1. Khi nào cần viết Sơ yếu lý lịch quân đội?
Ở những nhiệm vụ thông thường như đi xin việc làm hay xin nhập học,... thì chúng ta sẽ điền thông tin vào mẫu Sơ yếu lý lịch tự thuật phổ biến nói chung. Hầu như vì sự phổ biến quá đỗi quen thuộc đó mà người ta thường đánh đồng rằng mẫu văn bản này có thể sử dụng trong tất cả các trường hợp khác nhau. Đó là một nhận định sai lầm vì trong nhiều lĩnh vực, việc viết sơ yếu lý lịch lại được yêu cầu riêng về nội dung cũng như mẫu văn bản.
Điều này đúng với trường hợp bạn cần viết sơ yếu lý lịch quân đội. Vậy sơ yếu lý lịch quân đội sẽ được sử dụng trong những hoàn cảnh cụ thể nào? Theo cách chúng ta gọi thì tất nhiên loại văn bản này sẽ được dùng trong các trường hợp liên quan đến quân đội. Đó có thể là khi bạn muốn tham gia thi vào ngành quân đội, hoặc có thể viết khi chuẩn bị hồ sơ nghĩa vụ quân sự.
Việc viết sơ yếu lý lịch quân đội có gì khác biệt so với bản sơ yếu lý lịch tự thuật thông thường hay không? Những yêu cầu gì về cách ghi nội dung bên trong đó? Đọc tiếp chia sẻ bên dưới để tìm kiếm lời giải đáp bạn nhé.
Ứng tuyển ngay việc làm công chức - viên chức
2. Sơ yếu lý lịch quân đội có bố cục như thế nào?
Bản sơ yếu lý lịch dành cho lĩnh vực quân đội có bố cục 3 phần. Bao gồm:
- Phần 1: là Mục I – Sơ yếu lý lịch
Các thông tin liên quan đến lý lịch tự thuật của người khai sẽ được trình bày toàn bộ ở phần này
- Phần 2: là Mục 2 – Tình hình, chính trị gia đình
Nội dung phần này chỉ nêu các quá trình hoạt động chính trị và tình hình cụ thể của gia đình người viết lý lịch.
- Phần 3: là Mục 3 trong sơ yếu lý lịch quân đội – Tình hình kinh tế, chính trị, quá trình hoạt động của người khai lý lịch.
Nhiệm vụ của bạn đó chính là hoàn thiện đầy đủ 3 phần nội dung trên để bản sơ yếu lý lịch quân đội đầy đủ thông tin kê khai, đáp ứng đúng yêu cầu của cơ quan tiếp nhận. Vậy bạn sẽ hoàn thiện nó như thế nào?
3. Hướng dẫn cách ghi sơ yếu lý lịch quân đội theo mẫu có sẵn
Về cách thức, so với sơ yếu lý lịch tự thuật vốn phổ biến và quen thuộc trên thị trường mà chúng ta vẫn thường thấy thì có không có khác biệt, chúng ta vẫn điền đầy đủ thông tin dựa theo mẫu được cung cấp sẵn với các trường thông tin cơ bản nhất về bản thân người khai báo lý lịch. Tuy nhiên, các trường nội dung xuất hiện không giống nhau hoàn toàn.
Vậy điểm khác biệt nằm ở đâu? Đọc thật kỹ từng chỉ dẫn cách ghi cho các mục dưới đây, bạn không chỉ tìm ra sự khác biệt đó mà còn có thể xây đụng được một bản sơ yếu lý lịch quân đội hoàn chỉnh và đáp ứng đúng yêu cầu.
3.1. Cách điền nội dung Mục 1 – Sơ yếu lý lịch
Đây là mục để người viết sơ yếu tự khai các thông tin liên quan đến chính mình với hướng dẫn cụ thể về cách ghi như sau:
- “Họ, chữ đệm và tên thường dùng”: Bạn cần thực hiện đúng yêu cầu đó là viết đầy đủ tên gọi thường ngày của bạn bằng chữ in hoa và có dấu. Ví dụ: PHÙNG QUANG TUẤN.
- “Họ, chữ đệm và tên khai sinh”: Phần này yêu cầu bắt buộc bạn phải viết đúng tên theo giấy khai sinh và viết bằng chữ in hoa có dấu.
- “Sinh ngày”: Bạn điền chính xác và đầy đủ ngày/ tháng/ năm sinh của bạn dựa trên thông tin giấy khai sinh cung cấp. Tuy nhiên cần phải ghi theo đúng nguyên tắc sau: ngày sinh ghi 2 chữ số, vậy nên nếu bạn có ngày sinh ở hàng đơn vị thì cần thêm số 0 ở trước đó, ví dụ ngày 04; các tháng sinh cũng cần ghi 2 chữ số, chẳng hạn tháng 05, ghi đầy đủ 4 chữ số cho năm sinh – 1995, 2001,…
- “ Giới tính”: giới tính của bạn là gì thì ghi chính xác giới tính đó, Nam/ Nữ
- Số chứng minh nhân dân (CMND) hoặc số thẻ căn cước: người kê khai cần ghi một cách đầy đủ và chính xác dãy số chứng minh thư, số thẻ căn cước hoặc dãy mã số định danh của mình. Nếu chỉ có chứng minh thư thì không cần ghi mã số định danh, còn nếu bạn đã được cấp cho thẻ căn cước công dân thì sẽ cần phải ghi kèm theo cả mã số định danh.
- “Nơi đăng ký khai sinh”: mục này cũng chỉ cần sao chép lại chính xác theo giấy khai sinh của bạn, giấy khai sinh ghi gì thì bạn ghi như vậy vào mục này.
- “Quê quán”: cũng tương tự điền theo giấy khai sinh. Nếu như trường hợp giấy khai sinh của bạn bị mất chưa làm lại ở thời điểm cần kê khai lý lịch quân đội hoặc trong giấy khai sinh không có nội dung mục quê quán thì bạn cần phải ghi dựa theo nguồn gốc. Nguồn gốc này lấy theo ông, bà có thể nội hoặc ngoại đều được. Nếu như không thể xác định rõ nguồn gốc của ông bà nội hoặc ngoại thì sẽ ghi theo nguồn gốc của cha, của mẹ. Cách ghi địa chỉ quê quán như thế nào? Bạn điền đẩy đủ theo 3 cấp: xã/ phường, huyện/ quận, tỉnh/ thành phố. Nếu như địa danh này đã bị thay đổi theo thời gian thì cần ghi đúng địa danh hiện tại. Ví dụ, nguồn gốc theo cha, mẹ của bạn là Vĩnh Phú, nhưng hiện nay tỉnh Vĩnh Phú cũ đã được đổi thành Vĩnh Phúc thì bạn sẽ chọn ghi Vĩnh Phúc.
- “ Dân tộc”: mục này bạn cũng ghi theo giấy khai sinh của mình (Kinh, Tày, Mường, Thái, Nùng, Dao,…). Nếu như bạn là con lai thì sẽ phải điền rõ thông tin về dân tộc, quốc tịch của bố hoặc mẹ là người nước ngoài.
- “Tôn giáo”: ghi rõ tôn giáo bạn theo. Chẳng hạn như Đạo Phật, Hòa Hảo, Cao Đài, Công giáo,…) kèm theo cả chức sắc nếu như có. Nếu không phải là người theo tôn giáo, chỉ cần ghi chữ “không” vào mục này.
- “Quốc tịch”: ghi chữ Việt Nam. Nếu bạn có quốc tịch khác thì ghi rõ quốc tịch đó.
- “Địa chỉ thường trú của gia đình”: Mục này sẽ ghi theo thông tin trong sổ hộ khẩu bao gồm đầy đủ các chi tiết về số nhà, tên/ số đường phố/ phố; tổ. xóm thôn, làng bản, ấp,…; xã phường, thị trấn; quận huyện; thành phố, tỉnh.
- “Nơi ở hiện tại”: Ghi cụ thể chi tiết nơi bạn đang ở, đầy đủ các đơn vị hành chính.
- “Thành phần gia đình”: Bạn cần ghi rõ thành phần của gia đình mình từ sau cuộc cải cách ruộng đất hoặc sau thời kỳ diễn ra cuộc cải tạo công thương nghiệp), các thành phần có thể điền vào mục này là cố nông, thành phần bần nông, trung nông hoặc phú nông đối với các gia đình nông dân; ghi địa chủ, viên chức, công chức, dân nghèo, tiểu chủ, tiểu thương, tiểu tư sản, tư sản,…
- Thành phần bản thân (hiện nay): ghi rõ bạn là thành phần nào? – Nông dân, công nhân, công – viên chức nhà nước, thợ thủ công, nhân viên, nhà văn, bộ đội, chủ kinh doanh,…. Hoặc cũng có thể ghi sinh viên, học sinh, người chưa có việc làm,…
- Trình độ văn hóa: có thể viết các trình độ như sau: 12/12 bổ túc văn hóa, 12/12 chính quy, Cao đẳng,…
- “Trình độ ngoại ngữ”: Bạn kê khai dựa trên giấy chứng nhận hoặc bằng ngoại ngữ được cấp tại nhà trường hoặc các trung tâm đào tạo. Các mục có thể kê khai theo trình độ của bạn gồm: Đại học Pháp ngữ, Anh ngữ, Nga ngữ; trình độ A, B, C, D của các loại tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga.
- “Ngày vào Đảng Cộng sản Việt Nam”: ghi rõ ràng, đầy đủ ngày, tháng, năm bạn được kết nạp vào Đảng và địa chỉ nơi kết nạp ở đâu – chi bộ, huyện tỉnh, đảng bộ cơ sở, cơ quan trung ương).
- Ngày vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: Ghi rõ ràng thời gian cùng với nơi kết nạp.
- Mục Kỷ luật, Khen thưởng: bạn cũng viết rõ ràng thời gian bạn nhận được khen thưởng hay bị kỷ luật. Đối với phần khen thưởng, chỉ nêu những phần thưởng được cấp bằng khen trở lên, đồng thời nêu kèm theo cấp quyết định. Còn đối với việc kỷ luật, bạn hãy đưa ra rõ lý do bị mắc sai phạm và hình thức kỷ luật cho những sai phạm đó là gì?
- “Nghề nghiệp”, “Nơi học tập, làm việc”: ghi đầy đủ, chính xác các công việc mà bạn đã làm trước đó, bao gồm cả nhiệm vụ học tập. Nếu bạn tham gia nhập ngũ thì ghi các công việc đã làm từ trước đó. Còn nếu bạn thi vào các hệ đào tạo quân nhân, quân đội thì ghi trường bạn học trước đó.
- “Lương, Ngạch, Bậc”: Ghi mức lương chính hiện tại của bạn nếu có kèm theo ngạch nào – ví dụ ngạch chuyên viên, kỹ sư hay kỹ thuật viên,..; bậc lương đang được hưởng.
- Họ, tên cha, mẹ: ghi theo giấy khai sinh họ và tên cha mẹ đẻ của bạn.
Tham khảo thêm: Quy định mới nhất về sơ yếu lý lịch có xác nhận địa phương
3.2. Điền nội dung cho mục Tình hình, chính trị gia đình
Bạn cần trình bày một cách đầy đủ thông tin về tình hình kinh tế, chính trị của người thân ruột thịt ở mục này. Các thông tin kinh tế, chính trị của những đối tượng sau đây cần được làm rõ ràng, chính xác:
- Bố mẹ đẻ hoặc người đã nuôi dưỡng bạn từ nhỏ
- Bố mẹ vợ/ Bố mẹ chồng
- Vợ/ chồng
- Con đẻ
- Anh chị em ruột thịt
- Con nuôi – mối quan hệ đã được thiết lập đáp ứng đúng quy định của pháp luật
Vậy trình bày thông tin về họ là trình bày những nội dung gì?
- Thứ nhất, bạn cần phải ghi rõ ràng các nội dung bao gồm họ tên đầy đủ của các đối tượng trên, năm sinh, chỗ ở, quê quán, nghề nghiệp, thái độ chính trị và hoàn cảnh kinh tế của từng dối tượng trong từng thời kỳ hoạt động.
- Thứ hai, ghi thành phần giai cấp của từng đối tượng thì bạn điền như sau: Các giai đoạn hoạt động tương ứng với các thành phần giai cấp nào. Bao gồm: trước cách mạnh T8/1945, giai đoạn cải cách ruộng đất miền Bắc năm 1954, giai đoạn cải tạo nông – công – thương nghiệp vào năm 1976 từ khu vực tỉnh Quảng Trị trở vào các tỉnh phía Nam. Các thành phần có thể điền đó là: thành phần cố nông, thành phần bần nông, thành phần trung nông hoặc phú nông; thành phần giai cấp địa chủ; công – viên chức, tiểu tư sản, giai cấp tư sản,… Mỗi một đối tượng khi có sự thay đổi giai cấp thì cần phải ghi cả lý do của việc thay đổi đó là gì?
- Thứ ba, trình bày quá trình lịch sử chính trị của từng đối tượng: Bạn hãy trình bày rõ ràng việc họ đã tham gia vào tổ chức cách mạng nào, tại tổ chức ấy, họ giữ chức vụ gì, làm nhiệm vụ gì. Cần ghi rõ cả cức vụ, hoạt động của họ trong tổ chức của đế quốc hay của chế độ cũ. Ở thời điểm hiện tại thì những đối tượng này đang có quá trình hoạt động như thế nào, đang ở đâu.
- Anh, chị em ruột của người kê khai, anh chị em ruột bên vợ hoặc chồng, con cái: bạn cần phải ghi rõ ràng, đầy đủ họ và tên của họ, thông tin về ngày tháng năm sinh, nơi ở, công việc hiện tại, tình hình kinh tế, thái độ chính trị của từng người.
3.3. Tình hình chính trị, kinh tế và quá trình công tác của người kê khai
Ở mục này bạn hãy tóm tắt lại quá trình hoạt động của bản thân mình tính từ thời điểm niên thiếu cho tới khi bạn tham gia vào hoạt động quân đội. Các thông tin đó sẽ bao gồm việc bạn học ở trường nào? địa chỉ của trường học đó; nơi làm việc của bạn, chức vụ đã nắm giữ trong quá trình làm việc,…
Trên đây chính là cách trình bày ba mục thông tin trong sơ yếu lý lịch quân đội đã được chia sẻ một cách hết sức rõ ràng, chi tiết. Bạn hoàn toàn có thể dựa vào đó để hoàn chỉnh bản sơ yếu lý lịch quân đội của mình một cách đúng đắn, đáp ứng được yêu cầu của người tiếp nhận.
Tải và tham khảo ngay mẫu Sơ yếu lý lịch quân đội sau đây:
Tham gia bình luận ngay!