Trở thành đại diện bán hàng trong mơ với CV Sales Representative

Icon Author Lê Tuệ Nhi

Ngày đăng: 2021-07-08 14:43:58

Sales Representative - Đại diện bán hàng là vị trí có thể làm việc trong một khu vực mà công ty chỉ định, nhiệm vụ của họ là phát triển các cơ hội xung quanh bằng cách giới thiệu, chào mời sản phẩm đến khách hàng. Công việc của họ sẽ giới thiệu sản phẩm cho cả khách hàng mới và khách hàng cũ để tăng doanh thu cho công ty. Với nhiệm vụ quan trọng này mà nhà tuyển dụng yêu cầu rất nhiều trong CV Sales Representative. Để biết cách viết được một CV chuyên nghiệp cho vị trí đại diện bán hàng thì hãy theo dõi bài viết dưới đây nhé.

1. Có những nội dung gì trong CV Sales Representative

CV cho vị trí đại diện bán hàng cần phản ánh nhiều thông tin liên quan đến kiến ​​thức thị trường mục tiêu và kỹ thuật bán hàng. Một ứng viên tốt là người biết cách xây dựng một CV tập trung vào khả năng cốt lõi của mình với tư cách là một Sales Representative. Đồng thời cho nhà tuyển dụng thấy những gì bạn có phù hợp với công việc này, bạn có thể haonf thành những nhiệm vụ công ty giao.

Những nội dung trong CV Sales Representative
Những nội dung trong CV Sales Representative

Để thể hiện những điều này, trước hết chiếc CV của bạn phải chứa những nội dung sau: Thông tin cá nhân, mục tiêu nghề nghiệp (hoặc tóm tắt cá nhân với những ứng viên nhiều kinh nghiệm), trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng, các mục bổ sung (thành tích, giải thưởng đã từng đạt được, hoạt động ngoại khóa)

2. Định dạng cho CV Sales Representative

Có được một định dạng thích hợp là ta sẽ có khung xương cho chiếc CV của mình, đồng thời đảm bảo bề ngoài của CV Sales Representative sẽ trông đẹp mắt. Khi bạn chọn một định dạng CV thì nên nhớ điều quan trọng nhất là khiến nó gọn gàng, logic để nhà tuyển dụng dễ đọc và có thể chú ý đến những nội dung nổi bật trong CV.

Bạn có thể lựa chọn cho mình bố cục trình tự thời gian đảo ngược trong phần kinh nghiệm làm việc để nhấn mạnh kinh nghiệm và những thành tựu quan trọng của bạn ngay đầu tiên. Một phông chữ đơn giản, dễ đọc là điều nên làm để nhà tuyển dụng không thấy khó khăn khi đánh giá CV của bạn. Một số loại phông chữ thích hợp như: Times New Roman, Arial,.. với kích cỡ từ 11-14pt. 

Định dạng cho CV Sales Representative
Định dạng cho CV Sales Representative

Ngoài ra, để giúp chiếc CV trông chuyên nghiệp hơn thì nhớ để tiêu đề các phần cần đơn giản và in đậm để người tuyển dụng xem đơn dễ dàng hơn. Lưu ý đến khoảng cách giữa các dòng và khoảng trắng giữa các phần, đừng khiến nó dày rít và làm rối mắt người đọc nhé. Cuối cùng là để CV Sales Representative của bạn dưới định dạng PDF nhé, bạn sẽ không muốn nộp một bản word mà khi nhà tuyển dụng tải về bị lỗi phông hay định dạng đâu.

3. Cách viết nội dung CV Sales Representative

3.1. Thông tin cá nhân

Không giống như khi bạn viết sơ yếu lý lịch tự thuật hay đơn xin việc, phần thông tin cá nhân chỉ nên bao gồm: Họ và tên của bạn, ngày tháng năm sinh, email và số điện thoại, địa chỉ. Nếu như bạn có một mạng lưới quan hệ rộng lớn hoặc đăng blog trên Linkedin thì bạn có thể thêm tài khoản Linkedin để khiến nhà tuyển dụng có thể tìm hiểu thêm về bạn.

Thông tin về email phải là một cái tên nghiêm túc, không chứa đựng sự thiếu nghiêm túc như những các tên “[email protected]” như thế được. Ngoài ra, việc viết đúng SĐT là điều bắt buộc tối thiểu để nhà tuyển dụng có thể liên lạc với bạn khi cần. Một ví dụ điển hình mục thông tin cá nhân như:

“Nguyễn Đình Q

6/6/1993

SĐT: 012XXXXXX

Email: [email protected]

Số 8 đường số 7 thành phố XX, tình YY”

3.2. Mục tiêu nghề nghiệp

Để có thể viết được một mục tiêu nghề nghiệp hiệu quả, bạn nên cần có những tips nhất định. Mình ở đây để đưa ra những tips này cho bạn. Mục tiêu nghề nghiệp là phần bạn cần nêu nổi bật kỹ năng, kinh nghiệm mà bạn cho rằng nó phù hợp với công việc Sales Representative. Đồng thời bạn cũng nên thể hiện rằng mình mong muốn được làm việc tại vị trí ứng tuyển và có thể đóng góp những gì cho công ty.

Mục tiêu nghề nghiệp
Mục tiêu nghề nghiệp

Hãy đưa một số tính từ và từ khóa trong bản mô tả công việc vào mục tiêu nghề nghiệp, nêu kèm chức vụ và số năm kinh nghiệm bạn đã làm trước đó, những gì bạn có thể mang lại cho công ty, thành tựu lớn nhất của bạn, mong muốn làm việc của bạn.

Những ý này cần viết cô đọng, súc tích, quan trọng nhất là nó rõ ràng, không mơ hồ. Đồng thời hãy cho thêm các con số vào phần mục tiêu nghề nghiệp, nó sẽ trông chi tiết và đáng tin cậy hơn rất nhiều.

Đây là ví dụ mục tiêu nghề nghiệp cho những người đã có kinh nghiệm:

“Sales Representative trong lĩnh vực dược phẩm và đã có hơn 5 năm kinh nghiệm làm việc dưới vai trò này cùng đội nhóm. Trong quá trình làm việc thường xuyên vượt 30% KPI và đã thu hút được hơn 150 khách hàng tiềm năng mới. Mong muốn làm việc tại công ty XX dưới vai trò Sales Representative và thúc đẩy các mục tiêu bán hàng trên toàn quốc bằng cách quảng cáo các sản phẩm của XX tới các bác sĩ và chuyên viên y tế khác.”

Ví dụ mục tiêu nghề nghiệp
Ví dụ mục tiêu nghề nghiệp

Nếu như bạn chưa có kinh nghiệm nhiều, đừng lo lắng, bạn có thể tham khảo cách viết đây xem sao nhé:

“Với bằng cử nhân Quản trị bán hàng (GPA 3.5) và kinh nghiệm bán hàng tại công ty XYZ trong 1 năm, đã thiết lập và duy trì mối quan hệ với hơn 15 khách hàng quan trọng. Mong muốn dành tất cả kỹ năng và sự hiểu biết của mình cho vị trí Đại diện bán hàng tại XX để có thể tăng doanh số bán hàng.”

3.3. Kinh nghiệm làm việc

Đây là một phần quan trọng mà thông thường nhà tuyển dụng dành thời gian đọc kỹ hơn cả. Nên hãy đưa ra các kinh nghiệm mà họ cần để có thể đánh bại được các ứng viên khác. Điều đầu tiên bạn cần làm là xem lại nhiều lần bản mô tả công việc đại diện bán hàng, xác định các kỹ năng và nhiệm vụ đại diện bán hàng cần biết. Sau đó, hãy chuẩn bị mô tả công việc trước kia dựa trên các từ khóa trong bản tin tuyển dụng.

Bạn có thể liệt kê các vị trí đã làm theo thứ tự đảo ngược, nghĩa là vị trí gần đây nhất sẽ nằm trên cùng. Khi mô tả kinh nghiệm làm việc phải có cả chức danh nghề nghiệp của bạn, tên công ty và khoảng thời gian bạn làm việc tại đó. Đồng thời đưa ra 5-6 gạch đầu dòng cho mỗi công việc, bao gồm trách nhiệm công việc và những thành tích nổi trội.

Kinh nghiệm làm việc
Kinh nghiệm làm việc

Một lời khuyên cho bạn là chỉ nên liệt kê những công việc có liên quan đến bán hàng hoặc tạo ra các giá trị giúp cho công việc đại diện bán hàng của bạn sau này. Bạn cũng nên thêm những con số định lượng vào thành tích của mình để nhà tuyển dụng tin tưởng và mường tượng ra được bức tranh về việc bạn sẽ thực hiện công việc tốt như thế nào.

Hãy giữ cho phần kinh nghiệm không bị quá dài, lan man, nhưng cũng đừng ngại đưa nhiều số liệu thống kê để làm nổi bật lên thành tích của bạn. Bạn có thể sử dụng các động từ hành động khi bắt đầu mỗi gạch đầu dòng, điều này sẽ tác động hiệu quả đến ấn tượng của nhà tuyển dụng.

Ví dụ cho kinh nghiệm việc làm của CV Sales Representative:

“Đại diện bán hàng

Công ty XYZ

Tháng 1 năm 2021 - Hiện tại

- Tạo và thực hiện các kế hoạch tiếp thị để thúc đẩy kinh doanh

- Mở rộng việc thâm nhập thị trường bằng cách xây dựng mối quan hệ với khách hàng hiệu quả

- Thực hiện thuyết trình và giới thiệu sản phẩm đến những khách hàng tiềm năng

- Nghiên cứu nhân khẩu học và xu hướng bán hàng của các sản phẩm trên thị trường nhằm cụ thể hóa đối tượng mục tiêu và loại hình quảng cáo phù hợp.

- Duy trì mối liên hệ với các bộ phận khác nhau nhằm tạo ra các nỗ lực bán hàng hiệu quả.

- Tăng trưởng doanh số bán hàng thêm 25% trong vòng 1 năm, đồng thời tăng tối đa 20 khách hàng mới mỗi quý.”

3.4. Trình độ học vấn

Ngoài việc liệt kê bằng cấp của bạn, chuyên ngành bạn học và GPA đạt được, bạn có thể đề cập thêm những môn học liên quan đến việc cung cấp kiến thức cho công việc. Cách này nên áp dụng khi mà bạn có ít kinh nghiệm về sales hay đại diện bán hàng. Một ví dụ điển hình cho bạn khi trình bày mục học vấn của bản thân:

“Cử nhân chuyên ngành bán hàng

Đại học ABC

2016-2020

GPA 3.5

Các môn học liên quan: Quản trị bán hàng, Quản trị quan hệ khách hàng, Tâm lý hành vi.”

3.5. Kỹ năng

Dựa trên bản mô tả công việc và sự thật về bạn, hãy liệt kê những kỹ năng quan trọng đối với một Sales Representative. Các kỹ năng bạn có thể tham khảo như: Kỹ năng giao tiếp, xây dựng mối quan hệ, kỹ năng thuyết trình, quản lý thời gian, giải quyết vấn đề, quản trị xung đột, các kỹ thuật bán hàng, kỹ năng tin học văn phòng,... Có rất nhiều kỹ năng nhưng bạn chỉ nên chọn 6-8 kỹ năng thực sự quan trọng và bạn thực sự tự tin về những kỹ năng đó.

3.6. Những mục bổ sung

Một số mục bổ sung bạn có thể thêm vào để làm nổi bật chiếc CV của mình như giải thưởng và thành tích để làm nổi bật lên khả năng nổi trội của bạn hoặc các chứng chỉ như chứng chỉ tiếng Anh, giải thưởng bán hàng xuất sắc,...

Những mục khác
Những mục khác

Ngoài ra, nếu như bạn cho các hoạt động ngoại khóa vào thì đây có thể là một điểm cộng lớn. Nó chứng tỏ bạn là người quảng giao, năng động, điều này rất thích hợp cho công việc đại diện bán hàng.

Bên trên là cách viết CV Sales Representative chi tiết, bạn có thể tham khảo cách viết và mẫu để tự tạo cho mình chiếc CV đánh gục nhà tuyển dụng nhé. Chúc bạn may mắn.

Tham gia bình luận ngay!

captcha
Chưa có bình luận nào

Thông Báo

Thoát

Bạn có tin nhắn mới từ Đỗ Xuân Mạnh: