Giám đốc kỹ thuật bóng đá – những Khổng Minh của làng túc cầu

Icon Author Lê Kiều Anh

Ngày đăng: 2022-09-26 18:21:57

Chức danh giám đốc kỹ thuật bóng đá thì không còn xa lạ gì đối với fan các đội bóng lớn ở châu Âu hay các nền bóng đá tiên tiến như Đức, Anh, Pháp, ... Sự phát triển, thành bại, độ chịu chi của một đội bóng đều phần lớn liên quan đến nhân tố này.

1. Giám đốc kỹ thuật bóng đá làm gì?

Nói đơn giản có thể hiểu mỗi đội bóng đều có những tuyển trạch viên tỏa đi khắp mọi nơi để chiêu mộ nhân tài, vậy thì giám đốc kỹ thuật bóng đá chính là ‘trùm cuối‚ – người đứng sau chỉ đạo những tuyển trạch viên đó.

giám đốc kỹ thuật
Một số giám đốc kỹ thuật của các đội bóng lớn

1.1. Công tác trên sân cỏ

công tác trên sân cỏ
Những việc mà giám đốc kỹ thuật phụ trách là gì?

Đối với những CLB tiếng tăm, vị trí giám đốc kỹ thuật sẽ chịu trách nhiệm về mọi vấn đề liên quan đến công tác huấn luyện, chiêu mộ và đôi khi cả y tế. Các ông chủ của CLB hay chủ tịch LĐBĐ luôn biết sự gắn bó của một huấn luyện viên có thể không được lâu dài, chính bởi vậy họ cần những giám đốc kỹ thuật bóng đá để hoạch định sẵn sự phát triển cho CLB hay LĐBĐ đó. Thấu hiểu tâm lý, mong muốn của các ông chủ, những giám đốc kỹ thuật sẽ đưa ra phương án định hướng sự phát triển, hoạch định chiến lược phát triển của CLB cũng như LĐBĐ, sau đó tuyển dụng những huấn luyện viên phù hợp với triết lý, đường lối phát triển đã đề ra đó.

1.2. Mập mờ ranh giới giám đốc kỹ thuật bóng đá – huấn luyện viên ở Việt Nam

1.2.1. Làm giám đốc kỹ thuật cho đỡ nặng vía

Về cơ bản, một giám đốc kỹ thuật bóng đá hoàn toàn có thể sa thải huấn luyện viên – hoặc góp phần khiến BLĐ CLB hay LĐBĐ làm điều đó, trong trường hợp huấn luyện viên và giám đốc kỹ thuật không “nhìn về một hướng„. Ấy thế mà ở Việt Nam, từng có không ít đội bóng trong quá khứ lại mập mờ giữa chức vụ, quyền hạn của một giám đốc kỹ thuật bóng đá.

Khi một huấn luyện viên có phong độ dẫn dắt đội bóng không tốt, ngay lập tức CLB sẽ đẩy vị huấn luyện viên đó sang vị trí giám đốc kỹ thuật, và người này lại tiếp tục gào thét khản giọng để chỉ đạo sát bên đường pitch – thật là một sự thay đổi chỉ để “hợp phong thủy„!

1.2.2. Thiếu chuyên môn, làm giám đốc kỹ thuật để lách luật

Ngoài ra, việc một vài đội bóng của Việt Nam dùng giám đốc kỹ thuật như huấn luyện viên cũng là một mẹo nhỏ để lách luật, bởi trước đó Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) nhằm phát triển nền thể thao khu vực đã đưa ra yêu cầu huấn luyện viên trưởng một đội bóng cần phải có bằng A do chính AFC cấp, vậy nên những CLB không đủ tiềm lực sẵn sàng dùng những huấn luyện viên chưa đủ trình độ chuyên môn ở vị trí giám đốc kỹ thuật thay thế.

Trong khi đó, các nền bóng đá khác có sự phân chia rất rạch ròi giữa các vị trí như huấn luyện viên (coach) thì dẫn dắt, bố trí chiến thuật cùng đội hình ra sân của đội bóng, còn những vấn đề không xảy ra trên sân mới đến phiên giám đốc kỹ thuật lo.

1.3. Những công tác ngoài sân cỏ

Ngoài những việc như công tác huấn luyện, chiêu mộ và y tế, giám đốc kỹ thuật bóng đá còn luôn ghé mắt quan tâm đến việc cân bằng giữa tài chính – danh tiếng – thành công của CLB. Chẳng phải huấn luyện viên hay tuyển trạch viên, chính những giám đốc kỹ thuật bóng đá là người luôn “thỏ thẻ„ thuyết phục ban lãnh đạo CLB vung tiền, mạnh tay đưa về những cái tên sáng giá – tạo nên các thương vụ bom tấn mỗi khi thị trường chuyển nhượng mở cửa.

giám đốc ký hợp đồng
Riyad Mahrez (phải) và giám đốc kỹ thuật của Man City

Không chỉ vậy, giám đốc kỹ thuật bóng đá còn cần tư vấn, tham mưu chiến lược xây dựng và phát triển CLB hoặc LĐBĐ ở tầm vĩ mô.

Đôi khi giám đốc kỹ thuật bóng đá cũng “chăm sóc„ cả phần danh tiếng của CLB. Đây là khi một CLB mời một ngôi sao đã giải nghệ về giữ ghế giám đốc kỹ thuật bóng đá: những người từng ngang dọc khắp sân cỏ tất nhiên sẽ luôn được chào đón hơn một tay mơ!

Chẳng phải cày ải bục mặt trên sân cỏ, hưởng mức lương hấp dẫn cùng đãi ngộ mà ai ai cũng muốn, người bí ẩn với chức danh giám đốc kỹ thuật bóng đá của mỗi CLB hay Liên đoàn bóng đá (LĐBĐ) cần có những phẩm chất gì?

2. Những phẩm chất cần có của một giám đốc kỹ thuật bóng đá

Nếu bạn muốn trở thành một giám đốc kỹ thuật bóng đá, hãy đảm bảo mình đáp ứng được những yêu cầu sau:

2.1. Bậc thầy chiến thuật

chiến thuật
Mỗi giám đốc kỹ thuật là một bậc thầy chiến thuật

Đầu tiên cần phải am hiểu sâu sắc về chiến thuật trong bóng đá. Đôi khi giám đốc kỹ thuật còn cần sự nhạy bén với chiến thuật ngang ngửa huấn luyện viên, chỉ cần nhìn những người huấn luyện viên dùng trên sân có thể phân tích chuyên môn, từ đó tìm được những ứng viên phù hợp để bổ trợ, gia cố sơ đồ chiến thuật của huấn luyện viên ấy.

2.2. Biết cương nhu đúng lúc

Tiếp theo, một giám đốc kỹ thuật bóng đá cũng cần phải vừa là người đồng hành, người giám sát công tác huấn luyện và cũng vừa là chỗ dựa cho những cầu thủ. Có những cầu thủ rất xuất sắc nhưng lại không hợp với lối chơi của huấn luyện viên dẫn đến không được trọng dụng, việc của giám đốc kỹ thuật lúc này là giải quyết khôn khéo và ổn thỏa mâu thuẫn giữa huấn luyện viên và cầu thủ. Để làm được việc này, giám đốc kỹ thuật bóng đá cần là người biết nhu biết cương, tính cách độc lập, có chủ kiến và sẵn sàng bảo vệ chính kiến.

monchi cựu cầu thủ
Cựu cầu thủ Monchi là giám đốc kĩ thuật của Sevilla và A.S. Roma

Chính vì vậy một giám đốc kỹ thuật bóng đá thường là những cựu cầu thủ, bởi đây là những người vừa am hiểu về chiến thuật lại vừa có được mối quan hệ tốt với cầu thủ cũng như huấn luyện viên, dễ dàng tạo sự tín nhiệm cũng như thấu hiểu bởi dễ dàng đặt mình vào vị trí của các cầu thủ hơn. Đồng thời những cựu vận động viên cũng giành được sự tôn trọng cao hơn từ các cầu thủ, quá trình giao tiếp trao đổi sẽ từ đó mà hiệu quả hơn.

Ngoài ra với đặc thù vai trò của vị trí, giám đốc kỹ thuật bóng đá không xuất hiện quá nhiều trước truyền thông mà chỉ hoạt động chìm nhưng ảnh hưởng vẫn rất lớn tới đội bóng, vậy nên họ vẫn luôn cần giữ mối giao hảo với truyền thông cũng như các đồng nghiệp.

2.3. Giữ vững truyền thống của đội bóng

Phẩm chất cuối cùng một giám đốc kỹ thuật bóng đá cần có chính là tầm hiểu biết về đội bóng mình sẽ đảm nhiệm. Một CLB hay LĐBĐ luôn có những phương châm hoạt động truyền thống và hành động của họ sẽ luôn cố gắng giữ vững truyền thống, bản sắc đó, vậy nên để đảm nhiệm vị trí chairman cấp hai cần nắm được những giá trị cốt lõi ấy, để đi đúng theo kim chỉ nam đã dẫn đường. Ví dụ như việc có những đội bóng chuộng đào tạo lứa trẻ rồi sau đó đôn lên đội chính, những cầu thủ trẻ đó sẽ có nhiệt huyết, tài năng và cả tình yêu, lòng trung thành với CLB nhưng giám đốc kỹ thuật mới tới cùng huấn luyện viên lại có trong đầu hình mẫu một CLB khác, bỏ bê công tác huấn luyện đội trẻ mà cứ mải mê ký hợp đồng với các siêu sao, không cần biết có hợp với lối chơi các cầu thủ hiện tại không, điều này vừa gây lãng phí tài nguyên vừa ảnh hưởng đến tài chính CLB.

Trên đây blog đã liệt kê một vài kĩ năng, điều kiện tối thiểu để có thể theo đuổi vị trí giám đốc kỹ thuật bóng đá, tuy nhiên nếu là dân không chuyên nhưng cực kỳ yêu thích môn thể thao vua, bạn cũng có thể đi học những khóa học bồi dưỡng, sau đó lấy chứng chỉ nghiệp vụ liên quan để tăng cơ hội theo đuổi vị trí này. Ngoài ra tùy theo từng đội bóng mà vị trí này còn những tiêu chí bổ sung, nhưng dù sao đi nữa công việc này vẫn không hề là một việc đơn giản, nhàn hạ như những gì chúng ta vẫn nghĩ.

Vậy là thông qua bài viết trên blog đã phần nào giúp bạn giải đáp được những thắc mắc liên quan đến câu hỏi giám đốc kỹ thuật bóng đá là gì, đừng quên theo dõi blog thường xuyên để không bỏ lỡ những bài viết thú vị tiếp theo bạn nhé!

Tham gia bình luận ngay!

captcha
Chưa có bình luận nào

Thông Báo

Thoát

Bạn có tin nhắn mới từ Đỗ Xuân Mạnh: