, do đó bạn không nên trình bày hời hợt hoặc ẩn đi mục này.

Nếu bạn là sinh viên và muốn ứng tuyển gia sư nhưng chưa có kinh nghiệm về gia sư, bạn có thể trình bày những hoạt động của mình trên trường học như giam gia từ thiện, các câu lạc bộ, giúp đỡ trẻ mồ côi,... Mục này sẽ thể hiện được bạn là người năng động và có lòng thương người, vì vậy bạn nên ghi rõ thời gian, tên hoạt động và các công việc bạn đã thực hiện.

Bên cạnh đó, bạn có thể nói về những công việc mà mình đã làm thêm để chứng tỏ bạn là người năng động, chăm chỉ,...

Kinh nghiệm làm việc là lợi thế
Kinh nghiệm làm việc là lợi thế

Nếu bạn đã có kinh nghiệm giảng dạy gia sư thì đây chính là một lợi thế lớn dành cho bạn. Bạn nên ghi rõ môn học bạn giảng dạy, thời gian và những kiến thức truyền tải, công việc mà mình đã thực hiện để nhà tuyển dụng nắm rõ nhất nhé!

1.2.5. Trình độ học vấn nên trình bày thế nào?

Trình độ học vấn khá quan trọng đối với một gia sư, và nếu bạn đang học các chuyên ngành về Sư phạm thì sẽ là một điểm cộng lớn dành cho bạn. Khi bạn có trình độ học vấn và biết cách truyền đạt những kiến thức, nhà tuyển dụng sẽ hài lòng và đánh giá bạn cao hơn những ứng viên khác.

Trong mục này bạn nên ghi cụ thể tên chuyên ngành và tên trường mà mình đang theo học để nhà tuyển dụng nắm được.

1.2.6. Sở thích và người tham chiếu thì sao?

Sở thích là mục không mấy quan trọng, tuy nhiên bạn nên đưa vào CV của mình để CV có đầy đủ thông tin. Bên cạnh đó, sở thích cũng giúp nhà tuyển dụng biết được tính cách của bạn ra sao và bạn là người hướng nội hay hướng ngoại.

Sở thích cá nhân cũng có thể đưa vào CV của bạn
Sở thích cá nhân cũng có thể đưa vào CV của bạn

Mục người tham chiếu là mục để nhà tuyển dụng có thể xác thực các thông tin mà bạn đưa ra trong CV của mình là đúng và chính xác. Người tham chiếu có thể là thầy cô, quản lý, sếp cũ của bạn,... Bạn nên trình bày đầy đủ số điện thoại, họ tên và email của người tham chiếu nhé!

2. Bí quyết viết CV gia sư chuẩn thu hút phụ huynh

Để có được một mẫu CV xin việc gia sư hoàn hảo và ấn tượng, các bạn cần phải thể hiện được đầy đủ, chi tiết và hài hòa giữa 2 yếu tố nội dung – hình thức. Đây là 2 điều cơ bản nhất mà phụ huynh luôn chú ý đến khi xem xét một mẫu CV. Do đó, hãy làm sao để hình thức thật độc đáo, nội dung thật mới mẻ, thu hút nhé!

Bí quyết viết CV gia sư hoàn hảo giúp bạn chinh phục nhà tuyển dụng
Bí quyết viết CV gia sư hoàn hảo

2.1. Hình thức của mẫu CV xin việc gia sư

Đối với công việc gia sư thì các yêu cầu về hình thức cũng không quá cao và khắt khe. Tuy nhiên không phải vì vậy mà các bạn có thể lơ là đi yếu tố này. Hình thức của CV gia sư có thể không phải là yếu tố chính để quyết định đến cơ hội việc làm của bạn nhưng sẽ là yếu tố để phụ huynh chọn lựa, nhất là trường hợp có nhiều mẫu CV với nội dung hay thì những ai tạo được hình thức đẹp chắc chắn sẽ có lợi thế hơn. Do đó, hãy luôn đảm bảo trau chuốt cả về hình thức của CV xin việc gia sư.

Xét về hình thức CV gia sư, các bạn cần lưu ý đến một số vấn đề sau:

- Bố cục cần đảm bảo sự rõ ràng, khoa học, sắp xếp các nội dung theo trình tự về mức độ quan trọng, làm sao để khi nhìn vào mẫu CV của bạn, phụ huynh nhận thấy bạn là người làm việc cẩn thận, rõ ràng, dứt khoát.

- Màu sắc của CV là yếu tố dễ tạo ấn tượng nhưng cũng rất dễ khiến các bạn mất điểm trong mắt phụ huynh, được thể hiện ở màu bìa CV, màu background CV, màu chữ... Vì thực tế, màu sắc chỉ cần hơi lố một chút cũng có thể khiến mẫu CV trở nên thiếu thu hút và kém “sang”. Do đó, các bạn hãy lưu ý tạo màu sắc cho CV xin việc gia sư một cách nhẹ nhàng, màu sắc trung tính, hài hòa, có thể kết hợp một số màu bổ trợ cho nhau và chỉ nên giới hạn ở 2 – 3 màu trong một mẫu CV để đảm bảo không tạo sự khó chịu khi người đọc nhìn vào.

Hình thức của mẫu CV xin việc gia sư
Hình thức của mẫu CV xin việc gia sư

- Một yếu tố trong hình thức mà nhiều bạn thường không quan tâm đó chính là ảnh trong CV. Mặc dù nó chỉ là một phần khá nhỏ nhưng phụ huynh cũng khá quan tâm bởi khi chưa được gặp mặt, thông qua ảnh họ vẫn có thể đánh giá được về tính cách của bạn như thế nào? Một bức ảnh vui vẻ, tươi mới sẽ cho thấy bạn là người năng động, hòa đồng, nhiệt huyết. Ngược lại, một bức ảnh buồn, vô hồn sẽ cho thấy bạn khá trầm và có thể không phù hợp với công việc gia sư. Do đó, hãy lựa chọn ảnh phù hợp, đảm bảo về chất lượng và không chọn ảnh thẻ để đưa vào CV xin việc gia sư.

2.2. Nội dung của mẫu CV xin việc gia sư

Nội dung chắc chắn là yếu tố không thể thiếu khi thiết kế CV đẹp xin việc nói chung và CV gia sư nói riêng. Đây là phần giúp PR về bản thân của bạn trước phụ huynh, do đó hãy thật lưu ý để làm sao thể hiện tốt nhất về năng lực của mình và chinh phục cả những phụ huynh khó tính. Việc trình bày tất cả các nội dung như đã nêu ở trên theo thứ tự thì có lẽ bất kỳ ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên làm sao để nội dung ấn tượng, nổi bật thì chưa hẳn ai cũng biết. Vậy thì hãy cùng tham khảo ngay tips tạo nội dung CV gia sư dưới đây nhé.

2.2.1. Các thông tin chính cần đưa lên đầu CV

Đối với một mẫu CV xin việc gia sư, cách thông minh nhất chính là các bạn đưa những thông tin chính và thể hiện rõ nhất năng lực, trình độ của bản thân mình lên trên để phụ huynh dễ dàng nắm bắt được. Đây là một cách để tạo ấn tượng ban đầu đối với phụ huynh hiện nay.

Các thông tin chính cần đưa lên đầu CV
Các thông tin chính cần đưa lên đầu CV

Vì thực tế, các nhà tuyển dụng sẽ không có quá nhiều thời gian để đọc kỹ từng mẫu CV. Ban đầu, họ sẽ chỉ lướt qua để biết ứng viên có điểm gì nổi bật hay không và nếu có thì mới đi sâu đọc để tìm hiểu. Do đó, nhưng thông tin quan trọng nếu được đưa lên đầu tiên thì chắc chắn sẽ gây được sự chú ý cho nhà tuyển dụng và cơ hội để bạn được chọn lựa vào vòng phỏng vấn cũng sẽ cao hơn.

2.2.2. Nhấn mạnh vào phần kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn

Với vị trí việc làm gia sư, kinh nghiệm và kỹ năng là yếu tố rất quan trọng quyết định đến việc bạn có khả năng đứng lớp hay kèm cặp các bạn học sinh hay không? Vì gia sư không phân biệt về đối tượng học tập, có thể sẽ là các bạn học sinh cấp 1, 2 hay cấp 3. Do đó, cần có kinh nghiệm, kỹ năng thì mới có thể đảm bảo truyền đạt kiến thức, giúp các bạn học sinh nâng cao lực học.

Nhấn mạnh vào phần kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn
Nhấn mạnh vào phần kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn

Thường với những việc làm gia sư cấp 2, 3 thì sẽ đòi hỏi cao hơn về kinh nghiệm, kỹ năng vì đối tượng học tập ở đây lớn hơn, có nhiều hiểu biết và cần nhiều hơn những học sinh cấp 1. Hơn nữa thông qua nội dung về kinh nghiệm, kỹ năng, nhà tuyển dụng hay các bậc phụ huynh cũng có thể đánh giá được bạn có đủ khả năng để đảm nhiệm công việc này hay không? Một người chưa có kinh nghiệm thì khó có thể dạy kèm cho học sinh cấp 3 chuẩn bị thi đại học hay một người không có kỹ năng thì không thể đứng lớp tại các trung tâm được.

Do đó, các nhà tuyển dụng đặc biệt quan tâm đến yếu tố này và các bạn cần hết sức lưu ý để nhấn mạnh vào các nội dung cần thiết trên.

2.2.3. Khẳng định bản thân bằng trình độ học vấn và các thành tích nổi bật

Thông thường với những vị trí khác thì trình độ học vấn trong cv hay các thành tích sẽ không có ảnh hưởng nhiều và quyết định đến kết quả lựa chọn của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, riêng với vị trí gia sư thì lại đòi hỏi cao về trình độ học vấn. Vì phải có trình độ tốt, có kiến thức thì mới đi dạy học được. Do đó, các ứng viên cũng cần nêu rõ ràng, chi tiết nội dung này.

Ngoài ra, nếu có các thành tích liên quan như là các giải thưởng, chứng chỉ,… để khẳng định về trình độ của mình thì hãy đưa vào CV xin việc gia sư để nhà tuyển dụng thấy và đây cũng là yếu tố giúp bạn dễ dàng giành được cơ hội việc làm hơn.

Khẳng định bản thân bằng trình độ học vấn và các thành tích nổi bật
Khẳng định bản thân bằng trình độ học vấn và các thành tích nổi bật

3. Một số sai lầm cần tránh khi viết CV gia sư

Bên cạnh các vấn đề về nội dung, hình thức trên thì khi tạo CV xin việc gia sư, các ứng viên cũng cần hết sức lưu ý khi viết cv, đó là một số sai lầm dù nhỏ nhưng lại khá nhiều bạn mắc phải như là:

- Lỗi chính tả, dùng từ là vấn đề cấm kỵ đối với CV xin việc, song lại không ít ứng viên thường xuyên mắc phải. Đây là điều rất đáng tiếc đối với các bạn khi mọi thứ đều hoàn hảo mà lại để tồn tại các lỗi này. Nhà tuyển dụng sẽ ngày càng khó tính và đặc biệt với nghề làm gia sư, dạy học thì chắc chắn không thể nhân nhượng với các lỗi cơ bản như vậy được.

- Các thông tin trong CV gia sư rời rạc, thiếu sự liên kết: Đây cũng rất nhiều người mắc phải khi các bạn quá tập trung vào 1 phần mà quên đi vai trò của những phần còn lại. Dù nhà tuyển dụng chỉ chú ý 1 số nội dung quan trọng, song về tổng thể họ vẫn sẽ quan sát để thấy được các thông tin đó có liên quan và liên kết với nhau hay không? Bạn không thể ở phần trên viết kỹ năng về dạy học mà phần dưới lại viết mục tiêu hay sở thích hướng đến một công việc khác được. Do đó, cần đặc biệt lưu ý về tính thống nhất giữa các nội dung trong CV nhé.

Một số sai lầm cần tránh khi viết CV gia sư
Một số sai lầm cần tránh khi viết CV gia sư

- Một điều mà các bạn tuyệt đối không được phép mắc phải đó là đưa thông tin sai sự thật. Nhiều bạn nghĩ rằng nhà tuyển dụng đâu có biết gì về mình nên làm sao họ thấy được là thông tin không đúng. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng là những người dày dặn kinh nghiệm, dù bạn may mắn vượt qua vòng đơn thì đến vòng phỏng vấn cũng sẽ không thể qua được mắt họ. Chỉ cần vài câu hỏi là họ có thể nhận biết được bạn đang nói thật hay nói dối. Do đó, để không bỏ lỡ cơ hội việc làm, hãy luôn đảm bảo tôn trọng sự thật khi viết CV.

- CV xin việc gia sư nên có độ dài phù hợp, tránh viết quá lan man, dài dòng mà nhà tuyển dụng lại không nắm được các thông tin chính. Thực tế họ cũng sẽ không có thời gian hay đủ kiên nhẫn để đọc một mẫu CV xin việc dài đến 3 – 4 trang A4 cả. Chính vì vậy, hãy cố gắng gói gọn thông tin trong 1 hoặc cùng lắm là 2 trang.

4. Làm thế nào để gia sư tạo thiện cảm với phụ huynh?

Sau khi đã hoàn thành CV cho gia sư của mình, bạn lo lắng nếu được ứng tuyển thì làm sao để buổi gặp mặt đầu tiên gây thiện cảm với phụ huynh? Và việc gây thiện cảm với phụ huynh ngay từ những buổi đầu vô cùng quan trọng, quyết định việc bạn có được nhận vào làm gia sư cho gia đình đó hay không, do đó bạn cần chuẩn bị thật kỹ càng trong buổi đầu tiên.

4.1. Hẹn gặp mặt phụ huynh chuyên nghiệp

Sau khi phụ huynh đã liên hệ với bạn, bạn cần chủ động liên hệ lại với phụ huynh để hẹn gặp mặt phỏng vấn. Bạn nên gọi các khung giờ ăn trưa hoặc ăn tối để xác suất nghe điện thoại của phụ huynh sẽ cao hơn.

Khi gọi điện, bạn giới thiệu ngắn gọn về bạn thân mình và lựa chọn khoảng thời gian học thử buổi đầu tiên với học sinh. Thời gian mà bạn lựa chọn cần phù hợp với bạn, tránh để xảy ra tình trạng gần đến thời gian hẹn bạn lại có việc đột xuất.

Bên cạnh đó, nếu phụ huynh không nghe máy, bạn nên để lại tin nhắn cho phụ huynh. Đặc biệt, bạn đừng nên bắt đầu liên hệ bằng việc nhắn tin cho phụ huynh sẽ thể hiện rằng bạn là người kém chuyên nghiệp.

Gọi điện thoại hẹn gặp mặt phụ huynh
Gọi điện thoại hẹn gặp mặt phụ huynh

4.2. Đến đúng thời gian hẹn và trang phục phù hợp

Bạn nên đến trước thời gian hẹn phụ huynh khoảng 10 phút để chuẩn bị trước tâm lý. Nếu địa chỉ nhà phụ huynh quá khó tìm, bạn có thể tìm hiểu trước và nếu có thời gian bạn nên “dò đường” trước để tránh bị lạc đường trong buổi đầu tiên. Trước khi đến, bạn cũng nên gọi phụ huynh thông báo để chắc chắn rằng có người ở nhà khi bạn đến.

Trang phục cũng là một lưu ý quan trọng trong buổi đầu tiên của bạn. Đối với các bạn nam nên mặc những trang phục lịch sự, tóc tai gọn gàng và chỉn chu. Còn bạn nữ thì không nên mặc đồ quá hở hang, hay ăn mặc quá diêm dúa, bạn nên mặc quần dài hoặc váy dài quá gối sẽ gây thiện cảm hơn.

4.3. Tự tin và chuẩn bị đầy đủ tài liệu

Trong quá trình giao tiếp với phụ huynh, bạn nên nói với tốc độ bình thường, giọng nói tự tin, âm lượng vừa đủ và không nên dùng từ ngữ địa phương. Bạn cũng không nên “ba hoa chích chòe” về các khả năng của mình, nên trung thực trong khi giao tiếp bạn nhé!

Cuối cùng, bạn nên mang theo sổ, bút và các tài liệu cần thiết để giảng dạy. Và bạn cũng nên mang theo căn cước công dân, thẻ sinh viên để xuất trình trong trường hợp cần thiết. Nếu bạn soạn giáo án thì có thể đưa ra giới thiệu để phụ huynh thêm yên tâm về bạn.

Trên đây là những chia sẻ về cách viết CV gia sư dành cho ứng viên cũng như một số kinh nghiệm giúp bạn tạo được thiện cảm với phụ huynh trong buổi đầu gặp mặt. Mong rằng các bạn có thể áp dụng một cách phù hợp và tạo cho mình được một mẫu CV xin việc hoàn hảo, ấn tượng nhất, từ đó chinh phục các nhà tuyển dụng và giành lấy cơ hội việc làm nhé!

Tham gia bình luận ngay!

captcha
Chưa có bình luận nào

Thông Báo

Thoát

Bạn có tin nhắn mới từ Đỗ Xuân Mạnh: