1. Tìm hiểu chung về phương pháp dạy học ở tiểu học
Phương pháp dạy học ở tiểu học được thể hiện rõ ràng nhất qua cách thức mà một tiết học ở cấp bậc giáo dục này diễn ra, trong đó bao gồm chủ yếu là các hoạt động của thầy cô và học sinh. Các hoạt động trong một tiết học sẽ được tiến hành dưới sự dẫn dắt của thầy cô giáo.
1.1. Hiểu đúng về phương pháp dạy học ở tiểu học
Nhìn vào phương pháp dạy học của thầy cô ở cấp bậc tiểu học có thể thấy được những đặc trưng sau đây:
- Phương pháp dạy học phản ánh rõ ràng nhất quá trình nhận thức của học sinh, từ trạng thái “mới tinh”, cho đến khi tiếp nhận kiến thức và cuối cùng là ghi nhớ kiến thức.
- Phương pháp dạy học phải đảm bảo truyền tải được những nội dung theo đúng quy định của nhà trường.
- Phương pháp dạy học thể hiện qua cách thức giáo viên dẫn dắt học sinh trong quá trình lĩnh hội kiến thức, kiểm tra và đánh giá khả năng nhận thức của từng học sinh.
1.2. Đặc điểm của phương pháp dạy học ở tiểu học
Phương pháp dạy học ở các cấp độ giáo dục là không giống nhau. Nguyên nhân của điều này chủ yếu đến từ đặc điểm của đối tượng học tập, chương trình học tập và chuyên của người giảng dạy.
Nhìn chung, phương pháp dạy học ở tiểu học có 4 đặc điểm như sau.
1.2.1. Phụ thuộc nhiều vào nội dung chương trình học
Nói một cách chính xác thì chunhs nội dung chương trình học sẽ quy định phương pháp dạy học. Trong chương trình học tập của học sinh tiểu học có nhiều môn và bộ môn. Mỗi môn học lại có những đặc trưng khác nhau, đòi hỏi người giáo viên phải sử dụng linh hoạt nhiều phương pháp dạy học sao cho có thể khơi gợi hứng thú cho học sinh và truyền tải một cách tốt nhất kiến thức trọng tâm đến với học sinh.
Bên cạnh đó, mỗi phương pháp dạy học cũng có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Việc sử dụng kết hợp nhiều phương pháp khác nhau sao cho phù hợp với từng nội dung kiến thức sẽ giúp bù trừ được ưu và nhược điểm của những phương pháp đó.
1.2.2. Phụ thuộc vào các đặc điểm tâm sinh lý của học sinh
Học sinh tiểu học có nhiều sự khác biệt so với học sinh ở các cấp học khác về tâm sinh lý. Học sinh tiểu học chủ yếu nhận thức một cách cảm tính, bởi vậy các thầy cô giáo thường ưu tiên phương pháp giáo dục trực quan nhằm giúp học sinh dễ dàng hơn trong việc tiếp nhận và ghi nhớ kiến thức.
Ngoài ra, năng lực chú ý và khả năng ghi nhớ của học sinh tiểu học chưa thực sự tốt, vì vậy người dạy học cần chú ý chia nội dung kiến thức thành những phần nhỏ hơn có dung lượng phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh ở độ tuổi này. Đồng thời người dạy học cũng cần tạo sự hứng thú cho học sinh bằng cách kết hợp nhiều phương pháp dạy học khác nhau.
1.2.3. Chịu sự tác động của phương tiện và hình thức tổ chức lớp học
Như đã đề cập ở trên, các phương pháp dạy học ở tiểu học đều đề cao tính trực quan, vì vậy sự hỗ trợ của các phương tiện dạy học trong quá trình truyền tải kiến thức là rất cần thiết.
Mặt khác, giáo dục ở cấp bậc tiểu học phổ biến nhất 3 hình thức và với mỗi hình thức dạy học thì người giáo viên cần sử dụng những phương pháp phù hợp.
- Học trên lớp: Giáo viên chủ yếu sử dụng phương pháp thuyết trình, vấn đáp, truyền đạt kiến thức kết hợp với thực hành
- Học nhóm và tự học: Khuyến khích học sinh luyện tập và làm việc độc lập với sách.
- Tham quan, ngoại khóa: Giáo viên sử dụng phương pháp minh họa trực quan.
1.2.4. Phụ thuộc vào vai trò và vị trí của người giáo viên
Các phương pháp dạy học đã được xây dựng và áp dụng vào thực tiễn từ rất lâu, tuy nhiên thực tế chứng minh không có một phương pháp nào là tối ưu cả. Để truyền đạt tốt kiến thức thì cũng không thể xem nhẹ vai trò của người giáo viên. Chính họ sẽ là người quyết định sử dụng phương pháp dạy học nào là thích hợp nhất. Người giáo viên đôi khi cũng cần vận dụng linh hoạt và sáng tạo các phương pháp dạy học, nhằm mục đích cuối cùng là giúp học sinh hiểu và ghi nhớ kiến thức.
2. Tìm hiểu về hệ thống các phương pháp dạy học ở tiểu học
Các phương pháp dạy học ở tiểu học rất đa dạng và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như đã đề cập ở trên. Dựa trên cơ sở các hoạt động chủ yếu diễn ra trong quá trình dạy học, có thể phân loại các phương pháp dạy học theo những nhóm chủ yếu sau đây.
2.1. Nhóm các phương pháp sử dụng lời nói và chữ viết
2.1.1. Phương pháp thuyết trình
Thuyết trình là phương pháp trong đó giáo viên truyền đạt và mô tả cho học sinh tiếp thu những tri thức đã được khái quát hóa. Quá trình nhận thức của học sinh sẽ đi từ lĩnh hội, hiểu, ghi nhớ và cuối cùng là tái hiện lại những tri thức đó.
Phương pháp này giúp cho học sinh lĩnh hội và thấu hiểu tri thức theo một hệ thống hoàn chỉnh và dễ dành liên hệ những tri thức đó với nhau. Bên cạnh đó, học sinh cũng được rèn luyện năng lực chú ý có chủ đích và tư duy trừu tượng.
Mặt khác, nhược điểm lớn nhất và cũng dễ thấy nhất của phương pháp này đó chính là học sinh sẽ tiếp thu tri thức một cách thụ động và dễ có cảm giác mệt mỏi. Do đó giáo viên khó kiểm soát được mức độ lĩnh ngộ thi thức của học sinh.
2.1.2. Phương pháp vấn đáp
về bản chất, phương pháp này sử dụng một hệ thống các câu hỏi và câu trả lời để giúp người học hiểu rõ kiến thức ở nhiều khía cạnh. Phương pháp này tập trung phát triển tư duy tái hiện và tư duy phê pháp cho người học.
Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này đó là kích thích khả năng tư duy độc lập của người học, đồng thời cũng tạo ra không khí sôi nổi giúp khơi gợi hứng thú từ người học. Tuy nhiên phương pháp này cũng tốn khá nhiều thời gian và khó thu hút được toàn bộ lớp học tham gia vì khả năng tư duy của mỗi học sinh là khác nhau.
2.1.3. Phương pháp sử dụng sách giáo khoa và tài liệu dạy học
Học sinh sẽ được tiếp thu tri thức một cách có hệ thống và theo đúng chuẩn mực trong sách giáo khoa. Sách giáo khoa được coi là tài lieuj minh họa trực quan cho các bài giảng trên lớp, cũng như một nguồn tài liệu quan trọng cho quá trình tự học ở nhà. Đồng thời học sinh cũng được rèn luyện cách tìm kiếm và khai thác thông tin.
2.2. Nhóm các phương pháp dạy học trực quan
Phương pháp này chú trọng vào tính trực quan trong các bài giảng của giáo viên để mang đến cho học sinh nhận thức cảm tính tích cực. Giáo viên cần hạn định mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ trước khi học sinh bắt đầu quan sát. Các công cụ minh họa trực quan cần được lựa chọn kỹ lưỡng và phải phù hợp với mục tiêu và nhiệm vụ của bài học.
2.3. Nhóm các phương pháp thực hành
2.3.1. Phương pháp làm thí nghiệm
Phương pháp này chủ yếu sử dụng trong các môn khoa học tự nhiên và một số môn khoa học xã hội. Giáo viên cần xác định trước đề tài và nhiệm vụ cho học sinh. Sau đó học sinh sẽ được làm thí nghiệm theo hình thức cá nhân hoặc nhóm. Sau khi kết thúc quá trình thí nghiệm, học sinh cần viết báo cáo nộp cho giáo viên nhận xét và đánh giá kết quả. Phương pháp này có tính trực quan và tính giáo dục kỹ năng cao, tuy nhiên lại chưa được sử dụng nhiều ở cấp bậc tiểu học.
2.3.2. Phương pháp luyện tập và ôn tập
Phương pháp này chú trọng việc lặp đi lặp lại kiến thức nhiều lần để giúp cho học sinh ghi nhớ kiến thức cũng như củng cố và hoàn thiện các kỹ năng.
Phương pháp luyện tập bao gồm luyện tập viết, luyện tập miệng, luyện tập kỹ năng, ôn tập và củng cố kiến thức.
Giáo viên cần đề ra mục đích và yêu cầu luyện tập cụ thể, đồng thời phải đốc thúc học sinh kiên trì, tập trung và kiểm tra kết quả thì phương pháp này mới đạt được hiệu quả mong muốn.
Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết, bạn đọc sẽ có cái nhìn tổng quan nhất đối với các phương pháp dạy học ở tiểu học về đặc trưng và những ưu nhược điểm của từng phương pháp. Không có phương pháp nào là có hiệu quả tuyệt đối và cũng không có phương pháp nào là vô ích. Người giáo viên cần căn cứ vào những nội dung kiến thức cần truyền tải và tình trạng của học sinh để quyết định sử dụng các phương pháp dạy học phù hợp.
Tham gia bình luận ngay!