1. Các thông tin cơ bản phải có trong cv xin việc IT cho người chưa có kinh nghiệm
Dù là cv xin việc IT hay cv xin việc các ngành nghề khác; bạn cũng cần đưa ra đầy đủ các thông tin để giới thiệu bản thân như: họ tên, năm sinh, quê quán; mục tiêu nghề nghiệp; trình độ học vấn; kinh nghiệm làm việc; các kỹ năng; chứng chỉ; kỹ năng mềm; sở thích,.. đảm bảo cv có đầy đủ các nội dung cơ bản nhất.
1.1. Thông tin cá nhân trong cv xin việc IT
Thông tin cá nhân phải bao gồm: họ tên, năm sinh, địa chỉ hiện đang cư trú, số điện thoại và email. Đây là các thông tin cơ bản nhất mà ứng viên phải có; nó là phương tiện giúp nhà tuyển dụng có thể liên hệ lại ứng viên khi họ phù hợp với vị trí tuyển dụng.
Ngoài ra, trong phần này, bạn có thể viết thêm vị trí ứng tuyển. Nhà tuyển dụng đôi khi phải tuyển dụng ứng viên cho rất nhiều vị trí khác nhau tại một thời điểm; vì vậy, nếu bạn điền sẵn vị trí mình mong muốn trong cv, sẽ giúp nhà tuyển dụng ghi nhớ chính xác. Đối với những bạn học ngành IT chưa có kinh nghiệm thì những phần tưởng chừng đơn giản các bạn cũng phải thật cẩn thận, trau chuốt.
Lưu ý khi viết cv, ảnh được sử dụng trong mục thông tin cá nhân, nên để ảnh thẻ; không nên sử dụng các hình ảnh không trang trọng, ảnh tự sướng hay các hình ảnh yêu thích của chúng ta như: chó, mèo, chibi, hoạt hình, idol,…
Đặc biệt, đối với email. Đây là một chi tiết rất nhỏ thôi, nhưng nếu bạn trau chuốt và chú ý; nhà tuyển dụng sẽ rất ấn tượng. Bạn nên sử dụng email bằng tên của mình, đi kèm với các ký hiệu về học vấn, trình độ hay điểm mạnh cá nhân. Không nên để các email trẻ con như: [email protected], [email protected],.... Nhìn qua cũng thấy thiếu chuyên nghiệp phải không?
Nếu bạn đang sở hữu cho mình một email như vậy, lời khuyên của tôi dành cho bạn đó là: hãy lập một email mới, chỉ mất khoảng từ 5-10’ thôi; còn email kia, bạn hoàn toàn có thể sử dụng cho các mục đích khác, không phải trong công việc.
Email nên được để dưới dạng: [email protected] hay [email protected],...
1.2. Mục tiêu nghề nghiệp trong cv xin việc IT
Mục tiêu nghề nghiệp trong cv xin việc giúp nhà tuyển dụng xác định và đánh giá được tầm nhìn, dự định của ứng viên; là phần ứng viên thể hiện các mong muốn, nguyện vọng của cá nhân trong quá trình học tập và làm việc. Nhà tuyển dụng thường đánh giá cao đối với các ứng viên có mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng, biết rõ bản thân muốn gì, có kế hoạch mục tiêu cụ thể.
Trong phần mục tiêu nghề nghiệp, ứng viên nên chia làm 2 phần: mục tiêu dài hạn và mục tiêu ngắn hạn. Với mỗi phần, chúng ta chỉ nên trình bày trong khoảng từ 2-3 mục tiêu, không nên trình bày quá nhiều, khiến cho nhà tuyển dụng đánh giá không tốt.
Các mục tiêu ngắn hạn phải là khung sườn, “điểm dừng chân” để hướng đến việc hoàn thành các mục tiêu dài hạn. Trong phần này, nên đề cập đến vị trí công việc ứng tuyển, làm gia tăng lợi ích cho công ty như tăng doanh thu, thúc đẩy tinh thần làm việc của mọi người,… Không nên viết các mục tiêu quá chung chung như kiểu “nghề nào cũng cần” hay sao chép các mục tiêu nghề nghiệp của cá nhân khác.
Ví dụ bạn là người chưa có kinh nghiệm:
Mục tiêu ngắn hạn: Trong 3 tháng cố gắng tìm hiểu phát triển bản thân phù hợp với môi trường công ty và rèn luyện cơ bản kiến thức kỹ năng chuyên ngành IT. Phấn đấu sau 2 tháng thử việc từ vị trí nhân viên thử việc lên nhân viên chính thức.
Mục tiêu dài hạn: Tôi mong muốn gắn bó với công ty với thời gian lâu dài để có thể phát triển bản thân cũng như cống hiến công sức cho công ty. Với sự nỗ lực của tôi trong tương lai tôi mong muốn phấn đấu lên chức vụ chuyên viên/ trưởng phòng đóng góp công sức xây dựng công ty.
1.3. Trình độ học vấn trong cv xin việc IT cho người chưa có kinh nghiệm
Là một công việc yêu cầu cao về nền tảng kiến thức, các ứng viên cho vị trí công việc IT cần nêu rõ chuyên ngành mình học, tên trường; thời gian theo học; thành tích kết quả đạt được.
Tóm tắt quá trình học tập: một số hoạt động ngoại khóa, các chương trình sự kiện lớn bạn tham gia và giành các giải thưởng lớn liên quan đến IT; đây sẽ là ưu thế cực lớn đối với các ứng viên chưa có kinh nghiệm.
1.4. Kinh nghiệm làm việc trong cv xin việc IT
Kinh nghiệm làm việc là một thế mạnh nhưng cũng có thể là điểm yếu nếu bạn không biết cách trình bày và đưa thông tin vào cv.
Đối với các ứng viên đã có kinh nghiệm làm việc, bạn nên trình bày tóm gọn về công việc mình đã làm như: tên công ty, vị trí công việc, thời gian làm việc, mô tả về công việc bạn đã làm và nêu các thành tích nổi bật.
Chú ý, chỉ nên giới thiệu các công việc bạn đã làm ít nhất 6 tháng trở nên, công việc cũ liên quan cho công việc bạn đang ứng tuyển. Đừng viết lan man hay liệt kê hết tất cả các kinh nghiệm bạn đã làm, mà không giúp ích cho vị trí công việc bạn đang ứng tuyển.
Đối với các ứng viên chưa có kinh nghiệm; đừng quá lo lắng. Bạn sẽ bỏ qua phần này và tập trung hướng nhà tuyển dụng đến các kỹ năng mà bạn sở hữu. Các ứng viên mới ra trường nên lưu ý, chưa có kinh nghiệm thì nên tạo mẫu cv thực tập sinh IT và ghi rõ ví trí công việc của mình
Ai cũng từng là người mới, người chưa có kinh nghiệm; đặc biệt là đối với công việc IT; nhà tuyển dụng sẽ không quá khắt khe về kinh nghiệm làm việc của bạn đâu, thay vào đó, họ sẽ quan tâm đến học vấn, trình độ và sự hiểu biết của bạn đối với công việc.
1.5. Kỹ năng trong cv xin việc IT
Là một trong các yếu tố quan trọng quyết định xem bạn có được thông qua “vòng gửi xe” hay không, bạn cần trình bày một cách chi tiết, cẩn thận về các kỹ năng phù hợp với vị trí công việc bạn ứng tuyển.
Các kỹ năng này do bạn rèn luyện hay do tố chất thiên bẩm cũng đều là lợi thế lớn đối với bạn. Một số kỹ năng bạn có thể đưa vào cv xin việc it như sau:
- Kỹ năng giao tiếp, ứng xử tốt, nhanh nhẹn.
- Thành thạo việc sử dụng và giao tiếp tiếng Anh hoặc tiếng Nhật tốt.
- Kỹ năng xử lý sự cố máy tính, mạng wifi, laptop.
- Nắm cơ bản việc thiết kế website và quản trị web; có kiến thức về SEO.
- Biết chỉnh sửa ảnh, edit video theo yêu cầu và lên kế hoạch cho các buổi quay.
Ngoài ra, hãy giới thiệu đến nhà tuyển dụng các chứng chỉ bạn đã đạt được như: chứng chỉ ielts, chứng chỉ MCITP (Microsoft Certified IT Professional); MCTS (Microsoft Certified Technology Specialist); Security+; MCPD (Microsoft Certified Professional Developer),…
1.6. Sở thích cá nhân trong cv xin việc IT cho người chưa có kinh nghiệm
Ngoài ra, bạn có thể trình bày thêm phần sở thích cá nhân trong cv xin việc, giúp nhà tuyển dụng hình dung và đánh giá chính xác về các ứng viên.
Một số sở thích bạn có thể nêu ra như: thích học ngôn ngữ mới, thích đọc sách, xem các tài liệu về chuyên ngành, thích chơi các môn thể thao, thích chạy bộ, xem phim, nghe nhạc, dựng video,… rất nhiều các sở thích khác.
Phần này, bạn có thể dựa trên các sở thích cá nhân để nêu ra, chú ý, đừng viết dài hàng chục dòng nhé; tóm gọn lại trong khoảng 5 sở thích cá nhân là tối ưu nhất.
2. Lưu ý khi viết cv xin việc IT
Tuyệt đối không được mắc lỗi chính tả trong bài viết cv. Nó là một yếu tố vô cùng cơ bản, nhạy cảm, ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trạng của người đọc. Bạn sẽ cảm thấy gì nếu có người gửi đến bạn một bản giới thiệu mắc quá nhiều lỗi chính tả. Với tôi, tôi sẽ đánh giá là họ không quá quan tâm đến công việc này, họ chỉ rải cv cho có, ở đâu nhận thì nhận,… tạo ấn tượng vô cùng xấu đến nhà tuyển dụng.
Một bản cv chuyên nghiệp chỉ nên tóm gọn trong khoảng từ 1-2 trang; mình không trình bày về tiểu sử bản thân, tuyệt đối không trình bày lan man, dài dòng kéo đến trang thứ 3 và nhiều hơn. Phông chữ nên để ở dạng tiêu chuẩn nếu bạn đánh máy: time, cỡ 14, căn chuẩn 2 lề.
Còn nếu viết cv bằng chữ viết tay, hãy trình bày thật sạch sẽ, rõ ràng, không gạch xóa hay trình bày chen dòng.
Các ý nên được trình bày bằng cách gạch đầu dòng, độ dài từ 1-2 dòng; không nên trình bày thành các đoạn văn. Nhà tuyển dụng chỉ dùng từ 8-10s để lướt qua một cv; nếu cv của bạn trình bày dài dòng vậy, họ sẽ lắc đầu “ngán ngẩm” đó!
Trên đây là bài chia sẻ về cv xin việc IT cho người chưa có kinh nghiệm, hy vọng bạn sẽ sớm hoàn thành cho mình một cv thật ấn tượng với đầy đủ các thông tin. Chúc bạn sớm trở thành một phần không thể thiếu trong lĩnh vực IT nhé!
Tham gia bình luận ngay!