1. Kỹ năng giao tiếp ứng xử với đồng nghiệp có quan trọng không?
Theo bạn, làm việc tại môi trường công sở thì kỹ năng giao tiếp ứng xử có quan trọng và cần thiết hay không?
Trung bình một ngày bạn sẽ có 8 tiếng để làm việc và con số đó có thể nhiều hơn nếu như bạn quyết định tăng ca. Vì thế mà một ngày, người bạn tiếp xúc nhiều nhất chính là đồng nghiệp của mình. Do đó, bạn sẽ có một ngày tươi đẹp, bế tắc hay tức giận sẽ phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố được gọi là đồng nghiệp bên cạnh các yếu tố phụ khác như đối tác, công việc hay khách hàng,...
Những người đồng nghiệp này sẽ mang đến cho bạn một ngày thăng hoa tràn đầy năng lượng hay những điều tiêu cực xui xẻo sẽ phụ thuộc vào cách thức giao tiếp ứng xử của bạn với người đó như thế nào. Điều này có nghĩa là nếu như bạn có mối quan hệ tốt đẹp thì đồng nghiệp sẽ là động lực đi làm, còn nếu không, chắc chắn bạn sẽ muốn nghỉ làm cho rồi.
Chính vì lý do này mà kỹ năng giao tiếp ứng xử với đồng nghiệp sẽ có vai trò và ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của bạn tại nơi làm việc. “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Việc bạn nói gì, bạn có cách ứng xử ra sao sẽ là yếu tố quyết định đến mối quan hệ giữa bạn với những người đồng nghiệp của mình. Vì thế, có kỹ năng giao tiếp ứng xử với đồng nghiệp sẽ giúp bạn có thể có một quá trình làm việc hiệu quả, suôn sẻ hơn, hạn chế được những mối nguy hiểm có thể xảy ra như trở thành chủ đề bàn tán của mọi người chẳng hạn.
Vậy, bí kíp kỹ năng giao tiếp ứng xử với đồng nghiệp như thế nào? Cùng khám phá tiếp nhé!
2. Kỹ năng giao tiếp ứng xử với đồng nghiệp
Kỹ năng giao tiếp ứng xử là kỹ năng mềm và sẽ có những người bẩm sinh có kỹ năng giao tiếp tốt, nhưng cũng có những người sẽ không được như vậy. Tuy nhiên, việc học tập cũng như rèn luyện thường xuyên sẽ là cách để bạn giúp bạn tôi luyện kỹ năng giao tiếp ứng xử với đồng nghiệp hiệu quả cho mình.
2.1. Học cách tôn trọng đồng nghiệp qua việc lắng nghe
Sự tôn trọng lẫn nhau là yếu tố tiên quyết cần được thực hiện giữa những người đồng nghiệp với nhau tại nơi làm việc. Điều này thể hiện phép lịch sự cũng như một thái độ làm việc hợp tác, nghiêm túc giữa các cá nhân để tạo nên một kết quả công việc hoàn mỹ nhất.
Khi đi làm, bạn muốn được tôn trọng và người đồng nghiệp của bạn cũng vậy. Và sự tôn trọng này không cần quá xa vời hay to tát, đó đơn giản là việc bạn lắng nghe nghiêm túc những vấn đề mà đồng nghiệp đưa ra. Nhìn thẳng vào họ và chú ý tới nội dung của câu chuyện, đó là yếu tố cơ bản của việc lắng nghe.
Khi bạn có sự chăm chú trong cuộc trò chuyện, đồng nghiệp sẽ cảm thấy mình được tôn trọng hơn và điều này cũng khiến họ tôn trọng lại bạn. Đây chính là nền tảng cho sự giao tiếp ứng xử sau này mà bạn có thể hình thành với người đồng nghiệp đó.
Hơn hết, lắng nghe cũng là cách để bạn thấu hiểu một ai đó, vì thế mà việc hiểu được phần nào về tính cách của đồng nghiệp sẽ giúp bạn xác định được cách thức giao tiếp ứng xử sao cho phù hợp nhất.
2.2. Đối thoại trực tiếp để giải quyết khúc mắc
Sẽ có những vấn đề bạn có thể im lặng và để thời gian trả lời tất cả. Nhưng đôi khi, việc bạn im lặng sẽ có thể khiến mọi việc đi quá xa. Vì thế hãy gặp gỡ trực tiếp những đồng nghiệp có liên quan, giải thích rõ ràng về vấn đề đó để cả hai bên không còn bất cứ hiểu lầm nào cũng như xóa đi được các tin đồn thất thiệt về bạn.
Sự thẳng thắn đôi khi sẽ là rất cần thiết để bạn và đồng nghiệp làm rõ được vấn đề, tránh để xảy ra các tình huống tương tự về sau. Hơn hết, đôi khi, điều này cũng sẽ giúp bạn và đồng nghiệp hiểu nhau hơn, từ đó có thể dễ dàng để hợp tác với nhau trong công việc về sau.
2.3. Đưa ra sự phản biện mang tính tích cực
“Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân”, vì thế mà sự hiệu quả trong công việc sẽ không thể nhờ vào một mình bạn được. Do vậy mà làm việc nhóm, hợp tác lẫn nhau luôn là yếu tố quan trọng với bất cứ cá nhân hay tổ chức nào hiện nay.
Đôi khi, bạn và đồng nghiệp sẽ có mục đích, định hướng giống nhau, thế nhưng quan điểm lại có thể khác nhau. Vì thế mà việc đưa ra các ý kiến phản biện cần dựa trên sự tôn trọng cũng như theo hướng tích cực nhất. Điều này có nghĩa là bạn muốn đưa ra quan điểm để công việc được tốt hơn chứ không phải vì muốn dìm hay làm xấu mặt đồng nghiệp của mình.
Cách thức bạn đưa ra sự phản biện sẽ ảnh hưởng tới quan hệ giữa bạn và đồng nghiệp. Vì thế, cần đi theo chiều hướng tích cực để bạn người có thể thoải mái hợp tác và làm việc với nhau đạt kết quả tốt nhất.
2.4. Xây dựng lòng tin với đồng nghiệp
Sự tin tưởng là yếu tố cốt lõi để mọi mối quan hệ trở nên bền chặt cũng như mang đến sự hiệu quả một cách tốt nhất. Vì thế, bạn cần xây dựng lòng tin của đồng nghiệp với mình.
Những chia sẻ bí mật của đồng nghiệp hãy coi đó là bí mật của mình và tất nhiên, bạn không nên kể hay chia sẻ với bất cứ ai khác. Cùng với đó, những câu chuyện mà bạn kể hay các thông tin bạn đưa ra cũng cần chính xác, trung thực. Sẽ chẳng ai muốn nghe toàn những lời dối trá, bịa đặt cả. Việc này cũng sẽ khiến hình ảnh của bạn trong mắt đồng nghiệp xấu xí hơn rất nhiều.
2.5. Nhạy bén để xác định thời điểm giao tiếp phù hợp
Không phải đồng nghiệp nào cũng thích buôn chuyện hay hóng drama và cũng không phải lúc nào cũng là thời điểm thích bạn để bạn trao đổi và kể chuyện. Vì thế mà bạn cần nhạy bén trong việc lựa chọn, xác định thời điểm thích hợp cho vấn đề giao tiếp của mình với đồng nghiệp.
Sự ứng xử tinh ý và tinh tế này sẽ là cơ sở để bạn có những cuộc trao đổi hiệu quả hơn. Đây cũng là yếu tố giúp bạn ghi điểm trong mắt đồng nghiệp khi rất thức thời và khéo léo trong quá trình giao tiếp ứng xử nơi công sở.
3. Kỹ năng giao tiếp ứng xử với đồng nghiệp khó nhưng mà dễ
Nếu suy nghĩ một cách máy móc thì bạn sẽ cảm thấy những quy tắc trên thực sự rất khó để có thể thực hiện hiệu quả và bài bản. Thế nhưng, bản chất của kỹ năng giao tiếp ứng xử với đồng nghiệp lại rất đơn giản, đó là ứng xử với họ như cách mà bạn muốn được đối xử.
Điều này có nghĩa là bạn muốn đồng nghiệp giao tiếp ứng xử với bản thân như thế nào thì bạn sẽ thực hiện đúng như thế với đồng nghiệp của mình. Sự công bằng trong nhu cầu và được đáp ứng sẽ là cách để bạn có được cho mình những kỹ năng giao tiếp ứng xử với đồng nghiệp một cách khôn khéo, hiệu quả nhất.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi người mỗi tính. Bạn sẽ chẳng thể nào làm hài lòng tất cả, nhưng ít nhất, với những kỹ năng trên, bạn sẽ không phải hổ thẹn trong cách ứng xử của mình với đồng nghiệp. Bạn làm được điều mình cần làm, nói điều cần nói, như vậy là đủ, mọi chuyện còn lại sẽ tùy thuộc vào quản điểm, nhìn nhận của đối phương, đây là điều bạn không thể nào kiểm soát được.
Trên đây là những chia sẻ về kỹ năng giao tiếp ứng xử với đồng nghiệp. Mong rằng, bài viết đã giúp bạn nắm bắt được bí kíp sinh tồn nơi công sở và rèn được cách giao tiếp ứng xử sao cho khéo léo nhất với đồng nghiệp tại nơi làm việc của mình.
Tham gia bình luận ngay!