1. Bảo hiểm thất nghiệp có ý nghĩa như nào?
Bảo hiểm thất nghiệp được coi như là một chiếc phao cứu sinh dành cho người lao động trong thời gian không có việc làm để chuẩn bị đi tìm công việc mới. Đặc biệt trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay thì bảo hiểm thất nghiệp càng có ý nghĩa to lớn đối với người lao động.
Bảo hiểm thất nghiệp chính là một chế độ phụ cấp nhằm hỗ trợ một phần thu nhập cho người lao động khi họ không có việc làm, hỗ trợ người lao động để đi học nghề, duy trì cuộc sống và tìm kiếm công việc dựa trên cơ sở sẽ đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (điều này dựa theo khoản 4 điều 3 Luật Việc làm 2013).
Xem thêm: Quy trình tư vấn bảo hiểm nhân thọ
2. Các đối tượng được tham gia vào hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Căn cứ theo quy định tại Điều 43 Luật việc làm 2013 có quy định hưởng bảo hiểm thất nghiệp với người tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: người lao động và người sử dụng lao động. Chỉ có người lao động đang được hưởng lương hưu, người lao động giúp việc gia đình thì không phải tham gia.
- Người lao động: Người lao động sẽ buộc phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc ký kết với công ty: Không xác định về thời hạn, xác định về thời hạn, công việc theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn lao động từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Trường hợp ngoại lệ: Người lao động đang được hưởng trợ cấp lương hưu, người làm giúp việc cho gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Chú ý: Đối với trường hợp người lao động tham gia, ký kết và đang theo làm nhiều hợp đồng lao động cùng lúc thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động được ký kết đầu tiên sẽ có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.
- Người sử dụng lao động: Không chỉ có người lao động mà người sử dụng lao động cũng cần phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:
+ Các tổ chức hoạt động về lĩnh vực chính trị, tổ chức về chính trị - xã hội, tổ chức về chính trị - xã hội nghề nghiệp, các tổ chức liên quan hoạt động xã hội và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
+ Các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị vũ trang nhân dân.
+ Các cơ, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế đang hoạt động trên toàn lãnh thổ Việt Nam
+ Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ chức hợp tác.
Trong vòng 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực thì người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại tổ chức bảo hiểm xã hội.
Bảo hiểm thất nghiệp là một điều kiện hỗ trợ vô cùng có ích cho người lao động, với mục đích chia sẻ những rủi ro bằng việc hỗ trợ thất nghiệp, tư vấn việc làm, hỗ trợ trong việc học nghề, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Xem thêm: Nghề kỹ thuật ô tô
3. Mức đóng đối với quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
- Người tham gia lao động sẽ đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp bằng 1% tiền lương tháng lao động đó.
- Người sử dụng lao động sẽ đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
4. Để hưởng trợ cấp thất nghiệp cần tuân thủ những điều kiện gì?
Cũng như những quyền lợi khác, trợ cấp thất nghiệp cũng phải có những điều kiện nhất định về việc hưởng quyền lợi này:
Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động cần đáp ứng 4 điều kiện theo quy định của Luật việc làm bao gồm:
4.1. Đã chấm dứt hợp đồng lao động.
Trợ cấp thất nghiệp sẽ chỉ chi trả khi người lao động đang trong giai đoạn thất nghiệp, trợ cấp này sẽ loại trừ chi trả với hai trường hợp đã chấm dứt hợp đồng sau:
- Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động một cách đơn phương hoặc hợp đồng lao động làm việc trái với quy định của pháp luật.
- Người lao động được hưởng lương hưu, trợ cấp cho việc mất sức lao động hằng tháng.
4.2. Đáp ứng về thời gian tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Mỗi loại hợp đồng lao động sẽ có những quy định về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp riêng.
Đối với loại hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không được xác định cụ thể về thời hạn làm việc và hợp đồng xác định thời hạn kể từ 12 tháng đến 36 tháng thì cần phải đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Với các hợp đồng theo thời vụ hoặc hợp đồng lao động dưới 12 tháng thì cần phải đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong vòng 36 tháng từ trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đó.
Đối với trường hợp mà người lao động chưa thể đóng đủ theo số năm quy định như quy định trên thì quãng thời gian đã tham gia sẽ được bảo lưu thành quỹ bảo hiểm thất nghiệp để làm căn cứ tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp có lần kế tiếp nếu người lao động đó vẫn đáp ứng đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp.
4.3. Người lao động đã nộp hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định.
Người lao động cần chuẩn bị những hồ sơ sau để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp:
- Đơn xin được hưởng trợ cấp thất nghiệp
- Sổ bảo hiểm xã hội của bản thân
- Người lao động quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước đó
Thời gian để chuẩn bị hồ sơ để nộp có thời hạn là 3 tháng kể từ khi chấm dứt hợp đồng lao động.
4.4. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp mà người lao động vẫn chưa tìm được việc làm.
Một số trường hợp không cần phải đáp ứng điều kiện trên vẫn được hưởng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:
- Người tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an
- Người đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên
- Người chấp hành quyết định áp dụng biện pháp là đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
- Người bị tạm giam hoặc phải chấp hành hình phạt tù
- Người đi ra nước ngoài lao động, định cư theo hợp đồng
- Người đã khuất
Xem thêm: Việc làm bảo hiểm
5. Điều kiện để được hưởng hỗ trợ học nghề
Theo quy định Điều 55 Luật Việc làm năm 2013, người lao động tham gia BHTN được hỗ trợ học nghề khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
- Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
- Đã nộp hồ sơ hưởng BHTN tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ. Trừ các trường hợp:
+ Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an.
+ Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.
+ Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
+ Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù.
+ Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng.
+ Chết.
- Đã đóng BHTN từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc
6. Mức được hưởng trợ cấp và cách tính mức hưởng trợ cấp cho người lao động.
Người đang trong tình trạng thất nghiệp đã đáp ứng đủ yêu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được trợ cấp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng gần kề trước khi thất nghiệp. (ví dụ: bà A có mức lương hằng tháng được nhận là 6 triệu đồng, thì khi đó tiền lương bình quân 6 tháng của bà A trước khi nghỉ việc được tính là 6 triệu đồng. Từ đó mức được hưởng trợ cấp thất nghiệp mỗi tháng của bà là 3.600.000 đồng).
Mức hưởng trợ cấp tối đa mà người lao động được nhận sẽ không vượt quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động nằm trong nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước đã quy định. Không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với lao động tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao đồng hoặc hợp đồng việc làm.
7. Những thắc mắc khi tham gia hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
7.1. Trợ cấp thất nghiệp sẽ hỗ trợ trong thời gian bao lâu?
Thời gian người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được tính dựa vào số tháng mà người đó đã tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp. Chỉ cần đóng đủ 12 tháng cho đến đủ 36 tháng thì sẽ được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, tiếp đó, cứ đóng đủ 12 tháng thì sẽ được cộng thêm vào đó 1 tháng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động đó, tuy nhiên số tháng tối đa không được quá 12 tháng.
7.2. Người lao động thông báo việc làm như thế nào?
Trong quãng thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì hằng tháng người lao động bắt buộc phải thông báo trực tiếp với trung tâm dịch vụ việc làm ở nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp về việc tìm kiếm việc làm. Việc thông báo này sẽ được ghi lại cụ thể trong phụ lục quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động như sau:
- Ngày của tháng đầu tiên được hưởng trợ cấp thất nghiệp là ngày nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp theo phiếu hẹn trả kết quả
- Kể từ tháng thứ hai trở về sau, người lao động cần thực hiện thông báo thường xuyên hàng tháng đối với việc tìm kiếm việc làm trong thời hạn là 3 ngày làm việc kể từ ngày đầu tiên của tháng được hưởng trợ cấp thất nghiệp đó.
Đối với những người lao động thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì không cần phải thực hiện nghĩa vụ thông báo như trên bao gồm:
- Người lao động đang bị bệnh, trong thời gian thai sản, bị tai nạn có giấy xác nhận của bệnh viện, tham gia chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh.
- Một số trường hợp bất khả kháng khác
Đối với các đối tượng thuộc 2 trường hợp trên thì thời gian chậm nhất là trong vòng tối đa 3 ngày làm việc kể từ ngày cuối cùng của thời hạn ra thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm theo quy định trước đó, người lao động này phải gửi thư bảo đảm hoặc uỷ quyền cho người khác đến nộp bản chính hoặc bản sao đã công chứng theo quy định nêu trên đến trung tâm dịch vụ việc làm, nơi đang được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trên đây là những thông tin chi tiết về quy định hưởng bảo hiểm thất nghiệp dành cho người lao động. Hy vọng qua bài viết này các bạn có thể nắm bắt được rõ những quyền lợi của bản thân mình.
Tham gia bình luận ngay!