1. Trước khi viết thư hãy cân nhắc lại một lần nữa
Trước khi viết thư từ chối nhận việc hãy cân nhắc lại một lần nữa về mức lương nhà tuyển dụng đề nghị cũng như tình trạng hiện tại của bạn và những dự định của bạn trong tương lai.
Bạn hãy so sánh mức lương được “offer” ở vị trí tương đương trong những công ty hoặc doanh nghiệp khác. Ngoài ra bạn cũng cần cân nhắc lại về những đãi ngộ khác chứ không phải chỉ mỗi mức lương. Nhiều doanh nghiệp và những công việc đặc thù ban đầu có thể được đề nghị mức lương cơ bản không cao, tuy nhiên mức hoa hồng hay thưởng khi đạt đủ và vượt mức KPI cộng thêm là khá ổn.
Bên cạnh đó bạn cũng cần suy nghĩ về những dự định tương lai của bản thân. Ở thời điểm cần học hỏi, tích lũy kinh nghiệm làm việc và kỹ năng, hãy quan tâm đến những gì bạn có thể học được khi làm việc ở công ty hoặc doanh nghiệp đó.
Nếu bạn không gặp quá nhiều khó khăn thì cũng không nên chỉ chú ý đến mức lương đâu nhé.
Hoặc bạn cũng có thể thương lượng thêm với phía công ty về chuyện điều chỉnh lại mức lương sao cho vừa ý cả đôi bên.
2. Tại sao cần phải viết thư từ chối nhận việc
Trong trường hợp bạn và phía doanh nghiệp không thể thương lượng đi đến thống nhất về mức lương mà bạn mong muốn thì hãy viết một lá thư từ chối nhận việc một cách khéo léo.
Bạn không thể biết trước được công việc và tương lai của mình sẽ như thế nào đâu, hơn nữa bạn cũng sẽ không làm việc ở nơi đó, bởi vậy không có lý do gì để khiến tình hình trở nên căng thẳng cả. Hãy tỏ ra mình là người lịch sự và để lại ấn tượng tốt đẹp về nhau vì biết đâu trong tương lai bạn sẽ quay lại với một vị trí công việc khác và mức lương lý tưởng hơn.
Việc viết thư trả lời cũng thể hiện phép lịch sự tối thiểu và thái độ chuyên nghiệp của người đi làm.
3. Hướng dẫn viết thư từ chối một cách khéo léo
Như đã đề cập ở trên, nếu không muốn nhận việc vì không thể thỏa thuận được về mức lương thì bạn cũng nên viết một bức thư trả lời theo phép lịch sự. Và khi đã quyết định viết thư trả lời thì hãy viết một cách nghiêm túc và khéo léo.
Vậy để viết thư từ chối nhận việc mà vẫn giữ được hòa khí giữa đôi bên ứng viên cần lưu ý điều gì?
3.1. Những lưu ý khi viết thư từ chối nhận việc
3.1.1. Về cách bạn gửi đi bức thư của mình
Nếu đã quyết định từ chối công việc thì bạn nên gửi thư từ chối cho nhà tuyển dụng càng sớm càng tốt. Điều này sẽ giúp họ có thời gian để thực hiện phương án thay thế. Khi nhận được phản hồi từ bạn nhà tuyển dụng sẽ có thời gian để tìm kiếm nhân sự mới cho vị trí công việc đó để tránh gây ảnh hưởng đến tiến độ làm việc của công ty.
3.1.2. Về thái độ và văn phong sử dụng trong thư
Trước hết bạn cần hiểu rõ điểm này, khi nhà tuyển dụng quyết định tuyển chọn bạn, có nghĩa là họ đã công nhận chuyên môn cũng như kỹ năng của bạn. Bởi vậy hãy lịch sự với những người nhận thấy giá trị của mình. Có thể vì nhiều lý do mà họ không thể “offer” cho bạn mức lương mong muốn nhưng đó cũng không phải là quyết định cá nhân của họ. Họ chỉ là người trao đổi và liên lạc với bạn thôi.
Cụ thể hơn thì bạn nên giữ thái độ mềm mỏng và lịch sự. Kể cả việc bạn khá bất mãn về mức lương mà phía công ty đề nghị, nhưng hãy viết thư trả lời sao cho đôi bên vẫn giữ được hòa khí nhé. Bạn nên tỏ ra biết ơn vì phía công ty đã đánh giá cao và lựa chọn bạn trong số rất nhiều ứng viên khác. Đây cũng là chiến thuật tâm lý “rào trước đón sau” giúp bạn từ chối nhận việc mà vẫn giữ được phép lịch sự và thân thiện.
3.1.3. Khéo léo giữ liên lạc
Việc tạo được mối quan hệ tốt với nhà tuyển dụng luôn luôn có lợi cho bạn. Thực tế bạn cũng không cần cung cấp gì nhiều cho nhà tuyển dụng, nhưng nhà tuyển dụng có thể nhớ tới bạn và biết đâu bạn sẽ có được cơ hội làm việc trong tương lai với mức đãi ngộ và thu nhập tốt hơn.
3.1.4. Đưa ra lý do chính đáng
Nếu nhà tuyển dụng đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu và công nhận khả năng của bạn thì bạn cũng nên đưa ra một lý do hợp lý để nhà tuyển dụng hiểu vì sao bạn từ chối công việc.
Một số ứng viên chưa thật sự khéo léo khi đưa ra sự so sánh giữa các công việc và các công ty. Điều này không sai vì bạn có quyền lựa chọn cơ hội tốt nhất cho bản thân mình. Tuy nhiên điều này lại có vẻ sẽ khiến nhà tuyển dụng phật lòng. Thực tế bạn không cần đề cập quá chi tiết đến lựa chọn của mình bởi những thông tin này không liên quan gì đến nhà tuyển dụng.
Thay vào đó tại sao bạn không tạo ra bầu không khí vui vẻ và hòa nhã hơn bằng cách thể hiện sự đánh giá cao của bản thân với công việc, bên cạnh đó đưa ra một lý do khách quan để không phá vỡ bầu không khí đó.
3.1.5. Trình bày ngắn gọn
Việc viết thư từ chối chỉ là để giữ phép lịch sự, bởi vậy không cần chia sẻ quá nhiều điều không liên quan. Hãy viết ngắn gọn và đủ ý vì đây chỉ là một lá thư mang tính chất thông báo là chủ yếu.
3.2. Cách viết thư từ chối nhận việc
- Tiêu đề
Một email chuyên nghiệp sẽ không thể thiếu phần tiêu đề. Tiêu đề thư rất đơn giản, bạn chỉ cần ghi theo cú pháp: tên và sau đó là vị trí ứng tuyển. Việc bạn từ chối nhận việc sẽ được đề cập đến trong nội dung thư.
- Phần nội dung thư
Trước tiên bạn cần giới thiệu lại một cách ngắn gọn về bản thân. Có trường hợp công ty hoặc doanh nghiệp tuyển dụng nhiều ứng viên mỗi lần, vì vậy nếu bạn không đề cập đến những thông tin về bản thân thì nhà tuyển dụng có thể không biết rõ bạn là ai.
Sau đó hãy thể hiện sự biết ơn của mình vì nhà tuyển dụng đã công nhận và đề nghị một vị trí công việc cho bạn.
Tiếp theo là phần chính của thư từ chối nhận việc. Đừng nói thẳng ra rằng bạn từ chối nhận việc vì lương thấp. Thay vào đó hãy đưa ra một lý do khách quan và hợp lý hơn. Đồng thời bạn cũng nên bày tỏ sự tiếc nuối vì không thể trở thành một thành viên trong công ty và hy vọng sẽ có một sự hợp tác khác trong tương lai.
Cuối cùng hãy cảm ơn lại một lần nữa, kết thúc bức thư và để lại thông tin liên lạc.
Ví dụ:
“Trước hết tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn của mình vì Quý công ty đã trao cho tôi cơ hội được làm việc ở vị trí Chuyên viên kinh doanh. Tôi rất cảm ơn sự công nhận và đánh giá của Quý công ty. Dù vậy hôm nay tôi rất tiếc khi phải thông báo rằng tôi không thể đến nhận công việc ở vị trí Chuyên viên kinh doanh. Sau khi xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng, tôi muốn thử sức bản thân trong công việc ở một lĩnh vực khác để có thể học hỏi thêm kinh nghiệm và kỹ năng làm việc.
Bằng email này, một lần nữa tôi muốn bày tỏ sự cảm ơn với lời đề nghị của Quý công ty và cũng rất tiếc vì không thể đến nhận việc tại thời điểm này. Hy vọng công ty sẽ sớm tìm được một ứng viên tài năng khác phù hợp với vị trí Chuyên viên kinh doanh.
Cảm ơn Quý công ty một lần nữa vì đã trao cho tôi cơ hội, hy vọng chúng ra sẽ có thể hợp tác vào một dịp khác trong tương lai.
Trân trọng,"
Như vậy là bạn đã biết cách viết một lá thư từ chối nhận việc vì lương thấp rồi đúng không? Hãy ghi nhớ những lưu ý khi viết thư từ chối để vẫn giữa được không khí hòa nhã của đôi bên và đạt được mục đích của mình nhé.
Tham gia bình luận ngay!