1. Duolingo là gì?
1.1. Khái niệm Duolingo là gì?
Duolingo là một ứng dụng học ngoại ngữ hoàn toàn miễn phí cung cấp các khóa học về tiếng của nhiều nước trên thế giới, mang đến cho người dùng những bài học bài bản, rõ ràng và đáp ứng theo tiêu chuẩn của quốc tế.
Với hình ảnh nhận diện là con chim xanh vô cùng dễ nhớ, giao diện đẹp dễ thao tác, cách học tập thoải mái vừa học vừa như đang giải trí đặc biệt là không mất một khoản phí nào, Duolingo đã chiếm trọn lòng tin của người dùng mọi lứa tuổi và trở thành ứng dụng về ngoại ngữ phổ biến nhất hiện nay.
1.2. Duolingo và cách thức hoạt động
Duolingo hiện có mặt tại tất cả các nền tảng điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop,... Người dùng có thể dễ dàng truy cập và tải ứng dụng về các thiết bị của mình, đăng ký tài khoản dễ dàng và bắt đầu việc học tập trên ứng dụng này.
Nhiều người lầm tưởng rằng Duolingo là ứng dụng chỉ để học tiếng Anh, nhưng thực ra còn hơn thế nữa. Duolingo cung cấp rất nhiều khóa học về nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới như tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật Bản, tiếng Pháp, Tây Ban Nha,... Người dùng hoàn toàn có thể chọn học thứ tiếng phù hợp với mình hoặc học nhiều thứ tiếng cùng một lúc.
Về cách học tập, Duolingo cung cấp lộ trình học tập một cách cụ thể. Người dùng sẽ phải đi từ những bài học cơ bản cho đến nâng cao, có cả những bài học củng cố kiến thức trước khi lên một cấp độ mới. Vì vậy người dùng có thể hoàn toàn tin tưởng về kiến thức thu được khi học tập từ ứng dụng này.
2. Duolingo - Tại sao được hàng triệu người tin tưởng và sử dụng
Theo thống kê hiện nay, Duolingo đã đạt được hơn 500 triệu người sử dụng trong mọi lứa tuổi từ 7-95 và đạt hơn 40 triệu người dùng hàng tháng. Điều gì khiến một ứng dụng học ngoại ngữ trở nên phổ biến như vậy? Tuy nhiên nếu bạn thử trải nghiệm ứng dụng này, bạn sẽ hiểu tại sao Duolingo lại được nhiều người sử dụng ở mọi lứa tuổi như thế.
2.1. Bài học đơn giản từ những buổi đầu tiên
Một trong những đặc điểm của người học ngoại ngữ là dễ nản chí, tiếp cận với một ngôn ngữ mới là tiếp cận với cả một nền văn hóa mới, sẽ rất khó tiếp thu nếu đưa ra những bài học khó ngay từ đầu. Duolingo sẽ dạy bạn từ những điều đơn giản nhất như nhận diện mặt chữ, học đọc, học nghe và điều này sẽ lặp đi lặp lại nhiều lần, thêm những hoạt động thú vị như trò chơi. Điều này sẽ khơi dậy được sự hứng thú của người dùng ngay từ những buổi học đầu tiên.
2.2. Giao diện đơn giản dễ sử dụng
Giao diện của Duolingo chủ yếu là màu xanh và trắng, cách bố cục đơn giản, dễ nhìn. Những thao tác trên Duolingo cũng vô cùng dễ hiểu và dễ thực hiện, ứng dụng sẽ hiện những chỉ dẫn từng bước rõ ràng để bạn hiểu mình cần phải làm gì. Đồng thời ứng dụng cũng kết hợp với cả âm thanh và hình ảnh, giúp bạn có thể dễ dàng hình dung được nội dung của bài học.
2.3. Lộ trình học rõ ràng, giúp người dùng có động lực học tập
Duolingo sẽ chia ra từng những cấp bậc học, những bài học chia theo chủ đề khác nhau. Người học sẽ phải bắt đầu từ những cửa đầu tiên, sau khi hoàn thành rất nhiều thử thách thì mới tiếp tục học sang cửa thứ 2. Những chủ đề của Duolingo cung cấp cũng là những chủ đề vô cùng quen thuộc được sử dụng hàng ngày để người học không cảm thấy bỡ ngỡ hay quá choáng ngợp.
Ngoài ra, Duolingo còn tạo thêm những cấp độ của một bài học, người học có thể chọn mức cơ bản hay nâng cao để trải nghiệm. Bên cạnh đó, còn có những thử thách trong vòng 1 phút, 2 phút, làm tăng sự hiếu thắng của người dùng để chinh phục các thử thách ngắn, tạo động lực học tập vô cùng chủ động.
Duolingo còn tạo thói quen học tập mỗi ngày cho người dùng. Ứng dụng đã thiết lập chuỗi đếm ngày (còn gọi là Streak), mỗi ngày học sẽ thêm 1 streak, nếu người dùng không vào học trong vòng 24h của một ngày thì chuỗi streak đó sẽ biến mất và sẽ phải xây dựng lại từ đầu. Điều này sẽ thúc đẩy mỗi người tự vào học mỗi ngày để duy trì thành tích của mình.
2.4. Nhiều tính năng đi kèm hữu ích
Ngoài việc học ngoại ngữ bình thường, Duolingo cũng tạo thêm một số các tính năng bên lề phục vụ cho việc tiếp thu rất thú vị.
Đầu tiên là tính năng Podcast (Duolingo Podcast), người học sẽ nghe chính người bản xứ nói để tăng khả năng nghe hiểu của bản thân qua những câu chuyện có thật thú vị. Tính năng câu chuyện (Duolingo Story) giúp người học tăng khả năng nghe-hiểu và đọc-hiểu của mình, các câu chuyện sẽ dựa trên những kiến thức đã học để người dùng có thể ôn tập lại bài học cũ. Cuối cùng là tính năng Bảng xếp hạng, số điểm bạn đạt được có giúp bạn lọt vào bảng xếp hạng hàng tuần và được thăng cấp hay không là phụ thuộc vào mức độ học và độ chính xác của mỗi bài học. Điều này sẽ tăng động lực chinh phục các mục tiêu của người học mỗi ngày.
3. Ưu điểm và Nhược điểm
3.1. Ưu điểm
- Thuận tiện dễ dàng học tập. Bạn có thể học bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào, có thể học trên cả điện thoại lẫn máy tính tùy thuộc vào hoàn cảnh của bản thân.
- Phù hợp với mọi lứa tuổi và mọi quốc gia sử dụng. Ứng dụng hoàn toàn dễ thao tác dễ sử dụng và bất kì cá nhân nào cũng hoàn toàn có thể học tập một cách thành thạo. Gợi ý ngôn ngữ học sẽ hiện ra khi bạn đăng ký mình ở quốc gia nào. Ví dụ như bạn là người nói tiếng Việt thì ứng dụng sẽ gợi ý ngôn ngữ học như tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung,... còn nếu bạn là người nói tiếng Anh, app sẽ đề xuất những ngôn ngữ như tiếng Pháp, tiếng Ấn Độ hay tiếng Đức,...
- Giúp giảm căng thẳng áp lực khi học. Việc học luôn mang tính chất vô cùng áp lực, tuy nhiên Duolingo đã thiết kế ứng dụng như một trò chơi giải trí qua việc áp dụng những cấp bậc, những chủ đề khác nhau, kèm thêm các tính năng như podcast, đọc truyện hay đề ra những thử thách ngắn cùng bảng xếp hạng để người dùng có thể cạnh tranh với những người học khác trên thế giới.
3.2. Nhược điểm
Tuy nhiên không phải điều gì cũng là hoàn hảo, Duolingo vẫn còn tồn tại một số nhược điểm chủ yếu. Ứng dụng không hoàn toàn giúp ích trong việc luyện kĩ năng nói cho người dùng. Mặc dù đã thiết kế việc thu âm giọng nói của người dùng trong các bài nói, tuy nhiên nó không thực sự sửa lỗi phát âm mà chỉ đơn giản là đọc đúng tương đối mặt chữ thì sẽ được qua bài. Vì vậy hoàn toàn không rèn luyện được kỹ năng nói khi học ứng dụng này.
Mặt khác, tính năng dịch nghĩa chỉ đơn giản là dịch mặt chữ chứ không áp dụng vào văn cảnh nên nhiều câu dịch nghĩa không tự nhiên, hạn chế khả năng đọc-hiểu của người dùng. Việc không tự chọn được chủ đề học cũng là một bất lợi khi người dùng muốn học những chủ đề mà mình cần song ứng dụng yêu cầu phải vượt qua những chủ đề trước đó, điều này cũng sẽ làm tốn thời gian của người học.
Tổng kết lại, ứng dụng Duolingo là nền tảng học ngoại ngữ vô cùng đơn giản và hữu ích, mặc dù còn tồn tại một số hạn chế, tuy nhiên những hạn chế đó là không đáng kể và có thể dễ dàng khắc phục được. Về mặt ưu điểm thì Duolingo có tất cả những điểm mạnh giúp người học có thể tiếp thu ngôn ngữ mới một cách hiệu quả nhất có thể. Hy vọng bài viết này có thể giúp các bạn có cái nhìn khách quan nhất về ứng dụng học tập phổ biến nhất hiện nay từ đó có thể đưa ra định hướng trên quá trình học tập của mình.
Tham gia bình luận ngay!