1. Một số thông tin cơ bản về tổ chức công đoàn
1.1. Khái niệm tổ chức công đoàn là gì?
Từ khi Việt Nam chấm dứt nền kinh tế bao cấp bước sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa với những bước đi đúng đắn đã khơi dậy tiềm năng của đất nước, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Tuy nhiên sự phát triển của nền kinh tế này đã tạo ra nhiều mặt trái so với bản chất của chủ nghĩa xã hội. Điển hình khi sản xuất hàng hóa càng gia tăng, lợi nhuận cho các doanh nghiệp càng nhiều nảy sinh lòng tham sân si cá nhân. Tình trạng này đã tạo điều kiện cho cái “xấu” sinh sôi, hoạt động kinh tế chỉ nghĩ tới lợi ích cá nhân mà gạt đi lợi ích của cả một tập thể, một cộng đồng.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp chỉ biết đấu đá lẫn nhau bằng cách tận dụng tối đa nguồn lực, thực hiện nhiều hoạt động để chiến thắng trong giới nhưng lại không đi đôi với việc đảm bảo lợi ích cho người lao động. Điều này dẫn đến sức lao động của con người bị lợi dụng, quyền lợi và lợi ích của người lao động bị xâm hại. Trước bất cập đó, Đảng và Nhà nước đã vào cuộc với nhiều quy định, thành lập nhiều cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ lợi ích của người lao động. Trong đó công đoàn là một tổ chức gần gũi và quen thuộc nhất với người lao động động đã thực hiện rất hiệu quả các biện pháp, nhiệm vụ thiết thực trong việc bảo vệ người lao động.
Công đoàn là một tổ chức quần chúng rộng lớn của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thuộc tổ chức chính trị - xã hội. Tổ chức công đoàn cùng với cơ quan nhà nước và các đơn vị liên quan khác thực hiện các hoạt động và nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người lao động bao gồm cả cán bộ, công nhân, viên chức,… những người làm công ăn lương cho một tổ chức, doanh nghiệp cụ thể. Giai cấp công nhân càng lớn mạnh thì tổ chức công đoàn càng phát triển. Điều này có nghĩa khi giới công nhân biết đoàn kết sức mạnh, biết tận dụng số lượng để bảo vệ chính mình thì tổ chức công đoàn sẽ tự hình thành làm đòn bẩy cho sức mạnh này được bừng lên trong giới hạn cho phép.
1.2. Tính chất của tổ chức công đoàn
Tổ chức công đoàn được hình thành, tồn tại và phát triển dựa trên cơ sở là giai cấp công nhân. Do đó bản chất đầu tiên dễ thấy của tổ chức công đoàn là mang tính chất giai cấp của giai cấp công nhân. Tính chất giai cấp của công đoàn không chỉ mang ý nghĩa để hành động mà còn giúp hiểu đúng về vai trò và mục đích tồn tại của tổ chức công đoàn. Bên cạnh đó công đoàn thuộc hệ thống chính trị do vậy các hoạt động của công đoàn vừa mang tính chất chính trị lại vừa mang tính chất xã hội. Tuy nhiên tổ chức công đoàn không phải một cơ quan nhà nước hay mang tính chất một đảng phái.
Tổ chức công đoàn là một tổ chức của giai cấp đông đảo nhất chính là giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đây là một bộ phận chiếm tỷ lệ cao nhất trên toàn bộ quần chúng nhân dân trong xã hội. Do vậy một tính chất khác của tổ chức công đoàn là tính chất quần chúng. Chính đặc điểm này từ khi ra đời mà tổ chức công đoàn còn mang đặc trưng là tổ chức quần chúng.
Như vậy, thực tế tổ chức công đoàn có hai tính chất nhưng hai tính chất này không tách riêng mà luôn được gắn bó với nhau để tạo nên một chỉnh thể với những hoạt động đúng đắn phù hợp với đồng thời cả bản chất của tổ chức và với cả mục tiêu chính trị của Đảng và Nhà nước. Theo đó giai cấp công nhân được bảo vệ quyền lợi và lợi ích bởi công đoàn nhưng Đảng và Nhà nước mới là tổ chức chính trị đứng đầu của xã hội chủ nghĩa.
1.3. Tổ chức công đoàn được thành lập vì người lao động
Những chức năng của tổ chức công đoàn đều thể hiện phạm vi hoạt động, mục đích hoạt động vì người lao động và sự định hướng dựa trên mục tiêu chính trị. Cụ thể các chức năng của tổ chức công đoàn bao gồm:
- Thực hiện mọi hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động
- Tổ chức giáo dục, vận động công nhân và người lao động
- Đại diện cho người lao động tham gia quản lý kinh tế xã hội, quản lý Nhà nước đảm bảo tiếng nói chung của nhân dân lao động
Qua những chức năng trên có thể phần nào đã xác định được nhiệm vụ chung cùng mục đích tổ chức các hoạt động mà tổ chức công đoàn thực hiện đối với từng cấp công đoàn ở từng lĩnh vực.
Tìm hiểu thêm: Công đoàn là gì?
2. Vai trò của công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động
Giai cấp lao động hiện đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường. Họ là người trực tiếp làm ra sản phẩm, tạo ra lợi nhuận và doanh thu cho các doanh nghiệp bằng chính công sức và trí tuệ của bản thân. Quyền lợi của họ nhận được không chỉ là mức lương hàng tháng mà thực tế để đổi lại những gì đã cống hiến, cái họ nhận còn nhiều hơn thế. Do vậy trong quá trình làm việc, người lao động có quyền hưởng và nhận những lợi ích khác ngoài mức lương với cả giá trị về vật chất và tinh thần.
Tổ chức công đoàn được thành lập với mục đích chung là bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho người lao động cùng với rất nhiều các vai trò cụ thể khác bao gồm:
- Vai trò của Công đoàn trong ký kết thỏa ước lao động tập thể bởi công đoàn chính là một trong hai chủ thể xây dựng thỏa ước lao động tập thể
- Vai trò của Công đoàn trong bảo đảm tiền lương và thu nhập của người lao động: Khi tham gia vào hoạt động sản xuất, mức lương và thu nhập là vấn đề mà người lao động quan tâm nhiều nhất và đây cũng chính là mục tiêu xây dựng mối quan hệ lao động của người lao động. Vai trò này của Công đoàn được thể hiện qua việc tham mưu hình thức trả lương hoặc thậm chí là mức lương phù hợp với người lao động ở từng vị trí công việc cho ban giám đốc dựa trên việc xem xét và tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tính chất công việc.
- Vai trò của Công đoàn trong việc tham gia giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động: Với vai trò này, tổ chức công đoàn sẽ phối hợp cùng Sở Lao động & Thương binh xã hội để thực hiện các chính sách giải quyết việc làm cho người lao động. Ngoài ta trong công tác tuyển dụng lao động của mỗi đơn vị, công đoàn cũng tham gia giám sát về quy trình, yêu cầu tuyển dụng, chất lượng và số lượng lao động cần tuyển dụng nhằm phục vụ cho mục tiêu đảm bảo quyền lợi và lợi ích của người lao động.
- Vai trò của Công đoàn trong kỷ luật lao động và xử lý kỷ luật lao động: Công đoàn là tổ chức đại diện cho toàn bộ người lao động vì vậy những vấn đề liên quan đến người lao động đều cần sự có mặt tham gia đóng góp ý kiến của tổ chức công đoàn. Trong vấn đề kỷ luật và xử lý kỷ luật lao động, mặc dù thẩm quyền thuộc về người sử dụng lao động nhưng việc kỷ luật liên quan trực tiếp tới những tổn thất về cả tinh thần lẫn vật chất của người lao động. Vì vậy để đảm bảo tính công bằng khi khi tiến hành kỷ luật lao động theo pháp luật lao động phải có người bị kỷ luật và sự có mặt của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở trong tổ chức doanh nghiệp
- Vai trò của Công đoàn trong đảm bảo an toàn lao động – vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội: Công đoàn có trách nhiệm kiểm tra việc sử dụng bảo hộ lao động trong khi làm việc và yêu cầu người có trách nhiệm thực hiện các biện pháp an toàn lao động. Còn về bảo hiểm xã hội, công đoàn là người đại diện cho tập thể người lao động vì vậy những vấn đề liên quan đến quyền lợi của lao động đặc biệt là bảo hiểm xã hội có ý nghĩa quan trong trong đời sống người lao động chắc chắn phải có sự tham gia của Công đoàn. Pháp luật trao quyền cho Công đoàn trong phạm vi quyền hạn và chức năng của mình thực hiện các hoạt động liên quan đến quyền lợi và lợi ích của người lao động liên quan đến bảo hiểm xã hội
- Vai trò của Công đoàn trong việc tham gia vào giải quyết tranh chấp lao động và đình công: Một lần nữa công đoàn là tổ chức đại diện cho tập thể người lao động được nhắc lại vì thế khi giải quyết tranh chấp phải có sự tham gia của đại diện công đoàn và đại diện bên sử dụng lao động. Và theo quy định thì Công đoàn là tổ chức duy nhất được khởi xướng và dẫn đầu các cuộc đình công hợp pháp.
Tham khảo: Công đoàn cơ sở là gì?
3. Quyền lợi của người lao động khi tham gia tổ chức công đoàn và không tham gia tổ chức công đoàn
Người lao động tham gia vào tổ chức công đoàn trên tinh thần tự nguyện, không gò ép bởi các doanh nghiệp hay tổ chức chính trị nào khác. Tổ chức công đoàn không có quyền tước bỏ hay hạn chế bất kỳ quyền lợi nào của người lao động khi họ không tham gia tổ chức công đoàn. Do vậy, trong một đơn vị làm việc, những quyền lợi mà đơn vị dành cho người lao động thì bất cứ ai là thành viên trong đó cũng đều được hưởng bất kể có tham gia tổ chức công đoàn hay không?
Đối tượng được tổ chức công đoàn bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp là toàn bộ quần chúng nhân dân lao động trong xã hội. Vì thế dù tham gia hay không tham gia vào tổ chức công đoàn thì người lao động vẫn được hưởng quyền lợi và lợi ích chính đáng như nhau. Tuy nhiên đối với người tham gia vào tổ chức công đoàn sẽ được hưởng một số quyền lợi khác như: Được tham gia thảo luận, đề xuất ý kiến và tham gia biểu quyết công việc của công đoàn; Được tham gia ứng cử, đề cử và bầu cử trong cơ quan lãnh đạo công đoàn,… Đồng thời thành viên của tổ chức công đoàn phải thực hiện một số nghĩa vụ theo quy định song song với những quyền lợi riêng được hưởng so với người lao động không tham gia tổ chức công đoàn.
Hy vọng qua bài viết trên đây sẽ giúp đọc giả hiểu tổ chức công đoàn là gì và những vai trò có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động. Hãy tiếp tục đồng hành cùng topcvai.com để cập nhật thông tin mới bổ ích liên quan tới việc làm mỗi ngày nhé!
Tham gia bình luận ngay!