1. Vì sao cần trả lời mong muốn trong công việc?
Sau khi đã ứng tuyển thành công, nhà tuyển dụng sẽ hẹn ứng viên đi phỏng vấn và hỏi ứng viên một số câu hỏi. Mỗi câu hỏi đều có mục đích và tác dụng, nhà tuyển dụng muốn đánh giá ứng viên là con người thế nào và cách trả lời khôn khéo ra sao.
Vì vậy, để tạo thiện cảm và ghi điểm với nhà tuyển dụng, ứng viên cần trả lời được các câu hỏi mà nhà tuyển dụng đưa ra và trong đó có một câu mà nhà tuyển dụng hay muốn hỏi đó là mong muốn trong công việc. Vậy mục đích câu hỏi này là gì?
1.1. Sàng lọc ứng viên
Trong quá trình phỏng vấn, nhà tuyển dụng cần đánh giá lại ứng viên một lần nữa bằng cách đưa ra câu hỏi mong muốn của ứng viên với công việc tại công ty. Từ đó đánh giá năng lực của ứng viên và biết được liệu ứng viên đó có phù hợp với môi trường công ty hay không?
Bởi khi bạn đưa ra mong muốn không phù hợp với công việc của công ty, khi được nhận vào làm, bạn có thể dễ chán nản, bất mãn và có thể nghỉ việc bất cứ lúc nào. Vì vậy, đây là câu hỏi có tính sàng lọc ứng viên cao trong các buổi phỏng vấn.
1.2. Tìm ra ứng viên phù hợp
Giữa muôn vàn các ứng viên khác nhau, nhà tuyển dụng muốn tìm được một ứng viên phù hợp nhất với công ty, gồm đãi ngộ, mức lương, mục tiêu nghề nghiệp, định hướng phát triển trong tương lai, muốn gắn bó với công ty lâu dài hay không… Qua đó, nhà tuyển dụng sẽ biết được ứng viên có phù hợp với môi trường làm việc của công ty hay không.
Chẳng hạn: Mức lương mà công ty chi trả cho vị trí nhân viên kinh doanh là 7 triệu đồng chưa gồm doanh số, ứng viên đưa ra mức lương mong muốn là 6 triệu đồng và mong muốn thăng tiến lên chức vụ cao hơn từ 2 tới 3 năm, đây chắc chắn là ứng viên mà nhà tuyển dụng mong muốn.
1.3. Biết được mong muốn và tham vọng của ứng viên
Hầu hết, khi đi làm việc, ai cũng mong muốn mình có thể phát triển trong môi trường làm việc thuận lợi, một mức lương tương xứng và một chức vụ cao hơn trong tương lai… Trong quá trình trả lời các câu hỏi, ứng viên phần nào đã thể hiện được tham vọng, mong muốn của mình và những người càng tự tin, càng có tham vọng lớn. Nhà tuyển dụng đặc biệt thích những người có mong muốn như vậy.
2. Mong muốn trong công việc nên trả lời thế nào?
Nhiều ứng viên trở nên bối rối và lo lắng khi nhà tuyển dụng hỏi điều mà ứng viên mong muốn với công ty hay công việc, lúng túng không biết nên trả lời thế nào. Để không mất điểm và thể hiện được sự khéo léo của mình, bạn cần đưa ra câu trả lời phù hợp.
2.1. Cách trả lời mong muốn trong công việc
2.1.1. Thăng tiến trong công việc
Hầu hết các ứng viên đều mong mỏi có thể trúng tuyển vào công ty tốt với cơ hội thăng tiến cao. Chẳng ai muốn “dậm chân tại chỗ” cả đời, vì vậy mà bạn cần đưa ra những mong muốn thăng tiến phù hợp với công việc mà bạn ứng tuyển.
Bạn cần nêu rõ mình muốn thăng tiến lên vị trí nào, trong khoảng thời gian nào và bạn sẽ làm điều gì để có thể tiến lên vị trí đó. Vì vậy, một mục tiêu thăng tiến rõ ràng cho thấy bạn là người có định hướng và có ý chí phấn đấu vươn lên trong công việc.
2.1.2. Một công việc ổn định
Một công việc ổn định được xem là câu trả lời khá an toàn khi đưa ra câu trả lời cho điều mà bản thân mong muốn trong công việc. Khi trả lời câu hỏi này, đồng nghĩa với việc bạn mong muốn một công việc ổn định trong khoảng thời gian dài và không phải là người nhảy việc. Công ty sẽ chẳng thích tuyển dụng những ứng viên thích nhảy việc, nghỉ việc bất ngờ, công ty sẽ tốn thời gian và công sức, thậm chí là chi phí đào tạo cho nhân viên.
Tuy nhiên, với những công ty trẻ, hay công ty nước ngoài, sự ổn định là điều họ không tìm kiếm. Do đó, bạn nên thể hiện ý chí phấn đấu vươn lên của bản thân mình, có tinh thần vượt khó mạnh mẽ. Đây chính là một câu trả lời thông minh của ứng viên.
2.1.3. Môi trường làm việc chuyên nghiệp
Môi trường làm việc chuyên nghiệp là mong muốn mà bạn có thể trả lời nhà tuyển dụng khi được hỏi “Bạn muốn điều gì ở công ty?”. Một môi trường làm việc chuyên nghiệp sẽ giúp bản thân bạn phát huy được hết khả năng, năng lực của bản thân mình. Vì vậy, khi ứng tuyển, đừng ngần ngại đưa ra mong muốn, quan điểm của bản thân mình nhé!
2.1.4. Đồng nghiệp đoàn kết
Chẳng ai muốn vào làm việc tại một môi trường “toxic”, suốt ngày bị soi mói, săm soi hay chia bè kéo cánh. Bởi vậy, mong muốn đồng nghiệp đoàn kết, tương trợ lẫn nhau là điều mà bạn có thể đưa ra khi được hỏi về mong muốn của bản thân.
Bạn làm việc trong một môi trường tập thể, do đó đoàn kết, giúp đỡ nhau sẽ giúp công ty ngày càng phát triển lớn mạnh, là điều mà nhà tuyển dụng mong muốn ở ứng viên. Đồng thời, nếu bạn trả lời như vậy, bạn sẽ thể hiện được bản thân là một người quý trọng sự đoàn kết, mong muốn công ty ngày càng tạo được lợi ích cao về kinh tế.
2.2. Một số lưu ý khi trả lời mong muốn của bạn với công việc
Khi trả lời phỏng vấn, bạn đừng thể hiện rằng bản thân đi làm hoàn toàn chỉ vì tiền lương. Tất nhiên, ai cũng muốn có một mức lương tương xứng với những gì mà bản thân bỏ ra, nhưng nếu bạn trả lời như vậy, nhà tuyển dụng sẽ “loại” thẳng tay bạn. Vì nếu có một công ty trả lương cao hơn, có thể bạn lại sẵn sàng ra đi và không công ty nào muốn tuyển dụng một người như vậy.
Bạn cũng đừng nên đưa ra những mong muốn quá xa vời thực tế, đảm bảo mong muốn đó phù hợp với vị trí công việc của bạn, tình hình phát triển của công ty và quy mô công ty.
Bên cạnh đó, bạn nên thể hiện bản thân là một người trung thực và đã tìm hiểu kỹ về công ty. Nhà tuyển dụng sẽ không thích ứng viên trả lời thiếu trung thực, tâng bốc công ty tận “mây xanh” nhưng lại tâng bốc những điều hoàn toàn sai sự thật. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu kỹ thông tin về công ty để có thể đưa ra những câu trả lời phù hợp nhất, giúp tỷ lệ phỏng vấn thành công cao hơn.
Như vậy, khi trả lời mong muốn trong công việc, bạn cần đưa ra những mong muốn hợp lý, khéo léo, không quá xa rời thực tế và hoàn toàn trung thực. Khi đưa ra một câu trả lời hợp lý, khôn khéo, mong muốn phù hợp, chắc chắn nhà tuyển dụng dành tặng cho bạn những điểm cộng và trao cho bạn một cơ hội mới. Chúc bạn nhận được cái gật đầu từ nhà tuyển dụng, phỏng vấn thành công và có một công việc như ý muốn nhé!
Tham gia bình luận ngay!