1. Các tác phẩm học chính khóa
Trong chương trình văn học lớp 12 có tất cả 14 tác phẩm văn học chính khóa bắt buộc dành cho học sinh. Trong đó có 8 tác phẩm nổi bật nhất thường xuyên xuất hiện trong các đề thi học sinh giỏi hay thi tốt nghiệp, đại học. Hãy cùng tham khảo và cập nhật tóm tắt về nội dung của các tác phẩm này nhé.
1.1. Tác phẩm “Tuyên ngôn độc lập”
Đây là một tác phẩm được sáng tác bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản tuyên ngôn độc lập mở đầu bằng những câu trích dẫn từ “Tuyên ngôn độc lập” của Mỹ, “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của Pháp để khẳng định về chủ quyền, độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam. Trong bản tuyên ngôn độc lập này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án về tội ác của thực dân Pháp đối với dân tộc ta trong suốt hơn 80 năm xâm lược.
Cụ thể đó là những tội ác về kinh tế, chính trị, văn hóa, tội bán nước Việt Nam ta cho Nhật Bản 2 lần. Bản tuyên ngôn độc lập nêu cao về tinh thần đấu tranh giành chính nghĩa, nêu cao thắng lợi của nhân dân Việt Nam. Kết thúc tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố về quyền độc lập tự do, ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập tự do ấy của toàn dân tộc Việt Nam.
1.2. Tác phẩm “Người lái đò sông Đà”
“Người lái đò sông Đà” là tác phẩm do nhà văn Nguyễn Tuân sáng tác. Tác phẩm khắc học về cảnh thiên nhiên Tây Bắc tuyệt đẹp, được tô điểm bởi con sông Đà vừa hung bạo vừa trữ tình. Sông Đà có lúc dịu dàng giống như người thiếu nữ kiều diễm, lúc lại thay đổi theo mùa. Dọc theo con sông Đà có nhiều thác ghềnh, vách thành, đá tảng, đá hòn tạo nên thạch trận cửa sinh cửa tử.
Nổi bật trong bức tranh thiên nhiên hùng vĩ đó là một hình ảnh người đàn ông lái đò trên sông Đà. Người đàn ông này mang vẻ đẹp khỏe khoắn của người lao động vùng sông nước, thân hình cao to, nước da rám nắng. Ông là người làm nghề lái đò đã nhiều năm, gắn bó với con sông này, thuộc rõ từng ngõ ngách, “tính khí” của con sông. Với kinh nghiệm của mình cùng sự cần cù, gian dạ, ông luôn biết cách đưa con thuyền vượt thác sông Đà đầy nguy hiểm, đưa nhiều chuyến hàng về xuôi an toàn.
1.3. Tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông”
“Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường là một tác phẩm hay xuất sắc và cũng thường xuất hiện trong các đề thi tốt nghiệp, đại học nhiều năm gần đây. Bài bút ký này đã ca ngợi về vẻ đẹp của con sông Hương gắn liền với xứ Huế mộng mơ, đi vào lòng người. Tác phẩm miêu tả chi tiết về con sông ở lúc thượng nguồn với vẻ đẹp mãnh liệt, hoang dại. Hai bên bờ sông Hương chói lọi màu hoa đỗ quyên đỏ.
Lúc qua thành phố Huế, sông Hương trôi đi thật chậm, lặng lờ như điệu slow. Sông Hương trong ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường như một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya, mang vẻ đẹp trữ tình, trầm lặng gắn liền với lịch sử bi tráng của dân tộc.
1.4. Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”
“Vợ chồng A Phủ” là tác phẩm của nhà văn Tô Hoài kể về cuộc sống của người dân vùng cao Tây Bắc. Câu chuyện chính ở đây tập trung vào 2 nhân vật là Mị và A Phủ. Mị là cô gái H’mông vô cùng xinh đẹp, có tài thổi sáo hay và được nhiều chàng trai theo đuổi. Thế nhưng, vào một ngày, Mị bị con trai nhà thống lý Pá Tra là A Sử bắt về làm vợ để trả nợ cho bố mẹ năm xưa. Cuộc sống của Mị từ đây rơi vào bể khổ, ngày đêm làm việc quần quật, không được đi chơi, không có bạn bè,…
Còn A Phủ là một chàng trai nghèo khổ, mồ côi cha mẹ từ nhỏ nhưng chăm chỉ lao động. Vì bất bình trước thái độ ngang tàng, bạo ngược của A Sử nên đã đánh hắn bị thương rồi cuối cùng cũng phải đi làm thuê nhà thống lý Pá Tra để trả nợ, bồi thường. Có lần anh đi chăn bò và vô tình để hổ ăn mất 1 con bò nên đã bị trói nhốt vào nhà, nhịn ăn. Thấy thế, lòng thương người của Mị trỗi dậy, cô cởi trói cho A Phủ rồi 2 người cùng nhau bỏ trốn khỏi Hồng Ngài. Sau đó họ cũng nên đôi vợ chồng và cùng tham gia cách mạng.
Xem thêm: Làm sao để học giỏi văn? Bí quyết hữu hiệu dành cho học sinh
1.5. Tác phẩm “Vợ nhặt”
Trong các tác phẩm văn học lớp 12 thì có lẽ cái tên “Vợ nhặt” được ghi nhớ nhiều nhất. Đây là một truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Kim Lân. Tác phẩm viết về cảnh đói khổ của một ngôi làng, cụ thể trong đó là gia đình bà cụ Tứ với anh cu Tràng nhặt được cô vợ từ ngoài đường chỉ với 2 câu đùa vu vơ. Bà cụ Tứ sau khi biết được tin có con dâu thì nỗi niềm xáo trộn vì cảnh nghèo đói, gia đình đã không đủ ăn, giờ lại thêm một cô con dâu.
Thế nhưng, với anh Tràng, sau khi có vợ, anh cảm thấy mình có bổn phận và trách nhiệm, thấy yêu cái nhà mình hơn. Dù bữa ăn chỉ có rau chuối chấm muối, mỗi người hai lưng bát cháo loãng nhưng mọi người đều cảm thấy vui vẻ. Ngoài kia tiếng trống thúc thuế nổi lên, bà cụ Tứ lại khóc. Lúc này trong đầu Tràng bỗng hiện lên lá cờ đỏ sao vàng và đoàn người trên đê Sộp đi phá kho thóc,…
1.6. Tác phẩm “Rừng xà nu”
Tác phẩm “Rừng xà nu” viết về làng Xô Man, núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong tác phẩm là hình ảnh của anh chàng Tnú sau 3 năm đi bộ đội trở về thăm quê hương. Trong một buổi tối sum họp, cụ Mết đã kể lại cho mọi người nghe về trang lịch sử bi thương, hùng tráng của dân làng và nó gắn với cuộc đời của Tnú. Làng Xô Man trong những năm đen tối của cách mạng chỉ là một căn cứ bí mật để nuôi giấu cán bộ. Năm đó, Tnú và Mai còn khá nhỏ nhưng đã có công với cách mạng. Lớn lên, 2 người bén duyên thành vợ chồng và Tnú trở thành lãnh đạo dân làng đi đánh giặc.
Thế nhưng, chiến tranh dữ dội, Mai và đứa con bị quân địch bắt hành hạ, uy hiếp. Thế nhưng, dù lòng căm phẫn lớn, dù đã lao ra ngoài chém giặc mà Tnú vẫn không thể cứu được vợ con mình, ngược lại anh còn bị giặc bắt, tẩm nhựa xà nu đốt cháy 10 đầu ngón tay. Dù vậy, Tnú vẫn kiên cường chịu đựng. Căm thù tột độ, cả khối người đã vùng dậy để đánh gục kẻ thù, giải cứu cho làng Xô Man. Khép lại câu chuyện là hình ảnh cụ Mết, Dít tiễn Tnú trở lại đơn vị để tiếp tục làm nhiệm vụ của mình.
1.7. Tác phẩm “Những đứa con trong gia đình”
“Những đứa con trong gia đình” là tác phẩm kể về Việt ở Bến Tre, có chị gái là Quyết Chiến, 2 chị em cùng tham gia bộ đội. Trong trận đánh lớn ở rừng cao su, Việt đã sử dụng pháo thủ để diệt một xe bọc thép của Mỹ nhưng đã bị thương nặng, ngất đi trên chiến trường, bị lạc đơn vị đến 3 ngày 3 đêm. Trong khi hôn mê, anh nhớ về những kỷ niệm tuổi thơ, nhớ ba má, anh chị em, chú Năm.
Cả ba và má Việt đều hi sinh trong chiến trang, chị em anh tham gia để báo thù và để giải phóng quê hương, tiếp tục trang sử anh hùng của gia đình mình. Trong khi Việt hôn mê, anh Tánh đã dẫn tiểu đội đi tìm rồi đưa Việt về bệnh viện quân y để điều trị.
1.8. Tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”
Tác phẩm “chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu khắc họa câu chuyện về một anh nghệ sĩ nhiếp ảnh tên Phùng quay về biển nơi anh từng chiến đấu để chụp ảnh nghệ thuật. Sau khi tìm kiếm, anh đã chụp được bức ảnh tâm đắc là chiếc thuyền ngoài xa.
Sau khi quay trở lại bờ, anh vô tình bắt gặp người đàn ông đang đánh đập 1 người đàn bà. Đứa con vì muốn bảo vệ mẹ mà đã đánh lại cha của mình. Sự việc này cứ thế tiếp diễn vài ngày và anh Phùng lúc đó không chịu được mới lao vào để can ngăn thì lại bị người đàn ông đánh bị thương.
Tiếp đó, câu chuyện này được báo cáo lên trên và chánh án Đẩu đã mời người đàn bà đến nói chuyện, khuyên giải nên bỏ chồng nhưng chị từ chối. Chị bắt đầu kể về cuộc đời, giải thích lý do vì nghèo khổ mà chồng chị như vậy. Thông qua đây, nghệ sĩ Phùng và Đẩu đã có thêm nhiều bài học cho cuộc đời.
Ngoài những tác phẩm nổi bật trên thì trong chương trình chính khóa cũng có một số bài học khác như là “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc”, “Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS 1 – 12 – 2003”, “Thuốc”, “Ông già và biển cả”, “Số phận con người”, “Hồn Trương Ba, Da Hàng thịt”.
Tham khảo: Tìm gia sư văn lớp 12
2. Các tác phẩm đọc thêm
Bên cạnh những tác phẩm văn học chính khóa thì cũng có một số tác phẩm khác thuộc chương trình đọc thêm. Các tác phẩm này ít khi được chọn vào các câu nhiều điểm, tuy nhiên vẫn có thể trúng các đoạn văn, đoạn thơ nhỏ cho phần 1 – phần các bạn trả lời câu hỏi ngắn. Do đó, các bạn học sinh cũng không nên lơ là mà cần nắm được nội dung chính của các tác phẩm này.
2.1. Tác phẩm “Những ngày đầu tiên của nước Việt Nam”
Trong tác phẩm này thì tác giả chia thành 4 đoạn với nội dung chính là:
- Đoạn 1: Nói về tư thế vững mạnh, hiên ngang của dân tộc thời chống Mỹ. Trong đoạn này, tác giả hồi tưởng về giờ phút hiểm nghèo của nước Việt Nam thời kỳ mới.
- Đoạn 2: Tác giả nói về những khó khăn về mọi mặt của đất nước mà tưởng chừng khó có thể vượt qua.
- Đoạn 3: Đoạn này nói về những biện pháp tích cực của chính quyền mới, sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách của Đảng, toàn dân.
- Đoạn 4: Phần này hiện lên hình ảnh của Bác Hồ như tượng trưng cho một chính thể mới, nhà nước của dân, do dân và vì dân.
2.2. Tác phẩm “Mùa lá rụng trong vườn”
Tác phẩm kể về câu chuyện trong gia đình ông Bằng, một gia đình nề nếp, gia pháp, gia phong bỗng trở nên chao đảo trước những thay đổi của xã hội. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có người luôn giữ vững truyền thống gia đình là chị Hoài – người con dâu trưởng.
Ở nông thôn bận rộn quanh năm nhưng cứ đúng chiều 30 Tết, chị vẫn lên Hà Nội thăm gia đình, cúng tất niên cùng bố chồng và các em, thể hiện truyền thống gia đình cũng như truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam trong ngày Tết Nguyên Đán.
Tìm hiểu thêm: Khám phá chi tiết về các thể loại văn học của Việt Nam!
2.3. Tác phẩm “Một người Hà Nội”
Nhân vật trung tâm trong truyện ngắn này là cô Hiền, một người Hà Nội bình thường, cùng Hà Nội trải qua những biến động, thăng trầm nhưng vẫn giữ được cốt cách, bản lĩnh trong văn hóa người Hà Nội. Cô luôn sống thẳng thắn, chân thành, không giấu diếm những quan điểm, thái độ với các vấn đề xung quanh.
Cô luôn tính toán trong quản lý gia đình, dạy con cái ăn nói, đi đứng sao cho thể hiện được nét văn hóa của người Hà Nội. Cô sẵn sàng cho con tham gia kháng chiến. Cho đến sau năm 1975, hòa bình lập lại, cô Hiền vẫn là một người Hà Nội thuần túy, không pha trộn.
Trên đây là tổng hợp thông tin tóm tắt các tác phẩm văn học lớp 12 dành cho học sinh. Hy vọng rằng bài viết sẽ giúp các bạn nắm chắc kiến thức để có thể vượt qua các kỳ thi của mình nhé.
Tham gia bình luận ngay!