1. Trả lời câu hỏi về Jollibee là gì?
Jollibee có tên gọi đầy đủ là Jollibee Food Corporation, dịch ra tiếng Việt chính là Công ty thực phẩm Jollibee và được viết tắt là JFC, gọi tắt là Jollibee. Jollibee thực tế là một thương hiệu đồ ăn nhanh được sáng lập bởi ông Tony Trần Giác Chung (Tony Tan Caktiong) tại thành phố Quezon, Philippines vào ngày 28/01/1978. Thương hiệu Jollibee được nhận diện với hình ảnh chú ong vui vẻ màu đỏ với nụ cười luôn xuất hiện trên môi. Đây olaf hình ảnh rất quen thuộc và bất cứ ai cũng sẽ dễ dàng ghi nhớ khi đến với cửa hàng bất kỳ của Jollibee trên toàn thế giới.
Nếu như để ý thì bạn cũng có thể biết được người sáng lập của Jollibee cũng là người đồng sở hữu chuỗi thương hiệu Highlands Coffee và Phở 24 tại Việt Nam. Điều này cũng không quá ngạc nhiên khi Jollibee lại có tới hơn 150 cửa hàng trên mảnh đất hình chữ S cho tới thời điểm hiện tại.
Những món ăn chính ở Jollibee là gà rán, hamburger, pasta, salad trộn, khoai tây chiên, nước ngọt có ga,... Tất cả những món này đều rất quen thuộc ở bất cứ cửa hàng đồ ăn nhanh nào hiện nay trên thế giới. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người tò mò về Jollibee không đơn giản chỉ là hương vị món ăn mà điều đã khiến cho thương hiệu này có thể phát triển một cách nhanh chóng đến như vậy. Để có thể lý giải được vấn đề này, bạn hãy cùng theo dõi về chặng đường phát triển của Jollibee qua những thông tin được cập nhật tiếp theo đây nhé!
2. Chặng đường phát triển đầy phi thường của Jollibee
2.1. Xuất phát điểm từ hai quán kem
Jollibee được thành lập vào năm 1978, thế nhưng, nền tảng của tập đoàn này đã được mở vào năm 1975. Tuy nhiên, khi đó mới chỉ là hai quán kem mà thôi. Việc bán kem chính là bởi nhà sáng lập Tony Tan Caktiong khi đó là một kỹ sư hóa chất vừa tốt nghiệp khi 22 tuổi. Là con trai thứ 3 trong gia đình nghèo với 7 người con, cả nhà của ông đã phải di cư từ tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) đến Philippines để có thể cải thiện về mặt kinh tế. Bố của ông có một cửa hàng thức ăn chay ở phía Nam Philippines, thuộc thành phố Davao. Thế nhưng, Caktiong lại bị hấp dẫn với việc bán kem sau một lần đi thăm nhà máy kem. Và ông đã quyết định gom hết tất cả những gì mình có để mua lại 2 cửa hàng bán kem và đặt tham vọng của mình vào đó.
Cửa hàng kem được mở tại thành phố Quezon, Philippines, đây cũng là cửa hàng đầu tiên của Jollibee khi được thành lập sau này. Sự khởi đầu với 2 quán kem của mình cũng khá thuận lợi với Tony Tan Caktiong và gia đình mình. Tuy nhiên, trong quá trình buôn bán, ông đã nhận ra rằng, hầu hết các khách hàng khi đến ăn kem đều hỏi thêm các món ăn nóng và ông đã quyết định cung cấp thêm những món ăn này vào trong menu bên cạnh món kem vốn có. Và thật bất ngờ, hamburger và sandwich còn được yêu thích, ưa chuộng hơn các món kem mà ông đã đầu tư.
2.2. Sự chuyển đổi mang tính thức thời
Có lẽ việc từ bỏ kem và chuyển sang phục vụ các món ăn nhanh là sự chuyển dịch mang tính thức thời nhất của ông Tony Tan Caktiong cũng như Jollibee. Manuel C. Lumba là nhà tư vấn đã khuyên gia đình ông chuyển hướng sang mô hình kinh doanh cung cấp đồ ăn nhanh và năm 1978, Jollibee ra đời với tên gọi đầu tiên là Jolibe. Việc đổi tên thành Jollibee như hiện tại chính là bởi ông xác định thương hiệu của mình sẽ gắn với “chú ong vui vẻ” mà chúng ta vẫn thấy hiện nay.
Chia sẻ về cái tên Jollibee thì Giám đốc kinh doanh Quốc tế của Tập đoàn Jollibee là ông Dennis Flores cho biết: “Tên thương hiệu nhằm so sánh các nhân viên của công ty như những chú ong thợ trong một tổ ong: cần mẫn, siêng năng và cung cấp những thứ ngọt ngào trong cuộc sống. Tuy nhiên, ngài Tony nghĩ rằng nhân viên làm việc siêng năng là chưa đủ mà còn phải tận hưởng công việc của họ”.
Trong những năm đầu thành lập, Jollibee đã gặp phải những đối thủ đáng gờm trong lĩnh vực đồ ăn nhanh là McDonald's và KFC. Thế nhưng, điều khiến người ta ngạc nhiên là các ông lớn trên lại phải dè chừng với một thương hiệu địa phương là Jollibee khi người dân Philippines thực sự yêu thích hương vị của quán ăn địa phương này.
Từ những năm 1980, các món ăn làm nên tên tuổi của Jollibee chính là Yumburger (1 loại hamburger), Jolly Spaghetti và gà rán Chickenjoy. Trong đó, Chickenjoy chính là món ăn chính trong hành trình quốc tế hóa của Jollibee khi ông Tony quyết định mở rộng quy mô của mình.
Ngay từ thời điểm có trong tay 5 cửa hàng, ông Tony được khuyên là nên bán công ty cho các tập đoàn đa quốc gia và ăn theo. Thế nhưng người đàn ông này đã từ chối, với tham vọng và kiến thức mà mình sở hữu, Tony có niềm tin mãnh liệt với sự phát triển mạnh mẽ của Jollibee trong tương lai.
Và quả thực như vậy, năm 1979, Jollibee bắt đầu nhượng quyền thương hiệu, sau 6 năm, trở thành chuỗi thương hiệu đồ ăn nhanh lớn nhất ở Philippines. Giai đoạn 1987 - 1989 chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của Jollibee với mức doanh thu tăng gấp đôi, đến năm 1991 con số ấy lại lặp lại và tăng gấp ba vào năm 1996. Tính tới thời điểm hiện tại thì Jollibee đã có hơn 1000 cửa hàng tại Philippines và các cửa hàng đều hoạt động một cách trơn tru, ổn định.
2.3. Bước chân ra thị trường quốc tế
Không chỉ dừng ở việc phát triển trong nước, ông Tony định hướng với việc đưa Jollibee ra thị trường quốc tế. Các nước hiện đang có sự xuất hiện của Chú ông vui vẻ có thể kể đến như Việt nam, Brunei, Ả Rập thống nhất, Mỹ, Ý, Anh, Singapore, Qatar,...
Theo thống kê chung thì tại thị trường nước ngoài, Jollibee có hơn 300 cửa hàng, trong đó, số cửa hàng tại Việt Nam là khoảng 150 cửa hàng, chiếm 50% số của hàng quốc tế của Jollibee. Điều này cho thấy được Việt Nam chính là thị trường tiềm năng mà thương hiệu địa phương từ Philippines có thể gặt hái được thành công.
Thực tế thì nếu so sánh về lượng khách hàng của Jollibee ở các nước khác thì chủ yếu sẽ là người kiều bào Philippines đến ăn. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì khác, người dân Việt Nam khá yêu thích Jollibee bởi thương hiệu này không chỉ giới thiệu món đặc trưng của mình mà còn địa phương hóa các món ăn sao cho hợp khẩu vị người dân Việt Nam nhất. Từ đó dần thu hút và trở nên được ưa chuộng hơn tại thị trường Việt Nam.
3. Điều gì đã giúp Jollibee ăn nên làm ra và gặt hái thành công?
Hiểu được Jollibee là gì, thế nhưng, bạn đã rõ lý do mà Jollibee lại thành công vươn ra thế giới hay chưa? Không phải tự nhiên mà Jollibee lại có những bước thăng tiến và phát triển một cách phi thường như vậy khi chỉ khởi điểm là quán kem và là một thương hiệu địa phương.
3.1. Hành trình đánh bại gã khổng lồ
Thời điểm Jollibee thành lập tại Philippines cũng là lúc mà các ông lớn đến từ Mỹ là McDonald's và KFC cũng dấn thân vào thị trường Philippines. Thế nhưng, cả 2 gã khổng lồ này đều phải dè chừng với Jollibee, điều này là tại sao?
3.1.1. Sự phù hợp khẩu vị theo số đông
Người Philippines thích đồ ăn Mỹ, điều này là hoàn toàn chính xác. Nhưng khẩu vị của họ lại thiên ngọt, vì thế mà nếu đó là đồ ăn Mỹ được nấu theo đúng khẩu vị yêu thích thì món ăn sẽ càng hấp dẫn hơn. Và Jollibee đã làm được điều này để đáp ứng đúng điều mà người Philippines yêu thích.
Những món ăn của Jollibee sẽ được chế biến theo khẩu vị thiên về ngọt ở Philippines, ví dụ như món mỳ Ý, nếu nhìn sơ thì không có gì khác biệt, tuy nhiên, khi thưởng thức bạn sẽ thấy phần sốt ngọt hơn so với nguyên bản. Và các món ăn khác như salad, gà rán hay khoai tây chiên cũng vậy,...
3.1.2. Kết hợp yếu tố văn hóa đặc trưng
Việc lựa chọn chú ong vui vẻ là linh vật đặc trưng của thương hiệu cũng xuất phát từ yếu tố văn hóa. Chú ong biểu hiện cho sự chăm chỉ làm lụng và luôn bận rộn, thế nhưng nụ cười vẫn luôn thường trực. Nó giống với tính cách của người Philippines vậy, vì thế mà hình ảnh này rất được người dân bản địa yêu thích.
Cùng với đó, Jollibee phát huy tốt với lợi thế là một thương hiệu địa phương khi xây dựng yếu tố gia đình gắn liền với thương hiệu. Các quảng cáo, chương trình của Jollibee cũng đều gắn với hình ảnh gia đình sum họp bên nhau, vui vẻ, ấm cúng trong không gian mà Jollibee mang lại.
3.2. Jollibee tại Việt Nam
Có thể thấy rằng, Jollibee đã gặt hái được khá nhiều thành công tại thị trường Việt Nam khi thương hiệu đã có tới 150 cửa hàng tại đây. Con số này đã nói lên được sự phát triển nhanh chóng sau hơn 15 năm xuất hiện trên mảnh đất hình chữ S.
Bắt đầu với cửa hàng đầu tiên vào năm 2005, Jollibee giờ đã mở rộng ra khắp các thành phố lớn ở Việt Nam và bất cứ nơi đâu bạn cũng có thể thấy được hình ảnh Chú ong vui vẻ màu đỏ hết sức đặc trưng này. Sự phát triển của Jollibee tại Việt Nam có lẽ một phần nào đó do sự đồng điệu về văn hóa giữa Việt Nam và Philippines, khi cả 2 quốc gia đều ở khu vực Đông Nam Á. Còn lại chính là những chiến lược và sự đổi mới của thương hiệu với việc địa phương hóa để thu hút được thực khách địa phương tốt hơn.
Một trong những điều giúp Jollibee nhận được sự tin tưởng đó là việc sở hữu nhà máy chế biến rieng. Điều này giúp Jollibee có thể đảm bảo được việc cung cấp tốt nguyên liệu cho các cửa hàng, đồng thời chủ động trong việc bảo quản và phân phối nguyên liệu tốt hơn. Tạo niềm tin về thực phẩm an toàn, chất lượng khi hoạt động ở thị trường nước ngoài.
Có thể nhận thấy rằng, Jollibee mặc dù xuất phát chỉ là một thương hiệu địa phương, thế nhưng, với việc phát huy tốt lợi thế đã giúp thương hiệu có được sự phát triển bền vững và nhanh chóng hơn. Hy vọng rằng, bài viết đã giúp bạn hiểu được Jollibee là gì cũng như chặng đường phát triển huy hoàng của thương hiệu này.
Tham gia bình luận ngay!