1. Thế nào là nhân viên hải quan?
Nhân viên hải quan là những nhân viên thuộc cơ quan hải quan của nhà nước, có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với con người, hàng hóa, phương tiện vận tải đi qua biên giới.
Nhân viên của đơn vị hải quan chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động của hải quan, bao gồm kiểm tra kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu, hành khách và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, tổ chức thực hiện pháp luật đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (thu thuế xuất nhập khẩu, điều tra phòng chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới).
Có thể nói vai trò của nhân viên hải quan là hết sức quan trọng. Các hoạt động của họ là nhằm bảo hộ, phục vụ, thúc đẩy sản xuất nội địa, tăng sức cạnh tranh của hàng hoá nội địa, thúc đẩy xuất khẩu, góp phần vào bảo vệ lợi ích chủ quyền quốc gia, an ninh kinh tế, an toàn xã hội của Việt Nam.
Xem thêm: Danh sách việc làm hàng hải
2. Những công việc chính của nhân viên hải quan
Là những nhân viên hoạt động dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, hải quan phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giao thương quốc tế và an ninh chủ quyền của nước ta. Trong đó, những việc làm chính của hải quan là:
- Thực hiện rà soát, kiểm tra, giám sát những hành khách, tiền bạc, hàng hoá, phương tiện vận tải đi qua biên giới:
Hàng ngày có một lượng lớn hàng hóa, phương tiện, cá nhân và các giao dịch tiền tệ được thực hiện qua biên giới, công việc của nhân viên hải quan là đảm bảo tất cả đều diễn ra hợp lệ, tuân theo đúng pháp luật hải quan của Việt Nam và của quốc tế.
Họ sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn và giúp đỡ các bên hoàn thành các thủ tục pháp lý cho phép xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu và ghi chép, xác nhận thông tin, lưu trữ vào hệ thống cơ sở dữ liệu của hải quan. Họ phải kịp thời phát hiện và xử lý các loại hàng hóa, phương tiện và cá nhân vi phạm, chẳng hạn hàng cấm nhập khẩu, đối tượng nhập cư trái phép, tổ chức khai báo thông tin sai lệch,…
- Tham gia công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới:
Việc giao thương, lưu thông tại các biên giới, cảng biển, sân bay,… lúc nào cũng tồn tại nhiều vấn đề phức tạp. Luôn có những đối tượng cố gắng lợi dụng kẽ hở của quá trình ra vào biên giới để thực hiện hành vi vận chuyển hàng hóa trái phép, thẩm lậu vào nội địa, nhập khẩu hàng giả mạo, vi phậm luật sở hữu trí tuệ, khai khống chủng loại, số lượng, giá trị hàng hóa,…
Nhân viên kiểm tra thông tin thông quan phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng phòng chống buôn lậu của cục hải quan để kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn ngừa các hành vi trên. Đây là một nhiệm vụ hết sức thiết yếu vì những hàng hóa, đồ vật trái phép đó sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ khủng bố, tội phạm, vũ khí,… tìm cách thâm nhập và phá hoại an ninh Tổ quốc.
- Tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với các loại hàng hoá xuất khẩu và nhập khẩu:
Nhân viên hai quan có nhiệm vụ kiểm tra, đảm bảo các cá nhân, tổ chức muốn qua lại biên giới phải khai báo đúng thông tin về tên hàng, số lượng, giá trị, mã số, thuế suất,... và xác minh, thu nhận tiền thuế. Nếu xảy ra sai phạm, cơ quan hải quan sẽ yêu cầu người khai hải quan phải nộp thuế bổ sung hoặc nặng hơn là xử lý hình sự đối với đối tượng sai phạm.
Những khoản thuế này giúp Nhà nước kiểm soát, nắm rõ được hàng hóa lưu thông, bảo hộ ngành sản xuất nội địa, cũng như tạo nguồn thu lợi nhuận thương mại để phát triển đất nước. Vậy nên, nhân viên bộ phận hải quan phải thực hiện quy trình kiểm tra và thu thuế một cách cẩn thận, minh bạch, đảm bảo không xảy ra sơ sót để các đối tượng gian lận thương mại trót lọt, làm thất thoát nguồn thu của Nhà nước.
- Kiến nghị các chủ trương, biện pháp quản lý của Nhà nước về hải quan và các chính sách về thuế, đối với các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, nhập cảnh, quá cảnh:
Trong quá trình công tác tại các bộ phận hải quan, nhân viên không chỉ làm việc mà còn phải xem xét, nắm bắt những vấn đề, những hạn chế còn tồn tại trong khâu quản lý, điều hành, để từ đó đưa ra những kiến nghị, chủ trương để Nhà nước có thể nhanh chóng sửa đổi.
Hoạt động giao thương, lưu thông qua biên giới luôn diễn biến phức tạp và biến đổi từng ngày, từng giờ theo sự phát triển chung toàn cầu, vậy nên nhân viên hải quan phải kịp thời cập nhật tình hình, hỗ trợ cải thiện hiệu quả công tác kiểm tra hải quan của nước ta.
Đọc thêm: Tìm hiểu hàng hải là gì ? Cơ hội nghề nghiệp rộng mở
3. Yêu cầu đối với một nhân viên trong lĩnh vực hải quan
Để trở thành một nhân viên hải quan giỏi, bạn cần phải có những kiến thức, kỹ năng sau đây:
- Nắm vững kiến thức về kinh tế nói chung và nghiệp vụ chuyên môn nói riêng. Kiến thức cơ bản về kinh tế bao gồm: ngoại thương, thương mại, logistics, kế kiểm toán, luật quốc tế, thuế,… Kiến thức nghiệp vụ về hải quan bao gồm: giao dịch vận tải quốc tế, lập kế hoạch và tổ chức xuất nhập khẩu, các thủ tục hành chính xuất nhập cảnh, phân loại áp mã hàng hóa, chính sách thuế hàng hóa,…
- Nhân viên ngành hải quan cần có bằng cấp, chứng chỉ ngoại ngữ để phục vụ việc xử lý các công việc liên quan đến văn bản, giao tiếp, trao đổi với nước ngoài. Trong đó phổ biến nhất là chứng chỉ về tiếng Anh, ứng viên đăng ký thi vào ngành hải quan cần có các chứng chỉ quốc tế (IELTS, TOEIC, TOEFL) hoặc chứng chỉ dựa theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam.
- Nhân viên cần thành thạo tin học văn phòng, hiểu biết thêm một số chuyên môn về kỹ thuật máy tính cũng như trang thiết bị, phần mềm chuyên dụng cho hải quan. Những ai có ý định thi vào ngành hải quan nên học để đạt các chứng chỉ tin học văn phòng, các kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, kỹ năng sử dụng máy tính và Internet.
Ngoài những kỹ năng cứng trên, một nhân viên công chức hải quan cần đạt những điều kiện, tố chất sau:
- Phải là công dân Việt Nam và hiện đang sinh sống trên đất nước Việt Nam.
- Có phẩm chất đạo đức và chính trị tốt, không có tiền án tiền sự.
- Có một sức khỏe tốt để đảm bảo hoàn thành được nhiệm vụ.
- Làm việc cẩn thận, nghiêm túc để đảm bảo không xảy ra sai sót.
- Gương mẫu, chính trực, giữ kỷ luật, kỷ cương nghiêm minh.
Đọc thêm: Ngành quản lý hàng hải ra làm gì sau khi tốt nghiệp đại học
4. Chế độ lương thưởng và lưu ý về nghề hải quan
Công chức ngành hải quan có mức lương cao hơn công chức các ngành khác và được hưởng phụ cập đặc biệt của Nhà nước, hệ số lương mới nhất của nhân viên hải quan thuộc biên chế Nhà nước là 4.06, được hưởng 0.8 phụ cấp đặc biệt, hỗ trợ tiền ăn khoảng 900.000 VND/tháng, ngoài ra còn có một số khoản tiền thưởng tùy từng dịp. Vậy là, mức thu nhập hàng tháng của một nhân viên sẽ dao động từ 6.000.000 – 9.000.000 VND/tháng.
Một lưu ý dành cho những bạn muốn ứng tuyển trở thành nhân viên của cơ quan hải quan, đó là ngành hải quan tổ chức thi rất ít, khoảng vài năm mới mở một kỳ thi tuyển chọn. Bên cạnh đó, số lượng tuyển cũng ít ỏi, hạn chế nên tỷ lệ chọi sẽ vô cùng gắt gao, bạn sẽ phải hoàn thành nhiều vòng thi về cả kiến thức chuyên ngành, kỹ năng tiếng Anh và kỹ năng tin học. Do đó, bạn cần chủ động theo dõi tin tức để nắm bắt thời gian thi, chuẩn bị kiến thức thật kỹ lưỡng để chờ đợi đến kỳ thi hải quan.
Một vấn đề nữa liên quan đến kỳ thi, đó là Tổng cục Hải quan không tổ chức ôn tập, ôn thi hay phát tài liệu cho các thí sinh, vậy cho nên bạn phải chủ động cập nhật và trau dồi kiến thức chuyên ngành, cũng có thể hỏi xin kinh nghiệm, mẫu đề cương ôn tập từ những người từng tham gia thi hải quan. Hiện nay có một số cơ sở tổ chức luyện thi hải quan, nhưng tất cả đều là không chính thức và chưa được kiểm tra, thẩm định chất lượng, vậy nên bạn cần phải cẩn thận chọn lựa, tránh để tiền mất tật mang.
Trên đây là những thông tin liên quan đến công việc của nhân viên hải quan, quả thật là một ngành nghề hết sức khó khăn, nhưng cũng đầy vinh quang và tự hào khi góp phần bảo vệ phát triển đất nước, đúng không nào? Chúc bạn thành công trúng tuyển vào vị trí nhân viên ngành hải quan mà bạn mong muốn.
Tham gia bình luận ngay!