Sau đây là cách viết từng mục trong cv xin việc kế toán nội bộ một cách chi tiết nhất.
1. Phần thông tin cá nhân
Phần thông tin cá nhân là phần tuy không cần cầu kì nhưng lại bắt buộc phải có trong cv xin việc kế toán nội bộ của bạn. Mục đích của phần này là để cho nhà tuyển dụng có thể liên lạc với bạn khi cần hoặc liên hệ phỏng vấn. Mục này chỉ cần liệt kê các thông tin cá nhân cơ bản của bạn bao gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ, email, số điện thoại liên hệ. Lưu ý khi viết cv, mỗi thông tin bạn để một dòng, không để chung tất cả thông tin trong một dòng sẽ thiếu tính thẩm mỹ và khó nhìn.
Gợi ý:
Họ và tên: Nguyễn Khánh A
Ngày tháng năm sinh: 5/4/1996
Giới tính: Nam
Số điện thoại: 089.359.0584
Email: [email protected]
2. Phần mục tiêu nghề nghiệp
Phần này thường nằm ở đầu cv xin việc, sau phần thông tin cá nhân. Đây là phần để bạn trình bày một chút về bản thân để nhà tuyển dụng hiểu hơn về bạn. Tuy là vậy nhưng bạn nên lưu ý trình bày cô đọng, xúc tích, không quá dài và chỉ nên gói gọn trong 2 đến 3 câu. Thường thì sẽ có hai cách viết phần mục tiêu làm việc, một là cách viết cho người chưa có kinh nghiệm và hai là cách viết cho người đã có kinh nghiệm.
Trước tiên là với những người chưa có kinh nghiệm thì phần này phải viết những gì? Đầu tiên hãy giới thiệu về bản thân bạn, sau đó là đến những kỹ năng bạn có liên quan đến công việc mà bạn ứng tuyển và cuối cùng đó chính là nêu lên những gì bạn có thể làm để đóng góp cho công ty cũng như mục tiêu của bạn trong những năm tới.
Ví dụ: Là một sinh viên mới tốt nghiệp loại giỏi ngành kế toán đại học Kinh tế Quốc Dân. Mục tiêu trước mắt của em là có thể áp dụng được những kỹ năng và kiến thức đã học của mình vào công việc kế toán. Với sự chăm chỉ và cố gắng của mình em tin rằng mình sẽ tích lũy đầy đủ kinh nghiệm và kỹ năng làm việc để đạt được vị trí trưởng phòng kế toán trong 3 năm tới.
Vậy còn những ai có kinh nghiệm rồi thì phải viết mục này thế nào trong cv xin việc kế toán nội bộ? Tất nhiên là phải đề cập đến kinh nghiệm rồi, nhưng lưu ý rằng đó là những kinh nghiệm liên quan đến công việc bạn chọn. Thay vì nhắc đến kỹ năng thì bạn hãy nhắc đến những kinh nghiệm của mình, nhưng nếu bạn muốn thì vẫn có thể để cả kỹ năng vào cũng đều được cả.
Ví dụ: Tôi mong muốn có được một môi trường làm việc thích hợp để mình có thể phát triển được những kỹ năng kế toán nội bộ của bản thân như: kê khai thuế, lập báo cáo thuế, hạch toán kế toán,...Từ đó giúp tôi tích lũy kinh nghiệm và trở thành trưởng phòng kế toán trong tương lai.
Bí quyết viết mục tiêu xin việc kế toán nội bộ chuẩn chỉnh đó là hãy nghiên cứu thật kỹ phần mô tả công việc mà nhà tuyển dụng gửi cho bạn bởi vì trong đó họ sẽ đề cập đến những kỹ năng và yếu tố mà công việc đó cần. Từ đó bạn có thể chắt lọc ra những thông tin đó, thay đổi từ ngữ một chút và viết thành mục tiêu xin việc của bản thân.
3. Phần sở thích
Đây là phần không bắt buộc trong cv xin việc kế toán nội bộ nhưng bạn có thể dùng phần này để chữa cháy cho cv nếu như nó quá trống chẳng hạn. Sở thích cũng phần nào nói lên con người của bạn nên nhà tuyển dụng cũng rất khuyến khích bạn bày tỏ nó ở trong cv của mình. Nên trình bày theo hình thức liệt kê giống như phần thông tin cá nhân ở đầu.
4. Phần kỹ năng
Bởi vì việc làm kế toán nội bộ là một công việc đòi hỏi kiến thức, nên trong cv bạn cần đề cập đến những kỹ năng chuyên môn của bạn. Một số người khi viết cv xin việc kế toán nội bộ thường quên mất điều này mà đề cập đến những kỹ năng khác như khả năng viết lách, giao tiếp, thiết kế… Như vậy không những không giúp cho bản thân được nổi bật hơn mà những kỹ năng đó sẽ bị thừa thãi, không phục vụ gì nhiều cho việc ứng cử vào vị trí này.
Trở thành kế toán nội bộ có một số yêu cầu nhất định về mặt kỹ năng. Ngoài các kỹ năng chuyên môn thì bạn cần phải có khả năng phân tích, làm việc dưới áp lực, tỉ mỉ, cẩn thận cũng như thông thạo các phần mềm kế toán, đặc biệt là Excel. Đó là một vài kỹ năng cụ thể bạn có thể thêm vào cv của mình, tránh việc lan man đi quá xa.
5. Phần học vấn
Về trình độ học vấn, bạn không cần trình bày quá phức tạp để làm gì cả mà chỉ nên liệt kê ra quá trình học tập của mình thôi. Bổ sung thêm đó là nếu như bạn có thành tích học tập tốt thì có thể để GPA của mình vào hoặc để điểm của các môn kế toán bạn đạt được thành tích tốt.
Gợi ý:
Học viện Ngân Hàng
(Từ năm 2015-2019)
Chuyên ngành: Kế toán
GPA: 3.5
Nguyên lý kế toán (90), Kế toán quốc tế (85), Thuế (87)
6. Phần kinh nghiệm làm việc
Bây giờ ta đến với phần quan trọng nhất ở trong cv xin việc kế toán nội bộ, đó là kinh nghiệm làm việc. Thường thì các công ty hay yêu cầu kế toán ít hay nhiều cũng phải có kinh nghiệm nên việc tích lũy kinh nghiệm cho bản thân là rất cần thiết. Nếu bạn là sinh viên mới ra trường thì có thể thêm vào đó kinh nghiệm thực tập sinh cũng có thể được coi là kinh nghiệm làm việc. Thứ tự nêu các kinh nghiệm làm việc của bạn sẽ là nêu từ công việc hiện tại đến công việc cũ nhất.
Ngoài hình thức liệt kê theo thời gian các công việc bạn đã làm thì bạn cần phải bổ sung vào đó những thông tin về công việc bạn đã phụ trách. Đừng chỉ kể không ra tên công ty và vị trí làm việc vì cái nhà tuyển dụng quan tâm không phải nó mà là bạn đã làm được gì khi đảm nhiệm vị trí ấy.
Ví dụ:
Từ 8/2019 - 10/2020: Làm nhân viên kế toán kho tại công ty ACB
Công việc:
- Quản lý xuất nhập hàng hóa vào kho
- Làm chứng từ xuất nhập hàng hóa
- lập báo cáo tồn kh
Từ 6/2017 - 7/2019: Nhân viên kế toán tại công ty HF
Công việc:
- Lập báo cáo kế toán định kỳ
- Lập báo cáo thuế hàng quý
- Xử lý các nghiệp vụ tài chính
7. Phần chứng chỉ, giải thưởng
Khác với các ngành nghề khác, ngành kế toán có những chứng chỉ chuyên môn phục vụ rất nhiều cho công việc trong tương lai. Những chứng chỉ ấy đều là những chứng chỉ nổi tiếng, được công nhận bởi các tổ chức kế toán lớn trên thế giới.
Một số những chứng chỉ hiện nay đang có giá trị bao gồm:
- Chứng chỉ ACCA của Hiệp Hội Kế Toán Anh Quốc (Certified Public Accountant)
- Chứng chỉ CPA của chính Việt Nam cấp (Certified Public Accountants)
- Chứng chỉ ICAEW ACA của Viện Kế toán Công Chứng Anh và xứ Wales (Institute of Chartered Accountant in England and Wales)
- Chứng chỉ CIMA của Anh Quốc (Chartered Institute of Management Accountants)
- Chứng chỉ CMA của Mỹ (Certified Management Accountant)
Có một vài công ty kiểm toán, kế toán lớn hầu hết đều yêu cầu và ưu tiên các ứng viên của mình có những chứng chỉ liên quan. Chứng chỉ này không chỉ đơn giản là một tờ giấy chứng nhận bạn đã hoàn thành khóa học mà còn đảm bảo rằng bạn thực sự có chuyên môn, đủ khả năng để làm việc thực tế. Hiện nay, rất nhiều sinh viên kế toán, kiểm toán đều cố gắng ôn luyện, học tập để lấy những chứng chỉ quốc tế này.
Ngoài chứng chỉ thì bạn cũng có thể đề cập đến những giải thưởng đã đạt được. Đó có thể là các cuộc thi về kế toán, kiểm toán do các trường đại học tổ chức, hoặc một cuộc thi giải case study do các doanh nghiệp tài trợ.
8. Phần hoạt động
Phần này cũng là một phần nên liệt kê trong trường hợp bạn đã có những kinh nghiệm nhất định về kế toán nội bộ. Tuy nhiên nếu chưa thì hãy coi như đây là một phần kinh nghiệm nhỏ và nêu ra một số công việc trong những hoạt động mình tham gia. Những gì không liên quan đến công việc của bạn có thể được xét vào mục hoạt động hoặc nếu phần kinh nghiệm làm việc đã không còn chỗ để viết thì bạn có thể xem xét cho chúng vào đây.
Một số các hoạt động có thể là:
- Tham gia vào cuộc thi giải case do doanh nghiệp A tổ chức và lọt vào top 3
- Chủ tịch câu lạc bộ kế toán trường Học Viện Ngân Hàng
- Tham gia vào các câu lạc bộ tình nguyện của trường
9. Phần tham chiếu
Nhiều cv có xu hướng bỏ qua phần tham chiếu hay còn gọi là người tham chiếu. Có lẽ phần lớn là do các bạn chưa hiểu mục đích của phần này hoặc thậm chí không biết đến phần này để ghi vào.
Người tham chiếu chính là những ai có thể chứng minh được rằng những thông tin bạn đề cập ở trên là hoàn toàn chính xác. Tất nhiên không phải ai cũng có thể trở thành người tham chiếu, đó thường phải là những người có chuyên môn, kỹ năng hoặc trực tiếp đào tạo bạn như nhóm trưởng, quản lý hay sếp của bạn.
Chỉ cần lưu ý một điều rằng bạn cần phải hỏi ý kiến của người tham chiếu trước khi đưa thông tin của họ vào mục này. Những thông tin bạn nên đề cập đó chính là tên, vị trí hay cấp bậc, email hoặc số điện thoại liên hệ để nhà tuyển dụng có thể liên hệ cho họ khi cần thiết.
Đọc những thông tin trên bạn đã nắm được cách viết cv xin việc kế toán nội bộ hay chưa? Ngoài những yếu tố về mặt nội dung thì hãy để ý đến cả cách trình bày sao cho phù hợp và sáng sủa. Thiết kế và trình bày cũng là một điểm sáng khiến cho cv xin việc của bạn thu hút hơn đấy. Mong rằng tất cả những thông tin trên có thể giúp cho các bạn hoàn thành tốt chiếc cv xin việc kế toán nội bộ của mình.
Tham gia bình luận ngay!