1. Nhân viên hiện trường xuất nhập khẩu là gì?
Nhân viên hiện trường xuất nhập khẩu là những người đảm nhiệm công việc giao nhận các loại chứng từ, các thủ tục cần thiết để hàng hóa được lưu thông một cách suôn sẻ nhất.
Ngành xuất nhập khẩu là một trong những ngành nghề đang phát triển, nhất là trong thời kỳ thế giới đang thúc đẩy toàn cầu hóa, hiện đại hóa. Các doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu tiến vào hợp tác với các doanh nghiệp nội địa và ngược lại. Chính phủ của các nước cũng khuyến khích mở cửa để giao thương và kết bạn với các nước khác trong khu vực và trên thị trường quốc tế cũng như đẩy mạnh thêm chính sách đối ngoại.
Việc phát triển ngành xuất nhập khẩu đã khiến cho nhiều đất nước thu được nguồn lợi nhuận cao và được người dân trên toàn thế giới biết đến. Sản phẩm nổi tiếng của các nước được phổ biến và bày bán trên khắp mọi nơi thông qua quá trình xuất nhập khẩu. Ví dụ như Việt Nam ta nổi tiếng với việc xuất khẩu gạo và cà phê, khiến cho bất kỳ ai khi nhắc đến hai dòng sản phẩm ấy cũng sẽ nhớ tới đất nước đã sản xuất nó.
Chính vì sự phát triển này, ngành xuất nhập khẩu nói chung xuất hiện sự gia tăng lớn về quy mô, từ thiết bị cho đến số lượng việc làm. Nhiều ngành nghề mới xuất hiện trong đó có nhân viên hiện trường xuất nhập khẩu, đã góp phần tạo nhiều cơ hội việc làm cho người dân.
Nhân viên hiện trường xuất nhập khẩu nhìn chung thì không phải là một nghề mới, tuy nhiên nó lại chưa thực sự được biết đến nhiều với những ai không thuộc ngành xuất nhập khẩu. Công việc này là một trong những công việc đầu tiên mà những bạn sinh viên thường làm khi mới bắt đầu tìm kiếm kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Đọc thêm: Tìm hiểu về nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu và kinh nghiệm tìm việc
2. Mô tả công việc của nhân viên hiện trường xuất nhập khẩu
Nhìn chung thì công việc này không có quá nhiều nhiệm vụ vất vả và khó khăn. Những người đảm nhiệm vị trí này thường là những người mới, hoặc sinh viên thực tập bởi vì nó không phải làm quá nhiều các công việc phức tạp và đòi hỏi chuyên môn. Tuy nhiên, nói như vậy không phải là công việc này là công việc nhàn rỗi mà bạn cũng sẽ phải khá vất vả đấy.
Nghe tên công việc là ta đã có thể đoán được địa điểm làm việc của công việc này là ở đâu. Đó chính xác là những cảng biển, những sân bay, những địa điểm tập kết mà hàng hóa sẽ tới. Bạn sẽ hầu như không làm việc trong văn phòng, trực tiếp làm việc ngoài trời và đôi khi sẽ phải chịu đựng lúc thời tiết khắc nghiệt như nắng, mưa…
Các công việc của một nhân viên hiện trường xuất nhập khẩu thường sẽ bao gồm:
- Trực tiếp kiểm tra và theo dõi các lô hàng hóa xuất nhập khẩu.
- Lập và hoàn thành các bản báo cáo theo dõi công việc trong quá trình xuất và nhập hàng, đồng thời gửi báo báo cho cấp trên và chỉnh sửa theo yêu cầu.
- Xử lý và giải quyết những vấn đề của khách hàng và nhận khiếu nại liên quan đến hàng hóa.
- Trực tiếp làm việc với hải quan trong quá trình xuất nhập khẩu, giải quyết các vấn đề phát sinh về lô hàng, phụ trách đóng thuế lô hàng cho bên hải quan theo đúng quy trình.
- Quản lý bộ chứng từ xuất – nhập đồng thời hoàn thành các giấy tờ có liên quan để đảm bảo không có phát sinh các vấn đề liên quan đến giấy tờ ngoài ý muốn.
- Hỗ trợ các bộ phận khác trong công tác lập báo cáo, lập chứng.
- Trao đổi và thỏa thuận với các bên liên quan
- Ngoài ra khi cần thiết sẽ làm các công việc khác theo yêu cầu mà cấp trên đề ra
Đọc thêm: Những điều cần biết về nhân viên chứng từ xuất nhập khẩu
3. Yêu cầu cần có của nhân viên hiện trường xuất nhập khẩu
Sỡ dĩ công việc này phù hợp với các bạn sinh viên, những người mới ra trường hoặc đang cần tích lũy kinh nghiệm là bởi nó không có quá nhiều yêu cầu. Có bốn yếu tố lớn nhất trong yêu cầu của một nhân viên hiện trường xuất nhập khẩu là:
3.1. Yêu cầu về mặt sức khỏe
Như đã nói ở trên, công việc này không được làm việc trong văn phòng mà hầu hết phải làm ngoài trời, dưới thời tiết khắc nghiệt. Vì vậy nên nếu không có sức khỏe sẽ không trụ được khi làm việc. Chính vì vậy nên vị trí này thường được đảm nhiệm bởi đàn ông – những người có sức khỏe thể chất tốt hơn.
Cũng bởi lí do đó mà bạn có lẽ phải chuẩn bị trong bộ hồ sơ của mình giấy tờ chứng minh bạn có sức khỏe tốt, phù hợp để làm công việc này vì rất có thể nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu.
3.2. Yêu cầu về mặt chuyên môn
Mặc dù như đã đề cập ở trên, nhân viên hiện trường xuất nhập khẩu không cần đỏi hỏi quá nhiều về mặt chuyên môn. Nhưng tất nhiên việc có chuyên môn chính là điểm cộng lớn trong hồ sơ của bạn.
Trước tiên đó là bằng cấp của bạn, nếu có bằng cao đẳng hoặc đại học về chuyên ngành xuất nhập khẩu thì bạn sẽ được ưu tiên hơn. Nếu không có bằng về ngành nghề liên quan thì bạn có thể xem xét học thêm những kiến thức về xuất nhập khẩu. Các kiến thức chung về ngành nghề này sẽ giúp bạn thích nghi nhanh hơn mà không đòi hỏi quá nhiều sự hướng dẫn từ phía công ty tuyển dụng.
Bạn cũng có thể sử dụng những kiến thức đó để làm thêm những công việc khác trong ngành, vừa giúp bạn nâng cao tay nghề, nâng cao năng lực đồng thời giúp bạn tăng thu nhập và chức vụ của mình hơn.
3.3. Yêu cầu về mặt tính cách
Yêu cầu về tính cách tất nhiên không phải là một yêu cầu bắt buộc, nhưng có nó sẽ hỗ trợ cho bạn rất nhiều trong việc hoàn thành công việc. Trước tiên, không thể không kể đến yếu tố kiên trì và nhẫn nại. Công việc nhân viên hiện trường xuất nhập khẩu quả thật là rất vất vả, nhưng nếu bạn có thể kiên nhẫn chịu đựng trong giai đoạn đầu thì dần dần bạn sẽ quen hơn với cường độ làm việc ấy.
Thời gian đầu có thể bạn sẽ không học được gì nhiều mà chủ yếu chỉ làm những công việc nhỏ và phụ thì bạn cũng nên nhẫn nại vì đó là quá trình nhà tuyển dụng yêu cầu bạn quan sát, làm quen với các công việc của người đi trước. Sau thời gian này bạn sẽ được đào tạo nhiều hơn, nhưng bạn cũng có thể hoàn toàn chủ động học hỏi những người đã thạo việc.
Xem thêm: Danh sách việc làm nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu
3.4. Yêu cầu về mặt kỹ năng
Một nhân viên hiện trường xuất nhập khẩu thường phải biết cách giải quyết các vấn đề một cách linh hoạt. Vì trong quá trình làm việc không phải lúc nào mọi thứ cũng đều theo quy trình, chính vì vậy khi vấn đề phát sinh cần phải nhanh chóng tìm ra cách thức giải quyết nhanh chóng, phù hợp.
Bên cạnh đó còn có kỹ năng lên kế hoạch, kiểm soát khối lượng công việc và quản lý thời gian hiệu quả. Vì bạn sẽ phải làm việc với giấy tờ khá nhiều nên đôi khi sẽ nhầm lẫn và không quán xuyến được hết các loại công việc. Từ đó dễ gây ra việc nhầm lẫn trong khi làm báo cáo hoặc chuẩn bị các tài liệu liên quan. Sắp xếp công việc một cách khoa học là điều cần thiết giúp bạn hoàn thành công việc hiệu quả.
4. Thu nhập của nhân viên hiện trường xuất nhập khẩu
Mức lương của một nhân viên hiện trường xuất nhập khẩu rơi vào mức trung bình và có thể tăng lên theo thời gian. Với người mới chưa có kinh nghiệm thì phần lương cơ bản sẽ dao động từ 6 đến 8 triệu một tháng, với những người có kinh nghiệm thì sẽ cao hơn từ 7 đến 9 triệu. Ngoài ra sẽ có các khoản phụ cấp và thường đi kèm khác mà theo như thông tin thì mức phụ cấp của ngành này khá tốt.
Thông qua những thông tin trên, bạn đã nắm được hơn về công việc nhân viên hiện trường xuất nhập khẩu chưa? Với những bạn sinh viên hiện tại đang học ngành logistic thì đây có lẽ là một công việc khá phù hợp để lấy kinh nghiệm, quan sát môi trường làm việc để từ đó định hướng thêm cho vị trí khác trong tương lai. Mong rằng những thông tin trên có thể hỗ trợ cho các bạn trong quá trình tìm hiểu về nghề nghiệp nhân viên hiện trường xuất nhập khẩu.
Tham gia bình luận ngay!