1. Phong cách lãnh đạo là gì?
Nhắc đến tên tuổi của các nhà lãnh đạo lớn chúng ta thường nhắc tới hai từ phong cách. Tất cả những kỹ năng làm việc, khả năng lãnh đạo của họ đều được thâu tóm trong bốn từ phong cách lãnh đạo. Vậy bạn hiểu thế nào là phong cách lãnh đạo?
Có rất nhiều định nghĩa, nhiều cách hiểu về phong cách lãnh đạo tùy vào quan niệm của mỗi người. Nhưng hiểu nôm na, có thể phân tích giá trị ý nghĩa từ trong chính cụm từ này bạn sẽ thấy rõ bản chất của khái niệm.
Lãnh đạo chính là công việc quản lý, chỉ đạo một ai đó thực hiện nhiệm vụ được giao. Phong cách là bản chất, nét đặc trưng, tính cách bên trong con người trong hoạt động, trong cách thực hiện, thể hiện nét riêng của một cá nhân hay một lớp người nào đó. Vậy phong cách lãnh đạo là cách lãnh đạo riêng của nhà lãnh đạo.
Nói theo Newstrom, Davis thì Phong cách lãnh đạo chính là phương thức, là cách thức tiếp cận của nhà lãnh đạo để đưa ra phương hướng hay thực hiện kế hoạch công việc và tạo động lực cho nhân viên. Chính nhân viên sẽ là người phát hiện ra phong cách đó của sếp mình thông qua hành động hoặc cách tương tác trong quá trình làm việc.
Tham khảo: Việc làm giám đốc điều hành
2. Vai trò của phong cách lãnh đạo
Có rất nhiều yếu tố làm nên diện mạo cho một nhà lãnh đạo trong đó có phong cách lãnh đạo. Phong cách lãnh đạo nắm giữ một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp của một con người, nhất là khi bạn đã bước vào con đường quản lý.
Trước tiên, phong cách nói chung sẽ làm nên diện mạo cho một con người. Điều này hoàn toàn đúng, khi nhắc đến một ai đó, ngoài việc chúng ta hình dung ra dáng vẻ, khuôn mặt của người đó ra sao thì thứ khiến chúng ta nghĩ đến ngay lập tức đó chính là phong cách. Chẳng hạn, có một nhóm bạn chơi với nhau, mỗi người sẽ mang một phong cách riêng mà chúng ta gọi đơn giản là “nét riêng”. Khi chúng ta nhắc đến một thành viên nào đó trong nhóm thì thường sẽ nhắc kèm theo cả cái “nét riêng” ấy, chẳng hạn như chậm chạp, tài lanh, nghiêm túc, chững chạc,…
Điều đó cũng tương tự khi chúng ta nhắc tới phong cách lãnh đạo của một ai đó. Nhiệm vụ công việc của bạn là quản lý, trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ đó, bạn sẽ hình thành nên một phong cách nhất định có thể mang tính nhất quán hoặc cũng có thể đa dạng. Thường nhân viên cấp dưới sẽ là người nhìn nhận rõ nhất phong cách lãnh đạo của bạn. Bất kể một nhà quản lý nào cũng sẽ có phong cách lãnh đạo của riêng mình, như chúng ta đã nói, có thể đó là một phong cách nhất quán hoặc cũng có những nhà quản lý chủ đích áp dụng các phong cách đa dạng để lãnh đạo, việc đó tùy thuộc vào chiến lược thúc đẩy nhân viên và phát triển công ty. Và do đó, phong cách lãnh đạo có sự ảnh hưởng rất lớn đến con đường thành công trong sự nghiệp của bạn. Khi không có được một phong cách lãnh đạo phù hơp thì bạn sẽ không đưa sự nghiệp quản lý của mình về được tới đích.
Phong cách có thể được cân nhắc để hình thành trước khi bạn bước chân vào công tác lãnh đạo hoặc sẽ hình thành một cách tự nhiên từ trong thực tế việc làm. Vậy bạn có biết mình đang có phong cách lãnh đạo nào và liệu rằng phong cách đó có đang áp dụng hợp lý trong đội ngũ nhân viên và trong môi trường làm việc của mình hay không? Đọc tiếp nội dung bên dưới.
3. Những phong cách lãnh đạo phổ biến của các nhà lãnh đạo nổi tiếng
Lãnh đạo được ví là người thủ lĩnh dẫn đầu một đội quân. Đội quân có mạnh hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào người thủ lĩnh. Có thể bằng cách này hay cách khác để những người làm thủ lĩnh dẫn dắt đồng đội của mình tiến đến những đỉnh cao cần phải chinh phục. Vậy là một người thủ lĩnh, bạn đã dùng cách gì?
3.1. Lãnh đạo theo phong cách kiểu mẫu
Hầu hết các nhà lãnh đạo mới đều sẽ lựa chọn phong cách này như một giải pháp an toàn cho con đường sự nghiệp vừa mới được thăng hoa của mình. Mọi thứ cứ tuân thủ nguyên tắc, không rẽ lối, không phá vỡ những quy luật đã có sẽ ít mắc phải sai sót.
Tuy nhiên, qua thời gian và các thế hệ tiếp nối, tư tưởng trong lãnh đạo cũng sẽ thay đổi ít nhiều. Phong cách lãnh đạo kiểu mẫu cũng theo thế mang một tính chất khác. Trong thời đại của thế hệ Z, phong cách này mang đặc trưng theo câu nói “Hãy làm như tôi”. Đây là một ý tưởng lãnh đạo khá mới mẻ khi bản thân bạn tự đưa mình ra làm kiểu mẫu lý tưởng để người khác noi theo. Đó là sự tích cực, tinh thần chăm chỉ, sáng tạo trong công việc hay bất kể sự tốt đẹp nào khác.
Bạn có thể xây dựng nên một tập thể mang chuẩn phong thái của bạn với nếp làm việc và các chiến lược đồng nhất. Như vậy có thể tạo ra kết quả như bạn mong muốn. Tuy nhiên phong cách lãnh đạo này cũng có những hạn chế nhất định bạn cần xem xét, ví dụ như áp lực lớn, dễ khiến cho nhân viên của bạn nhụt chí vì có thể năng lực của họ không theo kịp được kiểu mẫu tiêu chuẩn mà sếp đặt ra và nếu có một đội ngũ nhân lực trình độ thấp thì phong cách lãnh đạo này sẽ là không phù hợp.
3.2. Phong cách lãnh đạo mệnh lệnh
Mệnh lệnh bằng với sự nghiêm túc. Có nghĩa là khi áp dụng phong cách này, nhân viên luôn phải thực hiện nhiệm vụ ngay – lập – tức. Tinh thần mà nhà lãnh đạo đưa vào trong nội bộ nhân viên của mình đó chính là “Hãy làm những điều tôi nói”. Mặc dù sự khắt khe có thể mang tới những tác dụng ngược nhưng trong những hoàn cảnh nhất định, phong cách này cần được áp dụng, đó là khi công ty, doanh nghiệp của bạn rơi vào khủng hoảng.
Ưu thế của phong cách này đó chính là giúp nhà lãnh đạo kiểm soát tốt nhân viên trong những trường hợp nhân viên quá trì trệ, ỉ lại. Nhưng ở mặt thứ hai, phong cách này lại khiến cho nhân viên không phục người lãnh đạo và nghiêm trọng hơn là có thể bóp nghẹt đi những ý tưởng sáng tạo của nhân viên.
3.3. Phong cách lãnh đạo huấn luyện
Khi có chính sách phát triển nguồn nhân lực mạnh trong tương lai thì người lãnh đạo cần áp dụng phong cách lãnh đạo huấn luyện. Tôn chỉ của phong cách này chính là “Hãy thử điều này”. Thông qua cách gọi, huấn luyện để định hướng nhân viên phát huy những điểm mạnh để có thể làm việc hiệu quả hơn. Điểm bất cập trong phong cách này chính là khó áp dụng khi nhà lãnh đạo chưa có đủ trình độ chuyên môn để huấn luyện hoặc khi công ty có một đội ngũ nhân sự ngại thay đổi, khó thích ứng với cái mới.
3.4. Lãnh đạo theo phong cách hướng về mục tiêu trước mắt
“Hãy đi cùng tôi” là điều mà nhà lãnh đạo theo phong cách hướng về mục tiêu muốn nói với tất cả nhân viên của mình. Người lãnh đạo đã nhìn thấy một tương lai mới của công ty với mục tiêu cần chạm tới và anh ta muốn nhân viên của mình sẽ cùng mình hướng về điều đó, tránh việc nhân viên làm việc tại công ty nhưng lại chỉ chăm chỉ nhìn về những mục tiêu cá nhân.
3.5. Phong cách lãnh đạo dân chủ - Phong cách lãnh đạo của thời đại mới
Đề cao tính tự do, sáng tạo trong công việc của nhân viên là cách mà một nhà lãnh đạo theo phong cách dân chủ sẽ thực hiện. Bất kể nhiệm vụ, yêu cầu nào đó cần được giải quyết thì người quản lý cũng sẽ hưởng ứng từ sự đồng thuận trong tất cả tập thể nhân viên của mình, lắng nghe từng ý kiến trao đổi đến từ phía nhân viên. Với phong cách này, nhân viên của bạn sẽ luôn cảm thấy thoải mái, không bị áp lực trong quá trình giải quyết nhiệm vụ việc làm tuy nhiên, đổi lại bạn khó có thể thúc đẩy nhân viên hoàn thành deadline trong công việc.
Trên đây là 5 phong cách lãnh đạo của người đứng đầu thường xuyên được áp dụng trong quá trình dẫn dắt đội ngũ nhân lực làm việc của các nhà lãnh đạo. Đọc tới đây bạn có nhận diện được bản thân đang sử dụng phong cách lãnh đạo nào hay không?
Không nhất thiết một nhà lãnh đạo chỉ được dùng một phong cách mà có thể áp dụng nhiều phong cách khác nhau phù hợp với từng giai đoạn phát triển của công ty làm sao cho tạo ra được kết quả như đúng kế hoạch đề ra.
Tìm hiểu thêm: Ban lãnh đạo tiếng Anh là gì?
4. Lưu ý khi lựa chọn áp dụng những phong cách lãnh đạo
Việc lãnh đạo nhân lực sẽ không cố định trong tất cả các trường hợp. Vậy nên bạn cần đánh giá được tình hình trong cái nhìn tổng thể, phân tích tính chất lợi và hại của từng phong cách đó, cân nhắc sự phù hợp, cái được và mất để lựa chọn phong cách hoặc kết hợp phong cách. Phong cách có thể sử dụng trong một tình huống nào đó nhưng cũng có thể dùng cho cả tập thể, dùng trong một thời gian dài hoặc mãi mãi. Một nhà lãnh đạo tài ba sẽ biết được mức độ áp dụng của phong cách và chọn phong cách nào cho phù hợp với từng hoàn cảnh, từng chiến lược phát triển chung của công ty.
Lựa chọn sai phong cách sẽ khiến bạn dẫn dắt nhân lực và công ty đi theo chiều hướng tiêu cực. Hậu quả xấu nhất có thể khiến cho công ty đối diện với những “bờ vực” tan rã. Vậy cho nên, làm một nhà lãnh đạo quả thực chẳng dễ dàng chút nào, lựa chọn cho mình một phong cách lãnh đạo lại càng khó hơn. Thế mới thấy, đằng sau một công ty phát triển chính là bóng dáng âm thầm của một nhà lãnh đạo tuyệt vời.
Một người lãnh đạo năng lực không chỉ gây dựng được hình ảnh tốt đẹp của mình trong mắt nhân viên thông qua kiến thức, sự tài năng mà là cách ứng xử khéo léo, thông minh, tinh tế. Họ luôn biết khi nào cần cứng rắn lúc nào nên mềm mỏng. Thông qua bài viết mnayf bạn không chỉ biết được có những phong cách lãnh đạo nào mà còn biết cách nhìn nhận bản thân xem mình đang mang phong cách gì, có phù hợp hay không. Như vậy, nếu bạn đang là một nhà lãnh đạo, hãy cố gắng cân nhắc thật kỹ khi lựa chọn một phong cách lãnh đạo cho mình sao cho phù hợp với doanh nghiệp và đội ngũ nhân lực nhé.
Tham gia bình luận ngay!