“Ngọt ngào đến mấy rồi cũng tan thành mây”- Khúc nhạc quen thuộc vang lên trên các phương tiện truyền thông giai đoạn gần đây thường dễ làm ta cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ về tính lâu bền của những mối tình. Thế nhưng, ở khía cạnh nào đó, chúng ta dường như thấy tính quy luật của những mối liên kết thú vị khác, không dừng ở tình yêu lứa đôi, mà còn đối với thứ kết tạo niềm đam mê, trách nhiệm và gắn bó xuyên suốt cả cuộc đời mỗi con người không khác gì người yêu - đó là công việc. Không có gì bền vững mãi mãi với thời gian và công việc mà bạn từng muốn gắn bó lâu dài cũng thế. Khi đôi chân đã chùn bước, năng lượng đã cạn kiệt hoặc công việc không còn mang lại cho ta giá trị, thì nên nghỉ việc. Tuy nhiên, còn rất nhiều tình huống nữa mà mỗi người nên rời chốn cũ và kiếm cho mình một điểm dừng chân mới.
1. Liên tục cảm thấy mệt mỏi, chán nản với công việc
Ai đó đã từng nói: Trong cuộc sống có kinh qua khó khăn thì mới có ngọt bùi. Tình trạng thường xuyên phải về vắt kiệt sức khỏe, tinh thần khi bắt đầu công việc hay đau đầu, căng thẳng vì tìm kiếm nguồn khách hàng, nguồn lợi nhuận, áp lực vì quá nhiều việc phải giải quyết trong quỹ thời gian ít ỏi…là điểm chung của rất nhiều người đã, đang và sẽ dấn thân vào hành trình sự nghiệp.
Và chính những khó khăn ngày qua mới tạo ra một bạn mạnh mẽ, kiên định và gặt hái được những thành quả. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa khi bạn liên tục cảm thấy mệt mỏi thậm chí chán nản với công việc. Bạn than thở quá nhiều về công việc với những người xung quanh. Bạn cảm thấy “ớn” khi phải quay trở lại căn phòng làm việc đó rồi vùi đầu vào máy tính đến tận 9,10 giờ đêm mới về vẫn chưa xong công việc? Bạn đã cố gắng hết sức nhưng liên tục bị sếp chê trách vì làm việc không có trách nhiệm? và không còn muốn đi làm.
Đây chính là thời điểm bạn cho bạn thân mình được nghỉ ngơi được rồi. Hãy cho mình một quỹ thời gian nghỉ ngơi nho nhỏ để vực lại tinh thần trước khi kiếm cho mình một môi trường mới nhé.
2. Sức khỏe của bạn ngày càng trở nên tệ hại
Hi sinh cho công việc để gặt hái được những thành công là phương châm hàng đầu được các vị CEO nổi tiếng như Jack ma ca ngợi. Tuy nhiên, sự hy sinh đó phải có giới hạn và ít nhất phải đảm bảo được sức khỏe của bản thân bạn.
Nếu một công việc làm suy kiệt sức khỏe của bạn, ảnh hưởng đến thời gian ăn, thời gian ngủ của bạn, làm bạn căng thẳng và áp lực tột độ đến mức phải dùng đến các chất kích thích, thuốc để ổn định tâm lý hay quên đi trước khi bước vào giấc ngủ. Hãy nhớ rằng, bạn tìm đến công việc để tìm một niềm vui mới và kiếm thêm thu nhập, song không có một mức thù lao nào có thể mua lại sức khỏe của bản thân khi nó đã bị suy kiệt trong một thời gian dài, ngay cả khi công việc đó có thể mang lại cho bạn mức thu nhập cao thế nào đi chăng nữa.
Hà An hiểu rằng, bạn có thể đang phải rất cân nhắc khi từ bỏ một công việc lương cao khi đang bị đè nặng bởi cơm, áo, gạo, tiền,...song hãy nhớ rằng, bạn cũng có nhiều sự lựa chọn ngoài kia phù hợp với bạn, hãy nghĩ đến lâu dài, vì không phải khi nào một núi tiền cũng có thể cứu vãn lấy một sức khỏe đang thoi thóp kiệt quệ.
3. Không đảm bảo được nhu cầu đáng hưởng của bản thân
Hãy luôn nhớ rằng, bạn vào công ty làm việc vốn là một cuộc trao đổi về sức lao động, trí tuệ và tiền bạc, những giá trị vật chất, tinh thần. Không ai phải phục tùng ai đúng nghĩa, không ai cho không ai cái gì. Một khi bạn bỏ công sức, sự chăm chỉ, nhiệt huyệt, trí tuệ thì trả lại cho bạn phải là những giá trị xứng đáng.
Thế nhưng tiếc thay, rất nhiều vị sếp trên lại mặc định rằng mình là người ban phát cho nhân viên những giá trị ấy, nhiều nhân viên lại không hiểu được chính xác quyền lợi của mình mà chỉ “nai lưng” chịu trận. Hãy ghi nhớ về những gì bạn được nhận theo hợp đồng và quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật. Nếu đang làm việc mà cảm thấy bị lạm dụng về sức lao động, trí tuệ lại không được đảm bảo những quyền lợi về thể chất tinh thần, lương thì ba cọc, ba đồng không thể đảm bảo được mức sống của bản thân, thì lời khuyên cho bạn là hãy chuẩn bị một lá đơn xin nghỉ việc đi nhé. Đã đến lúc nói lời tạm biệt rồi.
4. Công việc không có cơ hội để thăng tiến
Song song với những điều bạn đã học hỏi được, thăng tiến trong sự nghiệp là một dấu son mà bất kỳ ai cũng mong muốn hướng đến. Tuy nhiên, công việc hiện tại của bạn nhàm chán và mong có dấu hiệu thăng tiến dù cả về địa vị, tiền bạc, chức tước hay hoàn thiện bản thân mình hơn về mặt chuyên môn. Nếu xuất hiện dấu hiệu này, bạn xem xét để nghỉ việc, vì ít lâu nữa, bạn sẽ dần sự nhàm chán, mệt mỏi, chán ghét bản thân gặm nhấm mà thôi.
5. Bạn “dư sức” để hoàn thành công việc một cách tốt nhất
Dư sức để hoàn thành công việc cách tốt nhất vậy thì chả phải là tuyệt vời hay sao so với thực trạng suốt ngày than thở về và mệt mỏi về công việc mình làm?
Có lẽ bạn đang tự đặt ra những câu hỏi đó. Tuy nhiên, sự thực thì, khi năng lực của bạn cao hơn năng suất mà bạn tạo ra trong một thời gian dài, nó sẽ vô tình làm bản thân bạn tụt hậu. Đương nhiên sẽ có những thời điểm nào đó trong cuộc đời mà bạn buộc phải chấp nhận mình bị mắc kẹt trong một lựa chọn phải làm một công việc dư sức để “cầm hơi” và chờ đợi một cơ hội khác tốt hơn. Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng thời gian này không quá lâu và ảnh hưởng đến chuyên môn, năng lực thực tế của bạn.
Vì nó có thể làm bạn mất phương hướng với sự nghiệp lâu dài của mình. Cuộc sống con người luôn vận động để tốt hơn và mỗi người chúng ta cũng nên thế. Hãy trau dồi mỗi ngày để bản thân mình trở nên tiến bộ chứ không phải là một sự ì ạch.
6. Môi trường làm việc độc hại
Tất cả chúng ta đều có một giới hạn chịu đựng nhất định, nhưng không ai giống ai. Việc mỗi chúng ta có thể vượt qua những khó khăn, áp lực công việc để chinh phục những thành quả là điều nên làm. Tuy nhiên, sẽ chẳng một tinh thần sắt đá nào sẽ liên tục chịu đựng rồi làm việc trong một môi trường cứ sáng đến là thấy cảnh đồng nghiệp nói xấu nhau,chiều lại thấy sếp “khó ở” rồi đổ hết tội lỗi lên đầu nhân viên đâu. Hãy nhớ rằng, hiệu quả công việc bị chi phối rất nhiều đến môi trường làm việc xung quanh.
Những thứ tạp nham này chính là “liều” thuốc độc giết chết mọi đam mê của bạn với công việc và với cả công ty nữa. Nếu đang bị “kìm kẹp” trong môi trường, đó thì tốt nhất hãy cho phép bản thân mình được giải phóng nhé.
7. Khi bạn đang đọc bài viết này…
Nếu đang tìm kiếm những lời khuyên để xem có nên nghỉ việc hay không mà chẳng phải vì mục đích thu lượm, tra cứu thông tin phục vụ bổ sung tài liệu, bài viết…mà là tìm câu trả lời khi nào nên nghỉ việc, thì có lẽ ít nhiều bạn đã có những dấu hiệu vừa được Hà Anh kể trên, nhất là khi đã đọc đến tận cuối bài viết này. Kết hợp với việc bạn đã nhiều lần dự tính nghỉ việc nhưng tìm thêm những lý do khác để biện minh cho công việc như: “Tuy sếp khó ở nhưng Lương tốt”, “tuy văn hóa không hợp nhưng mà cái phúc lợi cũng ổn”,...thì hãy cân nhắc thật kỹ.
Có thể đây là thời điểm mà bạn nên đổi gió cho công việc. Dĩ nhiên, không phải riêng với lý do cuối, mà các dấu hiệu trên cũng vậy, quyết định dứt áo ra đi không dễ dàng, bạn cần phải xem xét thật kỹ càng. Nếu tính kỹ mà vẫn nhận ra, giá trị bạn nhận được ít hơn những điều sẽ mất đi hoặc ảnh hưởng đến sự nghiệp tương lai, thì hãy nghỉ việc đi. Đó là thời điểm phù hợp với bạn rồi đấy.
Trên đây chính là 7 dấu hiệu, thời điểm thích hợp để trả lời giúp bạn khi nào nên nghỉ việc. Hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp bạn đưa ra quyết định dễ dàng nhất cho mình.
Tham gia bình luận ngay!